Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.824 tác phẩm
2.758 tác giả
321
122.830.006

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thổi sức sống cho đình làng .
Đình Đồng Lạc hoạt động nhộn nhịp, trong khi đình Chu Quyến (ảnh nhỏ) đìu hiu vì trở thành kho chứa đồ ẢNH: PHƯƠNG KHANH Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nếu không đưa sinh hoạt cộng đồng vào đình, không gian đình sẽ mất hết sức sống.

 

 

Điểm đến kiểu mẫu

 
 

Thổi sức sống cho đình làng - ảnh 1

Nhiều di tích rất bề thế nhưng chỉ có sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ hội. Nếu không thổi các hoạt động, các giá trị phi vật thể vào đình, đình sẽ chết

Thổi sức sống cho đình làng - ảnh 2

 

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐỨC BÌNH

 

Kể từ tháng 1.2017, đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào, Hà Nội) sẽ lại bán lụa như đã từng làm trong lịch sử. Lãnh Mỹ A, loại lụa phải nhuộm tới cả trăm lần cho lên màu đen của trái mặc nưa, đã có mặt trong đình cho cuộc tái hiện lịch sử ấy. Những sản phẩm của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí trên lãnh Mỹ A bán tại đây tiếp nối cho những chiếc yếm lụa cũng bán tại nơi này ở thời Lê. “Ngôi đình này vốn được Hà Nội và TP.Toulouse (Pháp) trùng tu hồi năm 2000. Đó là một ngôi đình di sản. Giờ đây, bên trong di sản vật thể đó, chúng tôi đặt vào những giá trị phi vật thể”, bà Trần Thùy Lan, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nói.

Không gian bên trong đình Đồng Lạc do ban quản lý kết hợp cùng Công ty Tam Sơn và Sở Du lịch Hà Nội thực hiện. Ở đó, có rất nhiều sản phẩm sơn mài Hanoia với quy trình thực hiện chặt chẽ, thiết kế do người Pháp chịu trách nhiệm. Cũng có cả những cuốn sổ giấy dó, đàn chim kết bằng vải và sợi tơ nhuộm, lông nhuộm được làm thủ công. “Chúng tôi đã xuất khẩu các mặt hàng này ra nước ngoài từ lâu, giờ đây chúng tôi muốn nó phát triển ngay trên quê hương mình”, bà Nguyễn Tuyết Thanh, Giám đốc Công ty Tam Sơn, nói. Không gian này được thực hiện trước hết để khách du lịch và chính người Hà Nội đến ngắm lại các di sản vật thể lẫn phi vật thể của cha ông mình, hoàn toàn miễn phí.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết từ tháng 1.2017 đình Đồng Lạc được gắn biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đây là điểm đến thứ hai của Hà Nội được gắn biển hiệu này, sau cửa hiệu áo dài của nhà thiết kế Lan Hương.

Không chỉ ở đình Đồng Lạc, đình Kim Hoàng (Hà Nội) cũng được đưa các hoạt động văn hóa vào. Làng Kim Hoàng xưa vốn có nghề làm tranh tết, đã thất truyền cách đây hàng chục năm. Giờ đây, cùng với nhà sưu tập tranh dân gian Thu Hòa, người dân đang cùng nhau gầy dựng lại truyền thống đó. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, họ lại tới học in tranh dưới sự hướng dẫn của bà Hòa. Tranh in ra được treo ngay tại đình. “Người đến in tranh chưa đến mức phải xếp hàng, nhưng rất đông”, ông Nguyễn Sỹ Vượng, chủ tế làng Kim Hoàng, thành viên ban trị sự, di tích của đình, phấn khởi nói.

Đình Chu QuyếnẢNH: TRANG HIỀN

 

Mòn mỏi phận làm kho

Trong khi đình Đồng Lạc và Kim Hoàng hoạt động nhộn nhịp thì di tích quốc gia đình Chu Quyến lại cam phận lạnh lẽo 2 năm qua. Đây là khoảng thời gian đền Chu Quyến ngay cạnh đó tu bổ. Vì thế, đồ đạc của đền được chuyển sang đình cất giữ. “Biến di tích quốc gia thành một cái kho, không chỉ để đồ thờ thánh mà cả bàn ghế của làng. Đình đóng băng rồi. Mà đóng băng vài tháng còn tạm được, đằng này tới 2 năm...”, PGS-TS Trang Thanh Hiền (Khoa Lý luận phê bình, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) nói. Bà đã nhiều lần về đình mà không được vào do đình bị rào bằng lưới B40 và tôn.

Theo bà Hiền, đành rằng đình là của làng song khi trở thành di tích quốc gia thì vị thế của đình đã khác. “Ứng xử với di tích quốc gia như vậy thì đừng công nhận di tích làm gì. Nên xây nhà gạch tạm để giữ đồ trong thời gian trùng tu, chứ nếu không, trùng tu xong thì cái đình Chu Quyến cũng hỏng với kiểu tận dụng này”, bà nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, cho rằng chức năng của ngôi đình làng nay đã bị thu hẹp nhiều. Nếu xưa đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức hát xướng hoặc tụ tập của cả cộng đồng thì nay hầu như chỉ còn chức năng thờ cúng. “Có những ngôi đình giá trị nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc rất cao được nhà nước đầu tư trùng tu tôn tạo, nhưng cũng chỉ còn chức năng thờ cúng, hoặc để khách tham quan. Thậm chí nhiều di tích rất bề thế nhưng chỉ có sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ hội. Nếu không thổi các hoạt động, các giá trị phi vật thể vào đình, đình sẽ chết”, ông Bình lo ngại.

Chưa kể nhiều ngôi đình còn xuống cấp như đình Đình Chu ở Vĩnh Phúc, đình Tùng Ảnh ở Đức Thọ (Hà Tĩnh). “Đình Tùng Ảnh giờ chỉ còn ngôi nhà trống hoác chất đầy gỗ. Đình Hoành Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) với kiến trúc nghệ thuật có giá trị, nhưng hiện nay chỉ còn là cái nhà trống đặt vài ba pho tượng Phật được di chuyển từ nơi khác đến”, ông Bình nói. Những ngôi đình không có hoạt động chung của người dân như thế theo ông Bình thật đáng báo động.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN, cũng cho rằng nếu không đưa sinh hoạt cộng đồng vào đình, không gian đình sẽ mất hết sức sống. Bản thân nhóm Đình làng Việt của ông Bình cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như hát, gói bánh chưng tết tại nhiều ngôi đình mình đã đi qua. Các buổi ngoại khóa như vậy được nhóm tổ chức hằng tháng.

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0
Tin tức khác