Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
481
123.251.228

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nỗi sợ mang tên Nguyễn Phi Phi Anh…
Vở diễn Đêm hè sau cuối của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh - Ảnh: Ng.Khánh Gặp tình cờ trên phố Hà Nội, Phi Anh trông giống cậu bé mới lớn. Người nhỏ thó, mặt non ngây, cái cười bỡ ngỡ, áo quần xuềnh xoàng, túi đeo màu hồng đậm, giày bata xanh, dây vàng.


 

Cậu lướt qua ta mà chẳng để lại ấn tượng nào. 

Nhưng, bé cái nhầm. Cảm giác ấy sẽ tan biến lập tức khi vào sân khấu L'Espace xem các vở nhạc kịch cậu đạo diễn, diễn gần 40 đêm ở 24 Tràng Tiền (Hà Nội), từ tháng10, tháng 11-2016 đến tháng 1-2017.

Ấn tượng về Phi Anh bỗng thật mạnh, với rất nhiều ngạc nhiên, vượt xa vẻ ngoài non tơ, ngơ ngác của chính cậu.

Thì ra Phi Anh là một cơn gió lạ, chứa chất đầy sự tương phản thú vị… Mà chẳng ai như Phi Anh, rất thích “tự thú trước bình minh”. Cậu thú thật, năm hai mươi tuổi (2011) là sinh viên từ Mỹ về Hà Nội thực tập, cậu bỗng thấy lạnh người vì… sợ.

Biết đào đâu kịch bản nhạc kịch Việt bây giờ? Liều mình, lấy hết sức bình sinh, nhớ lại kỹ nghệ viết kịch học được từ chuyên ngành đạo diễn sân khấu điện ảnh Đại học Hampshire, Massachusetts, Mỹ, theo phong cách kịch Broadway.

May sao, cái khó ló cái khôn, cả chùm ba kịch bản cậu đều viết theo cách rất Mỹ và phổ vào đấy tâm hồn Việt của chính cậu, với những suy tư về xã hội Việt hiện đại, mà cậu thấy nhiều dây mơ rễ má với những chuyện của toàn cầu.

Như chuyện yêu tay ba, nỗi khát khao yêu đương và danh vọng của người trẻ, rồi chuyện giết người cướp của ly kỳ, hay chuyện mộng ước không xa vời…

Giới trẻ xem nhạc kịch của cậu đầy hào hứng, hò hét, vỗ tay, huýt gió, cười rần rần, khán phòng hừng hực nóng trong tiết đầu thu lạnh dịu, lạnh đến mức xem kịch phải… đắp chăn. Ba kịch bản Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối, Mộng ước không xa vời đã được cậu cho ra đời trong nỗi khiếp sợ kinh hoàng (hay hứng khởi cuồng điên) như thế. 

ủa nhà trồng được kịch bản đã khiến Phi Anh thoải mái phóng túng, phiêu linh trong dàn dựng, nhất là trong kết thúc vở diễn. Rất sợ trùng lặp, Phi Anh thích kết thúc mỗi vở thật bất ngờ, nhưng khác biệt. Có vở kết thúc có hậu.

Có vở viết hàng năm trời, tính toán tình tiết hữu lý, lại kết thúc trượt khỏi logic chặt chẽ của vở trinh thám, bay bổng lãng mạn với nhân vật người ngoài hành tinh. Có khán giả chê, nhưng nhiều khán giả lại hoan hỉ, trong sự thích thú được tự thu xếp lấy sự thăng bằng hay thăng hoa cho thưởng thức của mình.

Giờ đây, Phi Anh thấy mình vẫn còn… đủ sợ để dựng tiếp nhạc kịch Việt theo cách riêng, là lấy hết can đảm vượt qua chính nỗi sợ. Vượt qua sẽ thấy lâng lâng hạnh phúc. Như Trịnh Công Sơn đã hát đấy thôi, đỉnh cao nào chẳng bắt đầu từ vực sâu? 

Không hiểu sao việc khó nhất là tuyển diễn viên lại được Phi Anh giải quyết thật ngon lành… nhờ Facebook. Hàng trăm bạn trẻ lên Facebook đăng ký thi tuyển. Phi Anh tha hồ chọn nhân vật cho cả ba vở.

Bí quyết tuyển và luyện diễn viên của Phi Anh nằm trong phương pháp giản dị: không chọn diễn viên đã thành sao, chỉ chọn người trẻ có khát khao diễn kịch, say mê tập luyện kỹ nghệ nhạc kịch như hát, múa, xiếc, chơi đàn trong dàn nhạc… và luôn sẵn sàng hết mình cho biểu diễn… 

 

Nguyễn Phi Phi Anh, sinh viên sinh năm 1991 đang học chuyên ngành đạo diễn sân khấu điện ảnh Đại học Hampshire (Mỹ) - Ảnh: NVCC

 

Niềm vui lan tỏa rất nhanh

2016 đối với tôi là một năm của những “biến động” liên tục. Một năm là bảy lần chuyển nhà, với những đêm phải ngủ nhờ nhà thầy cô, ở tạm nhà sếp, và ngại nhất là những ngày phải tá túc nhà bố mẹ. 

Một năm là những buổi tối chán chường vào bếp với cái bụng rỗng rồi lại ngơ ngác vì mình để thùng gạo ở đâu cũng không nhớ. Một năm là không biết bao lần phải tắt điện thoại, để “trốn” đi, để thở một chút… Thế nhưng, một năm như vậy hóa ra mới lại là một năm hạnh phúc.

Hạnh phúc vì thấy chúng ta đã đến gần với nhau hơn. Trong những khán giả đã đến với chuỗi 35 đêm diễn nhạc kịch của tôi, tôi thấy có doanh nhân, nghệ sĩ, có quý ông, quý bà, có cụ già, em nhỏ, có bác bán nước, có cô bán phở, có chú bảo vệ, có chị gánh hàng rong.

Hiếm khi nào chúng ta lại ngồi gần nhau như thế, cười cùng một chuyện, hát cùng một điệu, vỗ tay cùng một nhịp. 

Dù cuộc sống có khác nhau thế nào, rõ ràng chúng ta cũng mong mỏi những điều giống nhau: đó là được khám phá, bay bổng, được hoan hỉ, sảng khoái, được thể hiện, tương tác… Một lẽ dĩ nhiên, nhưng không mấy khi cá nhân tôi được chứng thực rõ ràng đến thế.

Tôi hạnh phúc vì thấy chúng ta đang sống vì những thứ khác. Có những điều khán giả chia sẻ khiến tôi âm thầm sung sướng. Có chị bất ngờ vì lần đầu trông thấy đức lang quân của mình không những không ngủ trong rạp mà còn say sưa: đầu gật gù theo nhạc, miệng nhẩm đoán cái kết vở kịch.

Có ông bố được con gái tặng vé “bắt ép” đi xem nhạc kịch, để rồi lại ngạc nhiên: có những vở diễn như vậy tồn tại ở Việt Nam? Đời sống của chúng ta không chỉ có những đối tác, trên dưới, những trọng trách, tham vọng, những nhân tình thế thái, mà còn có những khoảnh khắc rất đơn giản.

Nghệ thuật có sức mạnh của nó, nghệ thuật không phù phiếm, càng không phải là “ánh trăng lừa dối”, mà nghệ thuật thực sự có thể chạm vào những góc cạnh đã bị bỏ quên trong tâm hồn.

Tôi hạnh phúc vì thấy chúng ta đã bắt đầu tin vào chúng ta. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày đi gõ cửa các doanh nghiệp, những buổi trò chuyện kết thúc bằng đôi lời khích lệ ngại ngần, những tháng ngày dài phải chờ đợi một ai đó tin mình.

Sau vài lần cửa cứ mở ra rồi đóng lại, chính tôi cũng phải tự vấn: bản thân tôi có còn niềm tin không? May mà cánh cửa cuối cùng chúng tôi gõ đã mở ra cho chúng tôi một cuộc chơi đầy niềm vui được khích lệ.

Từ bé, tôi quen với việc sống trước hết vì bản thân mình. Đi học, đi làm cũng là vì chính mình, để ấm vào thân mình. Cách đây mười năm, tôi không bao giờ ngờ được sẽ đến một ngày, tôi làm nghề này.

Bây giờ, kết thúc mỗi đêm diễn, tôi lại được một gương mặt xa lạ nào đó nói lời cảm ơn - cảm ơn vì vở diễn của tôi mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Mỗi ngày đến phòng tập, tôi lại được thấy hàng chục ánh mắt lấp lánh năng lượng đang chờ đợi tôi. Các diễn viên của tôi, đội kiến tạo của tôi, họ là ai?

Họ chỉ là những người không chuyên, họ quá bình thường, họ tham gia vào hành trình ròng rã nửa năm trời này không vì gì khác ngoài niềm vui. Tôi nhận ra rằng niềm vui lan tỏa rất nhanh, nó chuyển hóa thành sức sống, và nó khiến chúng ta cảm thấy ý nghĩa của chính mình giữa dòng chảy bận rộn, ồn ào của cuộc sống.

Mỗi con người có một nội lực vô cùng lớn để vượt qua những suy nghĩ cá nhân, để thực sự học tập và thử thách chính mình. Niềm vui đến từ lao động chân chính là niềm vui có sức mạnh thay đổi tương lai, và sẽ đặt các giá trị vào đúng chỗ của mình. (Nguyễn Phi Phi Anh)

 

NGUYỄN THỊ MINH THÁI - TT0
Tin tức khác