Giữa hai nhánh sông Cái nổi lên một cồn đất, gọi là xóm Cồn. Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) trở thành vị “thành hoàng” của làng chài này gần một thế kỷ. Lầu ông Tư, tức nhà ở của Yersin, chỉ cách xóm Cồn một con đò ngang vài mươi sải nước.
Ân nhân của làng
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Quách Giao, con trai cố thi sĩ Quách Tấn thì ngay chỗ Lầu ông Tư nguyên là một cái bót của người Pháp được bác sĩ Yersin mua lại và cất ngôi nhà 3 tầng, nằm sát mép biển. Từ ngôi nhà này, vị bác sĩ của người nghèo ấy đã “kết bạn” với xóm Cồn bằng việc khám và chữa bệnh cho dân. Cũng từ đây, Yersin đi làm hằng ngày bằng xe đạp vào Viện Pasteur Nha Trang cách đó chừng 500 m hoặc đi thuyền theo sông Cái rồi ngược Hòn Bà bằng ngựa.
Xóm Cồn là nơi mà dân tứ chiếng ở các tỉnh Trung bộ vào đây trú ngụ từ hàng trăm năm trước. Họ “lập làng” từ những chòi lá dựng tạm qua đêm của những ngư phủ đánh cá trên sông Cái hoặc đánh lưới ven bờ trong vịnh Nha Trang. Ngày nay, mỗi mét vuông đất của xóm Cồn có khi có giá cả chục triệu đồng, nhưng từ thời Yersin còn khám bệnh cho dân nghèo làng chài thì xóm Cồn chỉ là nơi nuôi dê, nên nó còn có một tên nữa là “cồn Dê”. Gần một trăm năm trước mà có bác sĩ đến tận nhà khám bệnh thì ngay cả bây giờ, nhiều gia đình nghèo cũng phải nằm mơ.
Cách đây mấy năm, đạo diễn Phạm Việt Tùng, tác giả của những thước phim tài liệu nói về trận Điện Biên Phủ trên không, có làm một cuốn phim về bác sĩ Yersin nhân 100 năm thành lập ĐH Y Hà Nội, vì Yersin là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Trong phim có đoạn nói về những tháng năm bác sĩ Yersin sống ở Nha Trang. Cảnh phim ấn tượng nhất không phải là Yersin đạp xe đi làm trên đường phố Nha Trang mà là cảnh ông khám bệnh cho dân xóm Cồn và người dân đưa tiễn lúc ông tạ thế, kéo dài những 3 cây số trên sông Cái!
Alexandre Yersin
|
Trong di chúc gửi lại các cộng sự của mình, vị bác sĩ được người dân phong “thánh” này căn dặn rằng không được tổ chức đám tang linh đình, tài sản còn lại thì hiến cho Viện Pasteur Nha Trang, đặc biệt, khi chôn thì đặt ông nằm úp mặt vào đất, hai tay giang ra để ông được ôm trọn mảnh đất này.
Các cộng sự đã làm “trái lời” ông, dù họ không hề muốn thế. Một đám tang to chưa từng có đã diễn ra. Dân xóm Cồn đã khóc như chính những người thân yêu nhất của gia đình họ giã biệt trần thế. Hàng chục chiếc thuyền đánh cá của ngư phủ, chở theo cả dân xóm Cồn đưa tiễn vị thần hoàng của làng về tận Suối Dầu - nơi trang trại thực nghiệm của bác sĩ Yersin. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy dân xóm Cồn, nhà ai cũng lập một bàn thờ để thờ Yersin, rồi hằng năm cứ đến ngày 1.3, cả xóm Cồn đều giỗ vị ân nhân của làng mình.
Trên đỉnh Hòn Bà
Hòn Bà cách Nha Trang gần 60 cây số về hướng đông nam. Ngọn núi cao 1.578 m so với mực nước biển này đã mê hoặc Yersin sau 4 ngày đêm đi thuyền lẫn leo núi để đặt chân lên đỉnh của nó. Một thế giới đầy mê hoặc níu chân vị bác sĩ kiêm nhà thám hiểm một thời tại đỉnh Hòn Bà này. Sau chuyến thám hiểm, ông dùng toàn bộ số tiền có được từ các giải thưởng khoa học để mở một con đường từ Suối Dầu - trại thực nghiệm của ông, lên đỉnh Hòn Bà dài 30 km, đồng thời di thực các loại thực vật và động vật lên đây.
Ông cũng cho xây một ngôi nhà bằng gỗ giống kiểu nhà bên Thụy Sĩ quê hương ông để làm nơi ra vào mỗi khi lên đó. Trong rất nhiều loài cây mà ông mang lên đỉnh Hòn Bà để trồng thử nghiệm, có một giống cây đã lưu vào sử sách vì chính nó mở ra một chân trời nghiên cứu và chữa bệnh hữu hiệu cho người dân bản địa, luôn lấy rừng làm nhà ở cho mình nên hay mắc căn bệnh này. Đó là cây canh ki na sản xuất ra loại thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét.
Dấu vết của những mày mò, nghiên cứu từ 100 năm trước của vị bác sĩ trên đỉnh Hòn Bà vẫn còn nguyên vẹn như chưa hề có quãng thời gian một thế kỷ lướt qua đây. Khắp bốn bề chung quanh ngôi nhà gỗ ấy là những chiếc máng được làm bằng xi măng dùng để trồng các loài cây thực nghiệm.
Chỉ khác một điều, hậu thế đã thay những loài cây được ông trồng từ trăm năm trước bằng những bồn hoa xinh xắn, có họ hàng với miền hoa xứ lạnh Lang Biang - nơi cũng được chính Yersin khám phá trước khi đặt chân lên đỉnh Hòn Bà. Riêng có một cây, do chính tay ông trồng, giờ trở thành nhân chứng cho những gì mà vị bác sĩ lừng danh từng có mặt nơi đây. Đó là cây chè cổ thụ, nằm cách ngôi nhà gỗ không xa. Du khách có thể thưởng thức vị chát của chè nếu có nhã ý đề xuất được sở hữu “một ấm chè” với người cai quản khu di tích này.
Bác sĩ Yersin đã rời cõi tạm 73 năm trước. Lầu ông Tư giờ cũng không còn nữa mà thay vào đó là nhà nghỉ dưỡng 378 của Bộ Công an. Xóm Cồn đã mang một tên gọi mới là cồn Nhất Trí... Hình bóng của vị bác sĩ tài hoa vẫn luôn trong tâm tưởng của người dân nơi này.