Việt hóa pop rock
Sự xuất hiện của ban nhạc Phượng Hoàng vào tối 15.6.1971 tại Đêm Màu Hồng đã gây một bất ngờ cho giới yêu nhạc trẻ. Các ban nhạc trẻ thường lấy tên Mỹ, hát những bản nhạc nước ngoài, ca sĩ và nhạc công tóc dài, ăn mặc theo kiểu hippy với khoen vòng lúc lắc. Ban nhạc này mang một cái tên rất Việt: Phượng Hoàng và chơi toàn nhạc VN do chính những nhạc sĩ trong ban này sáng tác như Yêu người yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa và Yêu em trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc.
Tiền thân của Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu được thành lập năm 1963 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Lúc ấy, Lê Hựu Hà đã có những bản Mai Hương, Chiều... nhưng không được chú ý khi dân mê nhạc kích động chỉ thần tượng các bản nhạc ngoại quốc. Sau khi tham dự đại hội kích động nhạc tổ chức năm 1963 tại rạp Văn Hoa, Hải Âu cũng như những ban nhạc kích động ngày ấy thường được biểu diễn ở những bar, club Mỹ. Ở đại hội nhạc trẻ năm 1965, 1967, Hải Âu không còn xuất hiện. Với sự kiên nhẫn mạnh mẽ, Hà tiếp tục sáng tác và tin tưởng rằng đến lúc nào đó sẽ đưa được nhạc trẻ lời Việt đến với công chúng. Lê Hựu Hà đã gặp người bạn đồng hành là Nguyễn Trung Cang, một nhạc sĩ trẻ của ban nhạc Rolling Sound. Năm 1971, Lê Hựu Hà cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang thành lập ban Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock.
Hai người đã sáng tác hàng chục bản nhạc cho Phượng Hoàng và được xem là một cách tân cho nhạc trẻ lúc ấy: không vay mượn nhạc nước ngoài và hát nhạc do chính mình sáng tác. Thành phần ban đầu của ban Phượng Hoàng gồm: Lê Hựu Hà (solo, ca phụ), Nguyễn Trung Cang (organ, bass, ca phụ), Nguyễn Trung Vinh (trống), Như Khiêm (bass), hai ca sĩ là Hoài Khanh và Mai Hoa. Sau một thời gian hết hợp đồng với Đêm Màu Hồng, Phượng Hoàng tung cánh qua Queen Bee và Maxim’s. Vì là giọng ca riêng của Đêm Màu Hồng, khi Phượng Hoàng bay đi thì giọng ca Hoài Khanh không thể bay theo. Đây là dịp để Phượng Hoàng có một giọng ca nam để đời, góp phần làm cho Phượng Hoàng vút lên bầu trời nhạc trẻ VN: Elvis Phương.
Vào khoảng năm 1962, năm mà tên tuổi của Elvis Presley lẫy lừng khắp thế giới và ảnh hưởng đến giới yêu nhạc trẻ thì ở Sài Gòn tên tuổi của Phương cũng được chú ý nhờ có khuôn mặt, mái tóc, dáng người và lối trình bày hao hao Elvis Presley, nên được gán cho biệt danh Elvis Phương. Anh tên thật là Phạm Ngọc Phương, cựu học sinh Jean Jacques Rousseau. Từ ngày bước chân vào sự nghiệp hát ca vào những năm đầu 1960, Phương từng cộng tác với các ban nhạc trẻ danh tiếng như The Rebels, The Rockin’ Stars, The Vampires, The Shotgun và ban Không Tên.
Hướng tới thể hiện “tình ý VN”
Lúc ấy, cũng có dư luận cho rằng Phượng Hoàng hát nhạc nước ngoài dịch ra lời Việt như một số ban thường làm. Phải biết từ 1970, nhạc trẻ Sài Gòn có trào lưu “Việt hóa” các ca khúc Âu - Mỹ. Mở đầu cho trào lưu này có thể nói đến nhạc sĩ và cũng là cây viết báo về nhạc trẻ Vũ Xuân Hùng đã chuyển soạn lời Việt cho các ca khúc Búp bê không tình yêu (Poupée De Cire, Poupée De Son), Gõ cửa 3 tiếng (Knock Three Times), Chuyện phim buồn (Sad Movies), Lãng du (L’Aventura), Anh thì không (Toi Jamais)... Trả lời việc này, Nguyễn Trung Cang cho biết họ chỉ dựa theo những điệu nhạc thịnh hành của nước ngoài như bolero, tango, soul, còn phần nhạc cũng như lời là do chính Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà sáng tác.
Điểm nổi bật của Phượng Hoàng là kỹ thuật hòa âm. Trước đây, giới sáng tác vẫn quan niệm chỉ cần làm những bản nhạc hay rồi khi trình diễn thì giao toàn bộ “vận mạng” vào tay ban nhạc. Gặp ban nhạc ý ẹ thì kể như bản nhạc sẽ “tèo”. Riêng ban nhạc Phượng Hoàng thì khác hẳn. Cả hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là hai cây sáng tác cho ban nhưng khi tập dợt thì đây là sự phối hợp của toàn ban nhạc trong việc hòa âm. Mỗi khi có một đoạn dạo đầu (intro) cho một bản nhạc thì tất cả thành viên trong ban đều tự soạn rồi đem ra thảo luận. Phượng Hoàng quan niệm, họ muốn “phá cách” nhạc trẻ từ trước đến nay (1971) để trong “tương lai loại nhạc trẻ Mỹ, Ăng-lê sẽ nhường chỗ cho nhạc trẻ VN đúng với tình ý VN như yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa và những suy tư về tình người... vẫn là chiều hướng sáng tác từ bấy lâu nay” (Lê Hựu Hà).
Nói đến các tác phẩm mang lại danh tiếng và thành công để đời cho Phượng Hoàng, trước hết phải đề cập tới ca khúc rock viết bằng tiếng Việt của Nguyễn Trung Cang, được nhiều người biết, đó là bản Mặt trời đen, có thể xem là bản nhạc rock Việt đầu tiên khá tiêu biểu của giới rock Sài Gòn. Người nhạc sĩ chết trẻ này (1947 - 1985) có gương mặt hiền như một nhà truyền đạo. Gia tài của Nguyễn Trung Cang là những ca khúc để đời Phiên khúc mùa đông, Thương nhau ngày mưa, Bước tình hồng, Mặt trời đen, Kho tàng của chúng ta và sau này là Bâng khuâng chiều nội trú.