Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
618
123.249.863

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chọi trâu, phát ấn - nơi cấm, nơi phát sinh
Ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho rằng khó có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng của lễ hội ngay được - Ảnh: V.V.Tuân Tại hội nghị sơ kết công tác tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu diễn ra sáng 24-2 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa không báo cáo chung chung...


 

Ông Thiện yêu cầu nói rõ những điểm tồn tại để cùng tìm giải pháp.

Tiếp lời cho đề nghị của ông Thiện, hội nghị (do Bộ VH-TT&DL tổ chức) đã có nhiều ý kiến cởi mở, thẳng thắn, trái chiều.

 

“Người mở hội” kể khổ

 

Ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, bức xúc: “Có những tồn tại phải giải quyết từ từ, không thể trong một hai ngày”. Theo ông Động, có những nội dung trong lễ hội truyền thống như cướp lộc, người dân không muốn bỏ. Mà cơ quan nhà nước không thể quyết định được việc bỏ hay không.

 

Ông cũng đề nghị khi nói về những điều xấu xí của lễ hội phải làm rõ trách nhiệm của ai, sai ở chỗ nào. Bởi “nhiều ban tổ chức lễ hội có lo cho văn hóa hay không? Hay chỉ chú ý xem năm nay có đông khách đến dự hội không, thu được bao nhiêu tiền?”.

Câu chuyện phát ấn ở Nghệ An được xới lại. Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, phó giám đốc Sở VH-TT Nghệ An, khẳng định việc phát ấn ở đây là miễn phí và diễn ra trật tự. “Việc phát ấn ở Nghệ An không có lịch sử từ xa xưa, nhưng làm văn hóa không chỉ phục hồi các giá trị truyền thống mà còn tạo ra giá trị mới. Việc phát ấn ở Nghệ An là quyền sáng tạo của cộng đồng!” - bà Anh bày tỏ.

Trong nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý văn hóa, không ít ý kiến xoay quanh chuyện báo chí phản ánh quá nhiều mặt tiêu cực của lễ hội. Do đó, ông Nguyễn Đắc Thủy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, đề nghị báo chí phản ánh đúng bản chất, thực chất của lễ hội chứ không nên chỉ khai thác những mặt tiêu cực, gây bức xúc cho nhân dân.

Ông Nguyễn Hữu Hoa, Sở VH-TT&DL Bắc Ninh, còn gay gắt rằng báo chí nói lễ hội dã man, phản cảm nhưng lại chưa nghiên cứu một cách nghiêm túc thế nào là dã man, phản cảm. Báo chí phản đối tổ chức lễ hội chọi trâu thì ông Hoa đáp lại chọi trâu giúp Bắc Ninh thu hút rất nhiều khách du lịch!

 

Giải quyết lễ hội xấu xí: báo chí cần góp tay

 

PGS.TS Đặng Văn Bài (Hội Di sản văn hóa VN) nhận định báo chí truyền thông hiện rất ít tuyên truyền về di sản, lễ hội, tín ngưỡng. Cả nước có hơn 8.000 lễ hội mà báo chí chỉ tập trung vào những điểm xấu của một vài lễ hội!

Giải pháp ông Bài đưa ra để khắc phục vài lễ hội xấu xí là bộ phải xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa, trước tiên ở các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Cách thức và phương pháp thì cần có sự tham gia của các nhà khoa học.

Đồng thời, Bộ VH-TT&DL phải xây dựng được bộ tiêu chí ứng xử văn hóa trong lễ hội để xử lý những hiện tượng không phù hợp. Báo chí ngoài tinh thần phản biện cũng cần phải làm chức năng tuyên truyền về những vấn đề di sản.

Một điểm nữa mà PGS Bài nhấn mạnh: “Lãnh đạo có quyền đi dự lễ hội nhưng phải đi với tư cách công dân, không nên trống dong cờ mở, xe đưa xe đón”. Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Phúc, phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, phản bác rằng “các đồng chí lãnh đạo đến dự lễ hội cũng được, chứ sao lại không?”.

Trên tinh thần thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định không thể nói hiện nay phải sáng tạo thêm việc phát ấn như ở Nghệ An. Vì vậy ông đề nghị tỉnh Nghệ An phải thay đổi quan điểm.

Nếu không, địa phương nào cũng tư duy như vậy thì cả nước sẽ loạn vì đồng loạt tổ chức phát ấn. Với những địa phương tổ chức lễ hội mới mà không được cấp phép phải tính đến việc phạt tiền, kỷ luật.


 

Một vấn đề được dư luận quan tâm xuyên suốt mùa lễ hội chính là câu chuyện lễ hội bị thương mại hóa. Ông Nguyễn Vũ Phan, quyền giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang, cho rằng các lễ hội hiện nay rất khó thuần khiết như xưa vì bỏ yếu tố thương mại ra ngoài lễ hội là không thể.

Ông kiến nghị nếu bộ đã cấm thì phải cấm tất cả lễ hội chọi trâu trong cả nước, chứ không thể nơi này cấm, nơi kia cho tổ chức. “Con trâu bây giờ không còn là đầu cơ nghiệp nữa, mà là sản phẩm hàng hóa. Dư luận cứ nói người ta lợi dụng chọi trâu để bán thịt giá cao hơn, nhưng có ai bắt mua đâu, ai thích mua thì mua chứ?” - ông Phan phát biểu tại hội nghị.

 

VŨ VIẾT TUÂN - TT0
Tin tức khác
Chúc xuân 2017 (31.01.2017)