Hai loại tiền Minh Đức thông bảo
Đồ tùy táng là đồ dùng được chôn theo người chết, đó là những món đồ mà người chết lúc sinh thời ưa thích, thường dùng hoặc là món đồ có liên quan đặc biệt với người quá cố.
Đồ tùy táng trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu đều là những vật dụng cá nhân và những đồ kỷ niệm của hai ông bà. Đáng lẽ trong khối đồ tùy táng của ông bà Thoại Ngọc Hầu phải có những đồng tiền Gia Long thông bảo hoặc Minh Mạng thông bảo vì đây chính là đồng tiền do triều đại mà ông bà đã có công vun đắp, gầy dựng. Vì vậy, sự có mặt của đồng Minh Đức thông bảo thật sự rất đặc biệt, khi một đồng tiền bằng đồng không có ý nghĩa gì về mặt giá trị kinh tế, nhất là đối với một gia đình quan lại cấp cao như Thoại Ngọc Hầu.
Trong lịch sử VN, ông vua lấy niên hiệu Minh Đức là Mạc Đăng Dung (1483 - 1541). Năm 1528, Mạc Đăng Dung cho đúc tiền Minh Đức thông bảo. Đồng tiền loại này hiện vẫn còn phát hiện nhiều tại khu vực các tỉnh phía bắc nhưng rất hiếm gặp ở các tỉnh phía nam.
Trên thực tế, nước ta đã có thêm kiểu đồng tiền Minh Đức thông bảo được phát hành bởi triều Tây Sơn. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Thái Đức và cho đúc tiền Thái Đức thông bảo. Tuy nhiên, tác phẩm Tiền kim loại Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử VN và tài liệu về tiền cổ của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy thì cho rằng Nguyễn Nhạc có đúc tiền Minh Đức thông bảo năm 1787 sau khi xưng là Trung Ương hoàng đế với hiệu Minh Đức vương. Allan Barker trong cuốn sách The historical cash coins of Vietnam cũng công nhận có đồng tiền Minh Đức thông bảo của Nguyễn Nhạc nhưng về niên đại đúc thì lại cho muộn hơn vào năm 1789. Loại tiền này được tìm thấy khá nhiều ở các tỉnh Trung bộ.
Một tình bạn cao cả
Đồng tiền tìm thấy trong khu vực đồ tùy táng của bà Châu Thị Vĩnh Tế có cùng phong cách thư pháp và một loại hợp kim, kích thước, độ dày với đồng của Nguyễn Nhạc phát hành.
Về lý thì cả hai loại tiền của Mạc Đăng Dung lẫn của Nguyễn Nhạc đều không có lý do gì để có mặt trong đồ tùy táng của gia đình quan Bảo hộ, nhất là tiền của Mạc Đăng Dung vì không có cơ sở liên quan về huyết thống, về độ quý giá hoặc bất cứ một lãnh vực nào khác. Trong khi tiền của Nguyễn Nhạc có cơ sở hơn vì cùng thời đại với Thoại Ngọc Hầu nên nhiều khả năng nó có một mối liên quan nào đó.
Tra cứu thân thế, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân có vài điểm đáng lưu ý: Thoại Ngọc Hầu là hàng xóm cùng làng cùng quê với Thái phó Trần Quang Diệu (1760 - 1802) của Tây Sơn ở An Hải, tổng An Lưu Hạ, H.Diên Phước, phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) là bạn bè thân thiết. Sau này theo phò Nguyễn Ánh, khác nhau chiến tuyến, Nguyễn Văn Thoại vẫn nhớ về giao tình cũ với gia đình ông Diệu và ngược lại. Năm 1800, Nguyễn Văn Thoại được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nghe tin có Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn ra tiếp cứu quân Tây Sơn, ông Thoại liền giao binh quyền cho phó tướng là Lưu Phước Tường rồi trở vào Gia Định. Vì việc này, ông bị Nguyễn Ánh bắt tội là không có lệnh của vua mà tự tiện về, phạt giáng cấp ông từ Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân xuống làm Cai đội cai quản đạo Thanh Châu. Đến năm 1802, trong dịp khen thưởng những người có công, ông cũng chỉ được Gia Long phong làm Khâm sai Thống binh cai cơ rồi sau nữa mới thăng làm Chưởng cơ.
Việc Nguyễn Văn Thoại tự ý về Nam năm 1800 vẫn còn chưa rõ nguyên nhân và động cơ vì không có sách nào ghi chép nhưng chắc chắn Gia Long và cả Minh Mạng sau này đã nghi ngờ ông tránh né đối đầu với Trần Quang Diệu nên đối đãi với ông hơi nhạt nhẽo trong những lần phong thưởng. Vì không có bằng chứng và vì lòng trung trinh của ông đối với nhà Nguyễn là không thể bác bỏ nên ông vẫn tiếp tục được nhà Nguyễn sử dụng.
Đồng tiền Minh Đức thông bảo phát hiện trong khu vực đồ tùy táng của bà Châu Thị Vĩnh Tế chính là bằng chứng sống động của việc Thoại Ngọc Hầu vẫn nhớ kỷ niệm với gia đình Trần Quang Diệu để rồi lưu giữ chỉ duy nhất đồng tiền của Tây Sơn để nhớ về người bạn cùng quê nhưng không cùng chiến tuyến, mặc dù ông biết rằng việc lưu giữ này có thể gây tai họa. Cuối cùng vì ý thức được mầm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào nếu sau khi ông chết mà đồng tiền này bị kẻ xấu phát giác nên khi bà Châu Thị Vĩnh Tế qua đời, chính ông đã gửi gắm đồng tiền cho người vợ thân yêu gìn giữ bí mật của đời mình.
Cuối cùng sự cảnh giác của ông đã không sai. Năm 1830, sau khi mất không bao lâu, ông bị tố cáo là nhũng nhiễu nhân dân - một tội rất mơ hồ - và bị Minh Mạng truy giáng phẩm tước, tịch thu tài sản một phần đem bán, hậu nhân của ông thì bị ly tán, cũng may mà không có tố cáo về tàng trữ đồ của Tây Sơn.