Quy hoạch chi tiết cảnh quan hồ Gươm
KTS Trần Huy Ánh, Viện nghiên cứu Kiến trúc quốc gia cho rằng đang có một xu hướng tư duy rất kỳ lạ: có cái gì cũng muốn mang về hồ Gươm. Chẳng hạn, người ta đề nghị đặt đại lộ danh vọng tại đây, sau đó lại đến việc đề nghị đặt biểu tượng Kong và giờ là biểu tượng rùa vàng. “Hồ Gươm đang trở thành một cái kho và ai cũng muốn chất đồ nhà mình vào đó”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, bản thân chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đặt tại Hàng Khay cũng là một sự lãng phí quà tặng. Trong khi đồng hồ hoa ở Thụy Sĩ thu hút rất nhiều khách du lịch thì phiên bản giống hệt này tại hồ Gươm lại không có ảnh hưởng đó. “Đó là do khi đặt vào không gian hồ một cách thiếu tính toán về tầm nhìn, nó đã không có hiệu ứng tốt về không gian”, ông Ánh nói.
Về giải pháp quản lý đô thị, kiến trúc đô thị, ông Ánh cho rằng giờ là lúc cần áp dụng các quy tắc về cảnh quan kiến trúc đô thị quanh hồ Gươm. Nó gần như một bản quy hoạch chi tiết về cảnh quan quanh hồ. “Chúng ta từng có một quán hoa ở góc hồ Gươm, nhưng do vướng tầm nhìn nó đã bị bỏ. Và điều này hợp lý đến mức không ai phản đối cả. Giờ đây, chúng ta phải làm một quy hoạch như vậy và thực hiện nghiêm ngắn để hồ Gươm đẹp và thanh bình hơn”, ông Ánh nói.
Đáng chú ý, trong tài liệu liên quan đến đề xuất đặt tượng rùa vàng tại hồ Gươm có ý kiến đồng ý của nhiều nhà khoa học, trong đó có GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản. Tuy nhiên, GS Tiêu cho biết ông không hề biết đến dự án và cũng không nhận lời làm cố vấn. GS Phan Huy Lê cũng cho biết ông không đồng tình với việc đặt tượng rùa vàng 10 tấn ở hồ Gươm nhưng không hiểu sao ông cũng có tên trong danh sách cố vấn này. |