Nhà thơ Thanh Thảo trong một chuyến trở lại Trường Sơn năm 1999 ẢNH: TRẦN ĐĂNG
Ngày đầu tiên tôi ra Đà Nẵng tháng 6.1975, đã gặp Nguyễn Công Khế và bạn bè tranh đấu của Khế. Lúc đó, Khế là một thanh niên đầy nhiệt huyết, rất hồn nhiên.
Tôi, Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai chơi với Khế và bạn bè Khế rất thân thiết. Qua đó, chúng tôi lại phát hiện ra những người bạn chung. Tình anh em giữa tôi, Oanh (do Mai đã mất năm 1991) và Khế vẫn tốt đẹp cho tới bây giờ, vì chúng tôi chơi với nhau chỉ đơn thuần về tình cảm, và chỉ ủng hộ nhau trong công việc, những việc mà chúng tôi nghĩ là tốt, nên làm.
Khi Nguyễn Công Khế cùng Đặng Thanh Tịnh - bạn thân của Khế, chơi thân với tôi từ sau giải phóng - sáng lập tờ Tuần tin Thanh Niên, tôi đã nhiệt tình tham gia ngay từ đầu. Tôi viết báo cũng tạm, vì làm nghề này đã có thâm niên, nhưng tôi tham gia vì anh em quý nhau, vậy thôi. Tôi rất thích thú, do ngay từ đầu, Tuần tin Thanh Niên đã mời được những nhà báo lừng danh như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, nhà báo Trần Bạch Đằng… cùng hiện diện trong Hội đồng biên tập. Có thể ông Trần Bạch Đằng đã “đánh” tôi trong vụ bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình, nhưng ông là nhà báo giỏi, viết rất có nghề. Còn với linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thì đó là một nhân cách lớn, một nhà báo kiệt xuất mà tôi luôn ngưỡng mộ, từ hồi tôi còn ở chiến trường Nam bộ. Giá như cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn sống, nếu ai hỏi linh mục Nguyễn Ngọc Lan viết báo thế nào, hẳn ông Thiệu sẽ trả lời chính xác nhất. Dù sao, tôi tin trong câu trả lời, ông Thiệu chứng tỏ được mình là người quân tử. Đơn giản, vì hồi ấy, linh mục Lan với những bài báo sắc lẻm của mình, đã không ít lần khiến ông Thiệu phải choáng váng.
Thanh Niên là tờ báo tôi vẫn chung thủy với nó cho tới ngày nay. Cho tới lúc nó vẫn chung thủy với lý tưởng và mục đích ban đầu của nó. Làm báo ở nước mình cực khó. Và tôi không bao giờ là người cực đoan. Nhưng tôi cảm nhận được cái khó này qua từng bài viết của mình. Thậm chí, qua từng câu chữ. Nhưng như thế lại có cái hay. Việc gì dễ quá cũng khiến ta hoặc là chán, hoặc là lười. Thiếu áp lực, thiếu những rào cản, nhiều khi người làm thơ làm báo cũng cảm thấy như thiếu một cái gì. Tự vượt mình, và vượt qua những rào cản từ bên ngoài, điều đó thực ra là tốt cho người viết.
Một bản in tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ BằngẢNH: N.N
Vũ Bằng có cuốn sách Bốn mươi năm nói láo xuất bản ở Sài Gòn hồi chiến tranh, kể về những tháng năm làm báo của mình. Vũ Bằng là một nhà văn lớn, và là nhà báo xuất sắc, đầy cá tính. Sau giải phóng, nghe nói ông mất rất âm thầm ở Sài Gòn. Từ hồi ở R, tôi đã được đọc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng in nhiều kỳ trên tạp chí Văn. Tôi mê mẩn với những hồi ức của Vũ Bằng về Hà Nội, về món ngon Hà Nội. Về cách sống, nếp sống của người Hà Nội phong lưu ngày xưa. “Tháng tám heo may, chim ngói bay về” - đoạn văn này của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai thật thăng hoa. Theo tôi, những nhà tu thư nên đưa đoạn văn này vào sách giáo khoa cho học sinh trung học cơ sở đọc. Vì nó hay một cách hoàn hảo. Vậy thôi. Cũng nghe nói, sau khi Vũ Bằng mất rất lâu, người ta bỗng phát hiện ra ông thuộc một nhánh của quân báo VC. Té ra, ông là “VC” từ lúc ở Sài Gòn, mà không ai biết. Dĩ nhiên, trừ người thuộc “đường dây” mà ông tham gia. Vũ Bằng đã được truy tặng huân chương kháng chiến, truy tặng giải thưởng văn học Nhà nước. Huân chương thì thuộc về công trạng tham gia kháng chiến. Nhưng giải thưởng Nhà nước về văn học là tặng cho nhà văn Vũ Bằng với những tác phẩm để đời của ông, chứ không phải tặng vì ông là quân báo cách mạng. Điều này phải rạch ròi. Ví dù không tham gia quân báo, Vũ Bằng vẫn là nhà văn lớn.
Trong một lần gặp gỡ với một nhà văn Hàn Quốc đang chống chọi với căn bệnh ung thư và đã dịch Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng ra tiếng Hàn, in ở Hàn Quốc, anh nói với tôi: “Tôi mê văn của Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai, và tôi đã quyết học tiếng Việt để dịch nó ra tiếng Hàn”. Dĩ nhiên, anh đã phối hợp với một chuyên gia tiếng Việt là người đồng hương của mình để dịch cuốn sách này. Anh nói với tôi là độc giả Hàn Quốc rất thích Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Đó là một thông tin bất ngờ, không chỉ với tôi, mà còn với nhiều người. Vì độc giả Việt khi đọc Thương nhớ mười hai đều rất thích, nhưng với độc giả các nước khác? Nay thì đã có câu trả lời. Với nhà văn hay nhà thơ, quan trọng nhất là tác phẩm, chứ không phải những chuyện bên lề, dù những chuyện này có hay tới đâu. Nam Cao đã từng lấy Vũ Bằng làm nguyên mẫu cho một truyện ngắn nổi tiếng của mình, Đôi mắt. Nhưng đó vẫn không phải là Vũ Bằng, mà chỉ là “Hoàng”, nhân vật của Nam Cao. Người ta đã nhầm về Vũ Bằng bao nhiêu năm như vậy. Chỉ có tác phẩm mới cứu được Vũ Bằng, mới thanh minh được cho ông, chứ không phải vì ông là quân báo VC.
Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu thì là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.
Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý nhiều, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ. Bao năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình. Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng giác cảm khác. Khi đọc những tác phẩm của người khác cũng vậy. Có người gọi, đó là quá trình đọc lại, và khi đó, mới đúng là đọc.