22 năm mới đến tay người nhận
|
|
|
Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến và nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời
cũng bằng lòng và sung sướng
|
|
|
Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng
|
|
|
Khi họa sĩ Huỳnh Phương Đông chụp với vợ năm 1971, cả hai vợ chồng ông đã cười thật tươi như để bù lại 10 năm xa cách. Và không chỉ xa cách, thư ông gửi cho vợ cũng đứt đoạn dù họa sĩ viết và gửi thường xuyên.
Thư ông gửi vợ năm 1968 có đoạn: “Anh cũng viết cho em thường lắm nhưng không hiểu sao cứ không đến tay em. Có khi đọc thư em anh thấy cả năm trời em không nhận được một lá thư nào. Thật cũng buồn cho cái cảnh viết thư cặm cụi thâu đêm mà em không nhận được, em đừng trách anh em nhé”.
Hành trình của những lá thư trong thời chiến có thể dài, rất dài, thậm chí tới 22 năm mới đến tay người nhận. “Có lá thư 22 năm mới được nhận vì nằm trong bảo tàng tận bên kia đại dương, ở nước Mỹ xa xôi”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh, Học viện Báo chí và tuyên truyền, chia sẻ tại hội thảo khoa học Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc tổ chức sáng 25.7 tại Hà Nội, do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc - Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức.
Chất liệu của những lá thư thời chiến cũng rất lạ lùng. Theo đại tá Đặng Vương Hưng, người đã sưu tập rất nhiều thư như thế, phần lớn được viết trên giấy học trò hoặc xé từ sổ tay. Cũng có những lá thư được viết trên giấy pơ-luya xanh, trắng, hồng, trên đó in cánh chim hòa bình, bông hoa hay hình núi non tuy không nhiều. “Đa số giấy viết xé từ sổ tay, giấy học trò. Nhiều thư viết trên vỏ bao thuốc lá. Đặc biệt có thư viết trên mảnh vải quần lính. Có người lại dán vỏ bao thuốc lá ghép lại dài như tờ sớ”, ông Hưng cho biết.
Dù chất liệu có khác nhau, theo ông Hưng, hầu hết thư gửi không có tem. “Vì có bưu điện đâu mà có tem. Bưu điện chỉ là khái niệm chung chung. Thư chủ yếu chuyền tay đồng đội, có người lính nghỉ phép 15 ngày chỉ đủ để đi chuyển hết thư. Cũng có thể trên tàu vào nam người lính viết thư rồi ném xuống đường tàu. Người dân nhặt được lại đem chuyển cho từng nhà. Có thư viết gửi từ chiến trường ra, chỉ ghi ngoài dòng chữ Thư ra bắc thay cho cái tem”, ông Hưng nói.
Cũng có những lá thư phải qua kiểm duyệt. Đó là thư từ các cơ quan chính phủ gửi ra vùng giải phóng hoặc thư từ trong tù của chế độ cũ. “Một là không có phong bì, hai là có phong bì nhưng không được dán. Sau khi đọc không lộ bí mật thì được gửi. Một số thư đóng dấu đỏ báo là đã đọc. Ở nhà tôi có một số thư như vậy”, ông Hưng nói.
Khó khăn là thế nên theo ông Hưng, nhiều khi những bức thư đã không còn riêng tư nữa mà thành niềm vui chung. “Có những bức thư khi nhận được cả đại đội cùng đọc. Hoặc ở địa phương không chỉ gia đình vợ con bố mẹ mà còn cả họ hàng, thậm chí còn đọc trên loa để biết có một người còn sống cách đó mấy tháng mấy năm”, ông Hưng nhớ lại.
Thư của cựu tù chính trị Lê Ngọc ĐiềnẢNH: BTC
|
Nguồn sử liệu vô giá
PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh cho biết những lá thư dù từ chiến trường về hay hậu phương đi cũng có những thông tin rất chân thực, về các trận đánh mà tác giả đã tham gia. “Điều này trên báo chí lúc đó rất ít thông tin hoặc rất kiêng kỵ”, PGS Oanh cho biết. Liệt sĩ Phan Đồng gửi cha là Phan Thao có đoạn: “Đại đội con nhiều đứa trốn về, con nhất định chẳng một lần làm thế. Trốn về chẳng những bôi nhọ danh dự bản thân mà còn cả danh dự gia đình. Con đã được tuyên dương ở đại đội. Biết là gian khổ nhưng con sẽ vượt qua một cách chắc chắn”.
Một lá thư khác cũng cho thấy chuyện Chủ tịch TP.Hà Nội - ông Trần Duy Hưng (1912 - 1988) xin cho hai con trai nhập ngũ. “Các con tôi khẩn khoản nhiều lần để nói với các đồng chí cho được phép đứng trong hàng ngũ quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi, những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này...”, thư viết.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng (1895 - 1973) sau khi con ông hy sinh, theo PGS Oanh, lại như một lời hiệu triệu và thông điệp về tình cảm với Tổ quốc. “Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến và nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng”, thư có đoạn.
Nhiều lá thư khác lại có thông tin kinh tế. Chẳng hạn, thư Trần Ngọc Thư viết cho bà Trần Thị Sinh có đoạn: “Có nơi trồng chuối bộ đội đi 2 - 3 giờ không hết bãi dân trồng, thú rừng thì có lúc bắn được 2 - 3 con lợn rừng. Một chiếc bút máy Hồng Hà tốt hoặc Hồng Hà thường giá 8 đồng, có điều kiện thì bút Trung Quốc giá khoảng 200 - 300 đồng một chiếc. Thuốc vitamin B1 chống phù, trong này không có, lọ 200 viên 5 đồng, 400 viên 10 đồng ở cửa hàng dược phẩm”.
Ông Ngô Phương Bá, Hội Khoa học lịch sử VN, cho biết từ những năm 1960, Viện Sử học VN đã tổ chức biên soạn các tập biên niên sự kiện lịch sử VN dựa trên nhiều nguồn sử liệu như tư liệu lưu trữ, tin của các hãng thông tấn, sách sử của thời, báo chí... Tuy nhiên, có những sự kiện, sự việc chưa thể viết chính xác với từng thời điểm. Chẳng hạn, khi biên soạn về việc chi viện cho miền Nam hoặc mở đường Trường Sơn trong thời kỳ đầu được tiến hành bí mật thì khó có tư liệu vì báo chí không được nêu cụ thể về sinh hoạt của cán bộ đi B. Vì thế, khi những tư liệu này xuất hiện trong thư, chúng trở thành sử liệu quý.
Cựu chiến binh Đỗ Sâm viết trong thư năm 1968: “Mỗi tháng ở đây anh được phát 150 đồng tiền miền Nam để tiêu vặt. Mỗi lần đi công tác đều được nhận thêm từ 200 - 500 đồng. Cứ 20 đồng tiền miền Nam ứng với 1 đồng tiền miền Bắc. Số tiền 100 đồng miền Bắc anh mang vào đổi được 2.000 đồng miền Nam. Mỗi ngày anh ăn tiêu chuẩn 7 lạng gạo. Thường là gạo không, đến mùa bắp thì độn thêm...”.