Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
619
123.249.812

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Những quyển sách văn học nổi bật viết về châu Phi: Châu Phi có màu gì?
Giữa lòng tăm tối và năm cuốn sách cùng vẽ nên một bức tranh đa sắc về châu Phi - Ảnh: HIỀN TRANG Câu hỏi được tác giả đặt ra để trò chuyện với độc giả của Thế giới sách kỳ này quanh những quyển sách văn học nổi bật viết về châu Phi được giới thiệu tại VN, gần đây nhất là Giữa lòng tăm tối.

 

 

Nếu đã đọc Nửa mặt trời vàng, một biên niên sử về cuộc nội chiến đẫm máu ở Nigeria, ai có thể quên hình ảnh cái đầu của đứa bé gái xám như tro cất trong quả bầu? 

Nhưng mặt khác, cũng không ai quên được hình ảnh đám cưới của đôi tình nhân tổ chức ngay giữa lòng binh biến, chỉ vì dù trong chiến tranh “chúng ta vẫn có thể tổ chức tiệc mừng”.

Còn trong Cuộc sống và thời đại của Michael K., thiên tiểu thuyết đầy chất thơ về phận người dưới chế độ apartheid hà khắc, bất chấp bị nhốt trong một khung cảnh vụn nát, hỗn độn bốc mùi rác rưởi...

Michael K. vẫn có thể lách ra khỏi khung cửa hẹp, giấu mình trong một căn nhà bỏ trống, gần một dòng sông, ngày ngày trồng những trái bí ngô màu vàng ươm và những trái dưa bở màu xanh nhạt.

 

“Châu Phi là hàng nghìn tình huống khác nhau nhất, riêng biệt nhất, trái ngược nhất” - nhà báo du ký vĩ đại Ryszard Kapuscinski kết luận lại sau 40 năm bôn ba khắp lục địa này.

Sau gần 120 năm kể từ ngày Joseph Conrad viết ra kiệt tác Giữa lòng tăm tối, châu Phi, trong mắt thế giới bên ngoài, dường như vẫn là một thế giới “toát lên vẻ phi trần thế”, “một di sản bị nguyền rủa”, một vùng đất lọt thỏm vào bóng đêm, một xứ sở mơ hồ lẫn lộn những điều tương phản, một câu đố không lời đáp và vô phương thấu hiểu.

Cái “sinh thể quái đản và tự do” mang tên châu Phi ấy không thể được vẽ bằng một tông màu. Bằng chứng? Hãy nhìn những bức tranh về lục địa này của danh họa Paul Gauguin.

Những bức tranh cùng một lúc vừa đen tối bí hiểm, vừa sặc sỡ ngây thơ. Cho nên người ta không thể viết về châu Phi bằng chỉ một màu.

Châu Phi màu đen

Đó là một màu đen đặc quánh, màu đen mà Joseph Conrad dùng để tô lên hình ảnh châu Phi trong chuyến du hành ngược sông Congo của nhân vật Marlow (Giữa lòng tăm tối).

Tưởng như cả lục địa là một khu rừng từ buổi hồng hoang, với đội quân cây cối cuồn cuộn chỉ chực chờ ăn sống nuốt tươi bất cứ kẻ nào dám xâm phạm nó.

Ánh sáng hoàn toàn bị cách ly. Và những tội ác man di của chế độ thực dân được che giấu hoàn hảo trong rừng.

Giữa không gian u u âm ám, cái hàng rào của Kurtz, vị chúa tể da trắng hút máu châu Phi, hiện lên với những chiếc đầu người héo quắt của những nô lệ bị y trừng phạt.

Còn những kẻ chưa bị y trừng phạt, họ vạ vật xuất hiện trong bộ dạng của một mớ bùng nhùng co ro hay một bộ xương đen nằm thẳng cẳng.

Ai biết được họ còn là người hay đã thành ngợm? Ai biết được cái xứ này là địa ngục hay trần gian? Đành chỉ có thể thốt lên: “Nỗi kinh hoàng, nỗi kinh hoàng”, như lời trối trăng của Kurtz.

Kế tục Conrad, nhà văn đoạt giải Nobel V.S. Naipaul lại quệt lên bức tranh châu Phi một mảng xầm xì xám xịt.

Vẫn là nơi con sông Congo uốn khúc, nhưng lúc này đã là châu Phi thời hậu thực dân.

Tác phẩm Khúc quanh của dòng sông của ông, một trong những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20, thăm dò vào tâm hồn một lục địa già nua mà vẫn đầy bẽn lẽn và mặc cảm.

 

Họ ngây thơ muốn xóa sạch mọi dấu vết đen tối của chế độ thuộc địa bằng cách phá tan cái thành phố bên khúc quanh dòng sông mà người da trắng xây nên.

Để đến cuối cùng, họ nhận ra thành phố đã giập nát, những dinh thự đã bị bỏ không, những bệ cột đã xiêu vẹo, những khu vườn đã bị giày xéo, những kỷ vật của văn minh đã bị tùng xẻo, nhưng bóng ma châu Âu vẫn còn quanh quẩn tại đây mê ám họ.

Và họ lại bán ngà voi, và họ lại bán đứng chính mình.

Châu Phi đa sắc

Nhưng hãy dừng ngay việc gọi châu Phi là lục địa đen, nếu không muốn người châu Phi phẫn nộ! Không, châu Phi có nhiều hơn thế.

Còn nhớ trong bài luận nổi tiếng của mình, nhà văn người Nigeria Chinua Achebe đã cáo buộc Giữa lòng tăm tối mang đầy tính phân biệt chủng tộc với những mô tả châu Phi như một xứ sở sơ khai còn sót lại từ thời tiền sử.

Cái nhìn của người da trắng trượt dài trên bề mặt đen bóng khúc khuỷu của châu Phi, và chỉ dừng lại tại đó. Họ cho rằng châu Phi chưa được văn minh soi sáng, trong khi họ chẳng hiểu gì về quan niệm “văn minh” của người châu Phi.

Trong Gỗ mun, Ryszard Kapuscinski kể lại câu chuyện khi ông cùng bạn bè đang liên hoan tại công viên quốc gia Tanzania, bỗng chốc từ trong đêm tối ngút ngàn, một con voi sừng sững bước ra. 

Tất cả những người có mặt tê liệt vì hoảng sợ, bởi ai nấy đều biết rằng một con voi tách đàn thường là một con voi giận dữ, sẵn sàng tấn công giẫm bẹp con người. 

Nhưng không, con voi chỉ đứng đó, đứng thật yên, thật im lặng, thật lạnh lùng nhìn đám người run rẩy, rồi nó đi lại loanh quanh, ánh mắt não nề, chẳng làm gì ai và rồi quay gót bỏ đi.

 

Họ luôn hiểu nhầm châu Phi như thế, rằng châu Phi là một bộ tộc ăn thịt người tựa như huyễn tưởng của nhân vật Marlow trong Giữa lòng tăm tối, nhưng thực ra châu Phi là một con voi vĩ đại, lặng yên và chứa đầy tâm sự.

Hay châu Phi chính là tay đô vật Okonkwo trong Quê hương tan rã - cuốn tiểu thuyết mẫu mực của Chinua Achebe.

Chàng Okonkwo mang mặc cảm từ sự hèn kém của người cha, trong đời mình chàng cũng từng phạm phải bao điều sai trái, nhưng sau rốt những gì chàng muốn chỉ là một châu Phi cho người châu Phi.

Sao chàng phải thờ cúng vị Chúa da trắng trong khi chàng đã có đấng Chukwu nơi một khúc gỗ trên xà nhà?

Sao chàng cần thực dân khai hóa khi chàng đã có cả thế giới mà tổ tiên chàng để lại, thế giới của bùa ngải, của hồn thiêng, của những truyền thuyết về trời, đất, cỏ cây, muôn vật?

Chàng thế này còn chưa đủ màu sắc hay sao? Chàng cần gì người châu Âu tô vẽ giúp mình thêm nữa.

Châu Phi có thể không phát minh ra tivi, máy ảnh; châu Phi có thể là một cuộc vật lộn trường thiên với cái nóng ác tính; châu Phi có thể là một cái ao tù đọng xác xơ; nhưng mỗi món đồ tầm thường nhất, mỗi diễn biến nham nhở nhất đều mang một ý nghĩa thần bí đối với người châu Phi.

Những thứ mà người ngoài nhìn vào chỉ là một khối cục đen sì vô tri, châu Phi nâng nó lên, thổi hồn và tô màu cho nó. Và cuộc sống, xét cho cùng, là cái gì nếu không phải một bức tranh ta tự vẽ nên cho riêng mình?

 

 

Hiền Trang - TT0