Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.824 tác phẩm
2.758 tác giả
347
122.823.137

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Gỡ rối việc 'đếm cỗ' đám cưới, đám ma...
Nhiều đám cưới tập thể đã được tổ chức, trang trọng mà vẫn tiết kiệmẢNH: LÊ THANH Theo ông Hà Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), không nên quy định quá cụ thể về số mâm cỗ trong cưới xin, tang ma, nhưng cán bộ phải làm gương về nếp sống văn minh.

 

 

Hạn chế số mâm cỗ thì chuyển sang... tiệc đứng

 

Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ mở màn ý kiến đóng góp dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh của cán bộ, công chức, viên chức trong việc cưới, việc tang bằng những kinh nghiệm của địa phương mình. Dù quy định cưới hỏi, ma chay nêu rõ không được gây cản trở giao thông, nhưng ở Phú Thọ, người dân vẫn sử dụng đường để tổ chức cưới do tổ chức trong khách sạn đắt tiền. Vì thế nhà quản lý đành phải để dân lấn đường làm tiệc. “Chúng tôi cho linh động được lấn 1/3 đường, nhưng có những đường xương cá nhỏ người ta vẫn lấn cả đường”, vị đại diện này chia sẻ trong buổi góp ý do Bộ VH-TT-DL tổ chức sáng 31.8 tại Hà Nội.

 

Nhiều mô hình, quy định cũng bị lách ở các địa phương. Thậm chí, ông Hà Văn Tăng còn cho biết: “Từng có quy định khuyến khích tổ chức tiệc ngọt. Có quan chức tổ chức tiệc ngọt vào bữa trưa, anh em đến dự tiệc ngọt xong lại tiếp tục phải đi ăn trưa đến khổ. Hoặc có địa phương cụ thể hóa việc cưới tiết kiệm bằng quy định đám cưới chỉ được bao nhiêu mâm. Thế là, người ta bỏ mâm chuyển sang làm tiệc đứng. Cũng có khi, địa phương quy định không mời quá 300 khách thì cán bộ nói tôi chỉ mời 200 khách, còn lại hơn trăm khách là người nhà”.

Cũng theo ông Tăng, nếu việc cưới xin đang vướng mắc ở quy mô đám cưới thì việc tang lại rất khó xử với việc đốt vàng mã. “Chúng ta muốn đốt ít hoặc không đốt vàng mã để tiết kiệm. Nhưng vàng mã hiện vẫn được phép sản xuất và tiêu thụ. Nó rất khác với cấm pháo, khi cấm pháo Chính phủ đồng thời cũng cấm luôn cả sản xuất pháo”, ông Tăng nói.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) lại thấy nhiều hủ tục trong tang ma nên bỏ, do ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. “Tôi đã chứng kiến có đám ma mà theo tục lệ con cái phải đi chân trần và phải lội xuống ruộng mạ dù trời giá rét. Một người quen của tôi đã phải đi như thế và sau đám ma thì toàn bộ bàn chân của ông tóe máu ướt đẫm. May mà không nhiễm trùng”, ông Thái nói.

Nhiều gia đình dựng rạp ngoài đường để tổ chức đám cưới gây cản trở giao thông ẢNH: NGỌC THẮNG

 

Vẫn chỉ vận động là chính

 
 

 

Từng có quy định khuyến khích tổ chức tiệc ngọt. Có quan chức tổ chức tiệc ngọt vào bữa trưa, anh em đến dự tiệc ngọt xong lại tiếp tục phải đi ăn trưa đến khổ. Hoặc có địa phương cụ thể hóa việc cưới tiết kiệm bằng quy định đám cưới chỉ được bao nhiêu mâm. Thế là, người ta bỏ mâm chuyển sang làm tiệc đứng

 

 

Ông Hà Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL)

 

Hiện có rất nhiều văn bản quy định việc thực hiện nếp sống văn minh đối với việc cưới, tang của cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12.1.1998 của Bộ Chính trị (khóa 8) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Quyết định số 308 ngày 25.11.2005 của Thủ tướng về việc ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kết luận số 51 ngày 22.7.2009 của Bộ Chính trị (khóa 10) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Quy định số 101 ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Nghị định số 105 ngày 17.12.2012 về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức. Tất cả các văn bản trên đều không đề cập đến việc chế tài nếu thực hiện không đúng. “Tôi băn khoăn nhất là có cần thiết ban hành thêm văn bản không khi đã có quá nhiều. Mà càng xuống cấp dưới họ càng lười đọc văn bản”, ông Tăng nói. Cũng theo ông, vì đây là những quy chế liên quan đến nếp sống nên quan trọng nhất vẫn là phải tổ chức thuyết phục vận động.

Đại diện Sở VH-TT-DL TP.Hải Phòng đề nghị các quy định của chỉ thị nên mạnh mẽ và cụ thể hơn. Nếu không, có thể dẫn đến tình trạng địa phương lơi lỏng trong thực hiện. PGS-TS Lê Ngọc Thắng, Tạp chí Dân tộc, cho rằng điều quan trọng là chỉ thị nên quy định nguyên tắc để địa phương có thể cụ thể hóa cho phù hợp với từng vùng miền, dân tộc. Ngành văn hóa cũng nên chỉ đạo sở văn hóa các cấp xây dựng các điển hình mô hình đám cưới, đám tang chuẩn.

Việc xây dựng mô hình, các nguyên tắc ở cấp địa phương, theo ông Thái, có thể đưa vào hương ước. “Ở Nghệ An chẳng hạn, các nghĩa trang được xây thẳng hàng, điều đó cũng do địa phương tự quy định với nhau. Việc bỏ một số hủ tục như lăn đường hay dựng mồ mả tốn kém nếu đưa vào hương ước cũng rất tốt. Chỉ có điều, hương ước là lệ, không phải luật nên cũng không có chế tài”, ông Thái nói. Ông Tăng cũng đánh giá cao việc đưa các quy định về tang ma cưới xin văn minh vào hương ước. Theo ông, đó là cách đưa chỉ thị vào cuộc sống.

Ông Tăng cho rằng không nên nhấn vào các quy định quá cụ thể như số mâm cỗ nữa mà nên nói nhiều về cách thức vận động thực hiện. Theo ông, trước đây, chính những thầy đồ, thầy thuốc và thầy cúng ở địa phương là những người có thể thuyết phục người dân thực hiện các chính sách của làng. “Bây giờ thể chế hóa thì cán bộ sẽ làm việc đó. Tuy nhiên cũng cần tính đến nhiều cách làm. Chẳng hạn, chúng tôi đi Ba Vì, khi tuyên giáo vận động người dân làm hỏa táng thì ít người nghe, nhưng bên tôn giáo đến, các nhà sư nói thì người dân lại nghe”, ông Tăng chia sẻ.

Ông Thái cũng nhắc tới việc sử dụng các thiết chế văn hóa vào việc thực hiện nếp sống trong ma chay, cưới hỏi. Chẳng hạn, khoản 3 điều 16 Quyết định số 308 ngày 25.11.2005 của Thủ tướng quy định: “UBND các cấp có kế hoạch phát huy các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, nhà tang lễ, trang bị xe tang của địa phương, góp phần thực hiện tốt việc cưới, việc tang cho nhân dân”. Điều này, theo ông Thái, có nghĩa là có thể sử dụng nhà văn hóa để tổ chức các việc cưới cho hợp lý, tiết kiệm.

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0