Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.824 tác phẩm
2.758 tác giả
397
122.824.300

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Trong vực sâu ký ức
Tác giả Kazuo Ishiguro trả lời phỏng vấn vào ngày 5.10 ẢNH: REUTERS Chiều qua, một cái tên Nhật đã được xướng lên trong buổi lễ công bố giải Nobel Văn chương 2017.
 
 
Như vậy là lần đầu tiên từ sau khi Kenzaburo Oe được vinh danh năm 1994, giải Nobel Văn chương lại thuộc về một cây viết mang dòng máu Nhật. Có điều vẫn không phải là Haruki Murakami. Nếu văn của Murakami vẫn thường bị xem là “quá Tây” thì khôi nguyên Nobel năm nay là “rặt Tây”, thậm chí còn không mang quốc tịch Nhật. Sinh năm 1954, Kazuo Ishiguro cùng cha mẹ di cư sang Anh năm 1960 và mãi đến năm 1989, ông mới lần đầu tiên đặt chân trở lại đất Nhật.
 
Như đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển trong thông báo ngày 5.10, văn chương của Ishiguro “làm hiển lộ cái vực thẳm bên dưới ảo tưởng của chúng ta về mối dây liên kết với thế giới”. Tự nhận mình chịu ảnh hưởng của Fyodor Dostoyevsky và Marcel Proust nhưng nhất quyết từ chối mọi sự so sánh với Jane Austen (Anh), Ishiguro phần nào tương đồng với Franz Kafka (Áo gốc Do Thái) khi phơi bày nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm một cái “mỏ neo” để bám víu, để vượt qua chuyến lưu đày mang tên “cuộc đời”, khi mà thế giới thay vì nuôi dưỡng lại dường như chỉ luôn luôn chống lại con người.
 
Tuy nhiên, nếu Kafka đặt tiêu điểm ở “tội lỗi” thì Ishiguro tập trung vào “ký ức”, một trong những nền tảng cơ bản nhất nhưng cũng bất định nhất, dễ bị biến dạng và bóp méo nhất của “tồn tại người”. Để vượt qua bi kịch hoặc lầm lỗi, nuối tiếc trong quá khứ, hay cố tìm kiếm một ý nghĩa nào đó cho cuộc đời, các nhân vật của Ishiguro sẵn sàng tự huyễn hoặc bằng cách xây dựng những ảo tưởng ký ức để rồi nhận ra sớm muộn gì, vở kịch sẽ hạ màn. Ở điểm này, có một sự tương hợp giữa Ishiguro và một bậc thầy văn chương khác của Anh - Julian Barnes, đặc biệt là quyển The Sense of an Ending. Cả The sense of Ending và The remains of the day, tiểu thuyết thành công nhất của Ishiguro, đều được trao giải Man Booker danh giá và đều đã được chuyển thể thành những bộ phim xuất sắc.
 
Bên cạnh đó, tuy thừa nhận là tiếng Nhật của mình “rất tệ” và hầu như không có liên hệ nhiều với nền văn chương từ đất mẹ nhưng dường như dòng chảy mỹ học Nhật vẫn tồn tại thẳm sâu trong bản năng nghệ thuật của Ishiguro. Các tác phẩm của ông thường kết thúc khi mà vấn đề của nhân vật vẫn không được giải quyết. Tuy nhiên, dường như họ lại đạt được một sự bình an nhất định, được giải thoát phần nào của cơn quằn quại trong vực thẳm của ký ức nếu biết chấp nhận, biết “đầu hàng”, biết “bỏ cuộc”. Một sự bình yên mang tính sầu bi, u tịch trong một thế giới bất định, vô thường lại chính là một trong những điểm cốt lõi của khái niệm mỹ học Mono no aware đặc biệt quan trọng, hàm chứa gần như đầy đủ những tinh hoa lẫn nghịch lý trong tâm hồn Nhật Bản.
 
Mặt khác, Ishiguro không bao giờ bằng lòng với lối mòn trong hình thức thể hiện. Hai tiểu thuyết đầu tiên của ông có nhân vật chính là người Nhật, The remains of the day đặt bối cảnh tại Anh trước và sau Thế chiến 2, Never let me go thì “vi phạm” hầu hết các quy định của thể loại khoa học viễn tưởng và gây nhiều tranh luận về phân loại. Đến tác phẩm mới nhất The Buried Giant (2015) thì xuất hiện cả rồng và các hiệp sĩ Bàn tròn. “Điều tôi không muốn làm là lặp lại hoặc bị cầm tù về phong cách trong những thứ mà người ta khen ngợi tôi”, ông nói trong cuộc phỏng vấn năm 1989 với tờ The New York Times.
 
Đến nay, đã có 3 tác phẩm của Ishiguro được giới thiệu ở VN gồm Never let me go (tựa đề bản dịch: Mãi đừng xa tôi), Nocturnes: Five Stories of Music and Nightfall (Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông) và The Buried Giant (Người khổng lồ ngủ quên). Có điều hơi “gờn gợn” là cũng như Murakami một thời, văn chương Ishiguro có dấu hiệu bị “kéo xuống” thành một thứ trang sức thời thượng và dễ dãi. Một quyển sách đen tối và rợn người như Never let me go trên nhiều bài điểm sách bỗng chốc hóa thành diễm tình đẫm nước mắt với những tính từ “nổi gai ốc” như cảm động, nhân văn, hoang hoải và trong một số ca “đặc biệt trầm trọng” là thanh xuân. Phần nào tạm lắng một thời gian qua vì đã có một nhà văn Nhật khác là Junichiro Tanizaki thế thân trở thành tiêu điểm cho người ta thể hiện trên Facebook và các trang điểm sách nhưng có lẽ cơn sốt Ishiguro sẽ sớm trở lại sau thông báo chiều qua của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
 
Tiểu thuyết gia Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro (ảnh) sinh ngày 8.11.1954 tại Nagasaki (Nhật Bản). Năm 1960, gia đình ông chuyển sang Anh sinh sống. Năm 1978, Ishiguro nhận bằng cử nhân văn học và triết học tại Đại học Kent (Anh), sau đó lấy bằng thạc sĩ văn học của Đại học East Anglia (Anh) vào năm 1980. Ông là nhà văn, nhà biên kịch, nhạc sĩ. Các tác phẩm đáng chú ý của Kazuo Ishiguro gồm: Never let me go (được dựng thành phim cùng tên năm 2010, do Mark Romanek đạo diễn), The remains of the day (đạo diễn James Ivory dựng thành phim cùng tên năm 1993), The buried giant, The unconsoled... Ishiguro kết hôn với Lorna MacDougall, một nhân viên xã hội từ năm 1986.  Họ gặp nhau tại tổ chức từ thiện vô gia cư ở tây London. Vợ chồng Ishiguro hiện sống ở London với con gái Naomi.
 
Kazuo Ishiguro từng nhận nhiều giải thưởng danh giá: giải Winifred Holtby của Viện Văn học Hoàng gia Anh, giải Whitbread dành cho tác giả Anh và Ireland năm 1986, giải The Man Booker cho tác phẩm The remains of the day năm 1989, được tạp chí Time xếp Never let me go vào danh sách 100 tiểu thuyết viết tiếng Anh xuất sắc nhất… Time cũng đưa Kazuo Ishiguro vào danh sách 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945.
Đ.T
 
 
 
 
Trọng Kha - TN0
Tin tức khác