Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
583
123.247.864

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Năm 2018 - có mở cửa tự do sáng tạo cho nghệ sĩ?
Việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước 1975, sự cố chọi trâu gây chết người... đã nhận được sự quan tâm, bức xúc của dư luận trong năm 2017. Khép lại năm 2017 với nhiều dư luận ồn ào trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ông Vương Duy Biên - thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - đã có những trao đổi với Tuổi Trẻ về kỳ vọng mở cửa nghệ thuật trong năm mới 2018.

 

 

Nếu cái gì khó, hay sai phạm mà bỏ hoặc cấm đoán thì dễ cho cơ quan quản lý quá. Để hội nhập thế giới, chúng ta cần chấp nhận sự đa dạng trong nghệ thuật với mô hình.

* Nhìn lại năm 2017, ông có đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Bên cạnh những lùm xùm như câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, tạm dừng năm bài hát trước năm 1975công bố phổ biến hơn 300 bài nhạc đỏ gây phản ứng..., công chúng vẫn có thể thấy nhiều bước tiến khác như: triển lãm ảnh khỏa thân được cấp phép, lần đầu tiên liên hoan phim không có phim nhà nước... 

Những kết quả đó là biểu hiện của sự phát triển, là xu hướng không thể đảo ngược.

Hiện nay nhiều nước sản xuất phim hoàn toàn không có vai trò của nhà nước. 

Đến một lúc nào đó chúng ta phải quen với quan niệm mới là không còn ranh giới điện ảnh nhà nước hay điện ảnh tư nhân mà chỉ còn điện ảnh Việt Nam. 

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ không còn đơn vị công lập hay tư nhân, nhưng đều vì nền nghệ thuật và bản sắc Việt Nam.

Qua những vấp váp trong năm qua, tôi nghĩ cần sớm đi đến thống nhất, cái gì thuộc về sự phát triển chung của xã hội thì mọi trật tự trong đó phải thực hiện theo luật. Nhà nước hạn chế bớt các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư...

Quá trình tiếp cận những cái rất mới có xảy ra tranh cãi, quan niệm khác biệt là điều đương nhiên. Muốn phát triển cần có tranh cãi. Phải chấp nhận điều đó để văn hóa nước ta phát triển phù hợp với xã hội văn minh và hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong năm qua có nhiều chuyện vui và không vui. Những câu chuyện đó đặt ra đòi hỏi cơ quan quản lý phải cố gắng rất nhiều. Thực tế cho thấy thách thức trong công tác quản lý hiện nay là xã hội đang phát triển năng động, hội nhập với thế giới, nên cơ chế phải vừa chặt chẽ vừa thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ.

Thứ trưởng Vương Duy Biên

* Ông từng phát biểu trên Tuổi Trẻ sẽ đề xuất sửa đổi nghị định về nghệ thuật biểu diễn theo hướng cởi mở và tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ. Điều này có thể thành hiện thực trong năm 2018?

- Dự kiến trong năm nay chúng tôi sẽ hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi về nghệ thuật biểu diễn trình Chính phủ thông qua. Nghị định mới sẽ thay thế nhiều quy định cũ đã bộc lộ bất cập.

Năm 2017 bộ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp ở cả ba miền. Thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến các đơn vị và cá nhân khác. 

Cụ thể, trong nghị định mới sẽ đơn giản tối đa giấy tờ thủ tục và cấp phép thẳng cho nghệ sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn để họ có quyền hành nghề bình đẳng như các nghệ sĩ trong nước.

Quy định mỗi năm phải cấp đổi lại giấy phép tác phẩm sân khấu sẽ được bãi bỏ. Quy định cấp phép người đẹp ra nước ngoài dự thi cũng sẽ được bãi bỏ, hoặc nếu cấp phép thì chỉ cần có thư mời của đơn vị tổ chức sẽ được chấp thuận.

Riêng việc cấp phép phổ biến các bài hát trước năm 1975 phức tạp hơn. Lúc đầu tôi dự tính sẽ phân quyền cấp phép bài hát trước năm 1975 về cho các địa phương. 

Trong trường hợp địa phương không quyết được thì mới hỏi ý kiến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên hiện nay vẫn có những ý kiến cho rằng cục phải đứng ra cấp phép bởi có thể địa phương này cấp phép nhưng sang địa phương khác lại không được chấp nhận.

Đây là bài toán khó, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe thêm. Nhưng quan điểm chung là nghị định mới sẽ đổi mới để không làm khó nghệ sĩ, nhà tổ chức và công chúng thưởng thức nghệ thuật.

* Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, có hứa rằng khi xây dựng Luật mỹ thuật sẽ bỏ cấp phép triển lãm để nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Ông nghĩ sao về chuyện này?

- Tôi rất đồng tình cần sớm bỏ cấp phép triển lãm trong nước. Thay vào đó, nghệ sĩ muốn tổ chức triển lãm chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan quản lý. 

Sau đó giám sát nội dung là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng với các triển lãm nước ngoài tại Việt Nam thì vẫn cần cấp phép. 

Làm văn hóa ở nước ta thời điểm này rất khó. Một đằng chúng ta muốn vươn lên hội nhập như các nước tân tiến nhưng mặt khác lại phải quản lý theo mô hình của nước ta.

* Chính phủ đã thông qua chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 doanh thu các ngành văn hóa đóng góp 7% GDP. Ông có đặt nhiều kỳ vọng vào mục tiêu này?

- Đây là quyết tâm của Chính phủ, nhưng để quyết tâm đó xuống các địa phương và người dân thì không thể nhanh được. 

Công nghiệp văn hóa phải được sinh ra từ xã hội công nghiệp. Công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có thị trường mỹ thuật, thị trường điện ảnh, sân khấu... 

Bao giờ chúng ta xây dựng được những thị trường ấy một cách hoàn thiện? 

Tôi không hi vọng vào sự sáng chói bất ngờ nhưng tin tưởng trong năm mới, bức tranh văn hóa Việt Nam sẽ sáng dần lên.

Một số sự kiện văn hóa nghệ thuật năm 2017 được nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ quan tâm, phản hồi:

* Lễ hội đầu năm vẫn còn "xấu xí", loạn khai ấn lan ra nhiều địa phương.

* Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975.

* Công bố phổ biến hơn 300 bài nhạc đỏ, trong đó có Tiến quân ca - Quốc ca nước ta.

* Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây bức xúc cho các nghệ sĩ.

* Hoa hậu đại dương 2017 dù vi phạm thể lệ và phạm luật nhưng vẫn đăng quang.

* Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đòi thu phí âm nhạc tivi trong khách sạn.

* Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) xảy ra sự cố trâu chọi húc chết chủ và phải tạm dừng, dẫn đến cuộc tranh luận giữ hay bỏ chọi trâu.

* PGS.TS Bùi Hiền công bố nghiên cứu cải cách chữ quốc ngữ.

 

 

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện - TT0
Tin tức khác