Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
644
123.248.356

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Website phim lậu, phạt 60 triệu đồng sao đủ sức răn đe?
Các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại hội thảo - Ảnh: NGỌC DIỆP Doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 5 tỉ USD năm 2016. Tuy nhiên chỉ số niềm tin của người mua thấp, ít nhiều cho thấy vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo.

 

Trong cuộc hội thảo về "Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số" do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) tổ chức tại Hà Nội sáng nay (12-3), hầu hết chuyên gia đều nhấn mạnh Việt Nam cần phải thúc đẩy về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hơn nữa.

 

Nhận thức về bản quyền còn rất yếu

 

Với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Minh Hương, trưởng Văn phòng luật sư A Hòa, cho biết năm 2009 khi liên minh phần mềm đại diện cho các công ty công nghệ lớn thực thi bản quyền, tỉ lệ vi phạm phần mềm tại Việt Nam từ 96% giảm còn 78% (năm 2015), đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất.

Tuy nhiên con số 78% vẫn cho thấy vấn nạn vi phạm bản quyền còn nan giải. Theo bà Hương, đây là giai đoạn Việt Nam cần nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là với doanh nghiệp về vấn đề bản quyền.

Bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết thêm trong quá trình giải quyết các vụ việc, thanh tra Bộ Khoa học công nghệ nhận thấy các doanh nghiệp vi phạm về bản quyền hiện nay phần lớn là do nhận thức còn yếu kém.

"Thực tế khi thanh tra, kiểm tra, các bên vi phạm đều nói do họ không hiểu nên vi phạm. Khi đã giải thích thì họ tuân thủ rất tốt", bà Quỳnh nói.

Bà Quỳnh cũng khuyên các doanh nghiệp khi phát hiện vi phạm nên cảnh báo tới đơn vị vi phạm, nếu không thành công mới yêu cầu cơ quan quản lý giải quyết.

 

Chế tài chưa đủ sức răn đe

 

Các dạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ phổ biến tại Việt Nam hiện nay là: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; Hành vi quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng các vi phạm hiện nay chủ yếu bị xử lý hành chính.

Bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, cho biết dù hiệp hội phát hiện các website phim lậu và báo với các cơ quan quản lý ở Việt Nam nhưng mức xử phạt hành chính với các đơn vị vi phạm bản quyền của hiệp hội cao nhất cũng chỉ là 60 triệu đồng, quá thấp so với lợi nhuận các website này thu được.

Hiệp hội này đã đưa nhiều vụ việc ra công an nhưng còn nhiều vấn đề về kỹ thuật, vì xác minh được người vi phạm trong môi trường số không dễ.

Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ, 98,37% vi phạm về sở hữu trí tuệ từ năm 2013 đến năm 2015 được các cơ quan hành chính xử lý. Rất ít vụ việc được xử lý hình sự, như vậy khó đủ sức răn đe.

Các chuyên gia tham gia hội thảo đều cho rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

"Sở hữu trí tuệ giữ vai trò rất quan trọng để thúc đẩy sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các ngành công nghệ cao tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia" - bà Kelly Anderson, quản lý cấp cao của Trung tâm Chính sách đổi mới toàn cầu, đưa ra lời khuyên.

Theo Bộ Khoa học Công nghệ, năm 2012 doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam là 2 tỷ USD, năm 2016 con số này đã là 5 tỷ USD. Lý do thương mại điện tử phát triển vì nền tảng internet tốt (45% dân số Việt Nam đã tiếp cận Internet; tỷ lệ sử dụng smartphone đạt trên 70%), giá cả tốt, hàng hóa phong phú, đa dạng và chuyển hàng nhanh.

 

Bà Nguyễn Như Quỳnh, phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NGỌC DIỆP

 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Như Quỳnh, phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, "thương mại điện tử của Việt Nam phát triển nhanh nhưng không ổn định".

Bằng chứng là có tới 36% người dùng đăng ký mua hàng online hủy bỏ giao dịch, đây là tỉ lệ rất cao so với các nước có thương mại điện tử phát triển, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử còn thấp.

Điều này còn phản ánh thực tế vấn đề quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn rất lỏng lẻo. Hàng hóa online có thể rất đa dạng nhưng giả mạo cũng rất nhiều, chưa tạo được niềm tin với khách hàng.

 

 

Ngọc Diệp - TT0
Tin tức khác