Người phương Tây đi du lịch hoặc sống lâu ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Lào... thường rất kinh hoàng trước việc người dân thoải mái gây ồn ào hoặc tiếng ồn suốt 2-3 ngày liền ở các đám cưới, đám ma hay lễ hội địa phương.
Anh Eric Burdette, người Mỹ, có vợ là người Việt Nam và từng sống nhiều năm ở Sài Gòn, chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Vợ chồng tôi vừa quyết định quay lại Mỹ sống.
Dù rất yêu Việt Nam nhưng thú thật, tiếng ồn ở Sài Gòn là một lý do chính khiến chúng tôi ra đi. Sự tra tấn của karaoke đến sự ồn ào những người hàng xóm, nhạc đám ma, tiếng ồn từ xe cộ, các công trình xây dựng... tất cả tổng hòa lại và dường như chẳng bao giờ ngừng".
Ngưng... hát trước 22h
Dự luật cấm hát karaoke sau 10h đêm ở Philippines có tên 1035 do dân biểu Angelina Tan từ đảo Quezon trình hồi đầu tháng 5-2018.
Theo báo Phil Star, dự luật này có tham vọng giải quyết một vấn đề xã hội gây phiền toái lớn liên quan đến việc hát hò "sướng mồm" người này nhưng lại "điếc đầu" cho người khác ở Philippines.
Đại biểu Tan điều trần trước hạ viện ngày 8-5 cho biết: "Tiếng ồn gây khó khăn cho các hoạt động giao tiếp thông thường, làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến một số loại công việc. Tiếng ồn làm tăng tình trạng cao huyết áp, các vấn đề về tim mạch cũng như gây ra tình trạng rối loạn thần kinh".
Bà Tan cũng khẳng định loại tiếng ồn chính trong các khu dân cư ở Philippines chính là từ các dàn loa karaoke bị người dân lạm dụng.
Trong nhiều trường hợp, những thiết bị này được mang ra đường lớn hoặc lề đường để sử dụng và tạo ra những âm thanh lớn bất thường, không cần thiết và quá mức khiến người nghe như bị tra tấn.
"Tiếng ồn bất lợi đối với sức khỏe cộng đồng, sự thoải mái nghỉ ngơi của số đông, gây tranh cãi, chia rẽ, thậm chí đánh nhau giữa hàng xóm láng giềng rồi dẫn đến tử vong" - bà Tan nói.
Bà Tan chỉ ra dù đã có luật chống ô nhiễm tiếng ồn, luật pháp hiện nay không quy định rõ việc cấm hát karaoke sau 22h để nó trở thành một điều bắt buộc trên cả đất nước.
Theo dự luật 1035, việc sử dụng các hình thức ca hát có hoặc không có nhạc đệm với dàn loa, tivi, ampli, hệ thống karaoke và các thiết bị khuếch đại âm thanh khác chỉ được phép từ 8h sáng đến 10h đêm.
Sau giờ quy định, nếu nghe thấy âm thanh ở khoảng cách 15m tính từ vị trí đặt máy sẽ là bằng chứng của việc vi phạm luật. Người vi phạm có thể bị phạt tù đến 6 tháng hoặc phạt hành chính đến 1.000 peso Philippines (tương đương 1 triệu đồng).
Đối với những người kinh doanh, ngoài việc trả tiền phạt, nếu tái phạm sẽ bị thu giấy phép kinh doanh.
Cuộc chiến chống... tiếng ồn
Dự luật mang tên 1035 về việc cấm hát karaoke sau 22h do bà Angelina Tan, dân biểu thành phố Quezon, đệ trình từ tháng 7-2016. Sau gần hai năm, dự luật được đưa ra thảo luận ở Ủy ban An toàn và trật tự công cộng của Hạ viện Philippines lần đầu ngày 13-3. Theo quy định, sau khi được hạ viện thông qua, dự luật phải được trình tiếp lên thượng viện và nếu được thông qua, tổng thống sẽ ký quyết định ban hành.
Những âm thanh lớn làm phiền đến hàng xóm là đối tượng của luật chống ô nhiễm tiếng ồn - mang những tên gọi khác nhau ở nhiều nước. Nhìn chung, các nước phương Tây có quy định rõ ràng cho việc này.
Ở Anh, luật quy định ban đêm là thời gian từ 11h đêm đến 7h sáng hôm sau. Nhà dân hoặc các cơ sở kinh doanh không được gây ra tiếng ồn lớn hơn mức quy định.
Khi cần can thiệp, chính quyền sẽ ra thông báo cảnh báo, thông báo phạt hành chính và tịch thu thiết bị gây ồn ào ở các cơ sở kinh doanh hay nhà riêng theo quy định.
Luật Anh tôn trọng quyền được nghỉ ngơi tại nhà của công dân. Điều tra viên của cơ quan bảo vệ sức khỏe môi trường có trách nhiệm giải quyết khiếu nại từ cộng đồng và có quyền thanh tra, yêu cầu đối tượng chấm dứt gây ồn ào hoặc cam kết hoạt động trong khung giờ nhất định.
Công dân cũng có quyền yêu cầu chủ đầu tư các công trình công cộng phải có đánh giá về ảnh hưởng của tiếng ồn đối với sức khỏe người dân khi thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp công trình giao thông, xử lý nước thải...