Độc đáo đình, chùa, miếu miền Tây: Nơi lưu giữ 85 sắc thần thời Nguyễn
Miếu Công thần Vĩnh Long nhìn từ bên ngoài
ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên, miếu Công thần Vĩnh Long là hậu thân của miếu Hội đồng thờ các vị công thần triều Nguyễn. Di tích này được các nhà nghiên cứu quan tâm bởi nơi đây hiện còn giữ được nhiều đạo sắc phong nhất Nam bộ.
Gian nan miếu công thần…
Tọa lạc tại phường 5, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, miếu Công thần Vĩnh Long nhìn ra rạch Cái Sơn. Trước sân miếu có một bàn thờ với 2 viên đạn và một mảnh vỡ của khẩu thần công. Hai bên bàn thờ đặt đôi kỳ lân bằng gốm Cây Mai có niên đại hơn 100 năm. Theo ông Tư Hiếu, 70 tuổi, là ông Từ lo việc nhang khói cho miếu, thì mảnh vỡ của khẩu thần công cùng 2 viên đạn sắt được người dân chài lưới vớt được từ dưới lòng sông Cổ Chiên đem vào miếu thờ cúng.
Miếu Công thần được xây dựng theo kiểu đình làng Nam bộ. Chính tẩm là ngôi nhà tứ trụ, nối với võ qui và phần kiến trúc ngoài cùng là võ ca, nơi có sân khấu diễn xướng khi tổ chức lễ hội. Giữa chính tẩm có bàn thờ Hội đồng, thờ chung các vị thần linh. Sát vách hậu là bàn thờ chính đặt khánh thờ thần chạm trổ, sơn son thếp vàng. Ngoài phần kiến trúc chính còn có nhà khách, hành lang đông tây, nhà bếp. Hệ thống giàn trò như cột, kèo, xiên, trính đều bằng gỗ căm xe và các loại gỗ quý khác, nhưng theo thời gian một số cũng đã bị hư hại.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau khi được công nhận di tích lịch sử vào năm 1998, từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có mạnh thường quân đóng góp và nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, ngôi miếu được sửa chữa trùng tu nhiều đợt như làm lại võ ca, lợp mái ngói, tu bổ chánh điện, võ qui, chú thích chữ quốc ngữ các hoành phi, câu đối...
Bàn thờ Hội đồng thờ chung các vị thần linh
Theo Đại Nam nhất thống chí, vào năm Ất Mão (1795) đời Trung hưng đã xây dựng miếu Hội đồng Gia Định thành tại thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương (Gia Định). Đến năm Gia Long thứ 7 (1808) xây miếu Hội đồng Định Tường. Năm Gia Long thứ 8 (1809) xây miếu Hội đồng Biên Hòa… Miếu Hội đồng Vĩnh Long được xây dựng muộn hơn, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình, nhưng dân gian thường gọi là Đình Khao. Tương truyền các quan ở thành Vĩnh Long thời bấy giờ thường sử dụng nơi đây làm địa điểm mở tiệc khao thưởng quân lính.