Lắt léo chữ nghĩa: Khéo léo vốn không phải là từ láy
Toàn cảnh khu đấu xảo, Hà Nội năm 1902
ẢNH: T.L
Khéo léo là một mục từ trong Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994).
Với nhận thức của mình, các nhà chuyên môn đã liệt nó vào hàng ngũ từ láy thì, nói chung, người nói tiếng Việt khó có thể quan niệm rằng đó là một cấu trúc ghép đẳng lập mà dĩ nhiên là hai thành tố đều có nghĩa. Ấy vậy nhưng trong khéo léo thì cả khéo lẫn léo đều có nghĩa.
Khéo là một từ Việt gốc Hán và là âm xưa của chữ [巧], mà âm Hán Việt hiện hành là xảo, như trong gian xảo, kỹ xảo, xảo ngôn, xảo quyệt, xảo trá và đặc biệt là đấu xảo, hai tiếng mà hồi đầu thế kỷ 20, người VN dùng để chỉ hội chợ, triển lãm. Năm 1902, Hà Nội từng có một hội chợ triển lãm lớn tại khu đấu xảo, một quần thể kiến trúc thực sự hoành tráng, mà tòa nhà chính do kiến trúc sư người Pháp là Adolphe Bussy thiết kế. Đây thực sự là một lâu đài mà Pháp gọi là Grand Palais d’Expositions. Trong Thế chiến 2, quân Nhật lấy khu này làm trại lính nên đã bị Mỹ ném bom tàn phá, bây giờ không còn dấu tích gì ngoài hai con sư tử bằng đồng đem đặt trước rạp xiếc tại khu vực công viên Thống Nhất. Nguyễn Khuyến từng có bài thất ngôn đường luật vịnh cuộc đấu xảo này nhan đề Đấu xảo ký văn.