Sinh năm 1951 trong một gia đình người da đen lao động nghèo ngay tại thủ đô Washington, Edward sớm nếm mùi khổ cực khi người cha, do không chịu nổi tệ phân biệt chủng tộc, đã bỏ gia đình đến sinh sống tại các bang miền Nam, vốn là nơi trú ngụ, sinh sống của đại đa số người da đen ở Mỹ. Công việc nuôi dạy Edward cùng một em gái và một em trai chậm phát triển đè nặng lên đôi vai của người mẹ thất học, suốt ngày làm đủ mọi thứ việc mà những gia đình người da trắng giàu có thuê mướn để kiếm tiền nuôi sống gia đình với quyết tâm phải cho các con được học hành đến nơi đến chốn. Edward kể về mẹ mình như sau: “Tôi biết là bà muốn mua một chiếc tivi cũ kỹ để xem vào mỗi buổi tối nhưng rồi cứ lần lữa mãi vì chỉ muốn dành tiền cho tôi và em gái đi học”.
Năm 1971, ở tuổi 20, Edward P.Jones tham gia phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam cùng các sinh viên tại Đại học Washington. Chính hành động phản kháng, lại diễn ra ngay tại thủ đô của nước Mỹ, đã khiến Edward lọt vào danh sách bị theo dõi của Cục Điều tra liên bang (FBI). Rắc rối cũng xảy ra với gia đình ông từ đó. Do có con tham gia phong trào phản chiến nên mẹ ông mất việc làm. Còn Edward phải thay đổi chỗ ở liên tục để tránh bị theo dõi và bị bắt giữ.
Cuộc sống của gia đình ông ngày càng lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn. Năm 1972, khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam, phong trào phản chiến cũng lắng dịu dần và Edward quay về lại trường tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp Khoa Văn chương Đại học Washington vào năm 1974. Một năm sau, mẹ của ông qua đời vì chứng ung thư phổi do không có tiền chữa chạy.
Xã hội Mỹ vào thời kỳ đó cực kỳ rối ren với đủ loại tệ nạn phát triển đã khiến một sinh viên tốt nghiệp đại học như Edward P. Jones bỗng trở thành một kẻ thất nghiệp. Mẹ mất, cô em gái theo chồng đến sinh sống tại một bang miền Nam, còn em trai được đưa vào nuôi dưỡng tại một cô nhi viện, Edward thực sự trở thành một kẻ bụi đời lê la khắp hè phố thủ đô Washington. Đây là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời của Edward, nhưng ông không làm những điều phạm pháp để kiếm ăn như nhiều người đồng cảnh ngộ mà làm đủ thứ việc mình có thể làm được để kiếm đủ tiền mua một ổ bánh mì lót dạ, nước thì uống tại các vòi nước công cộng, còn chỗ ngủ có thể là lề một con đường nhỏ ít người qua lại hay trong bến xe điện ngầm. Cho dù khổ cực đến mấy nhưng ông vẫn không bỏ thói quen đọc sách. Edward kể lại: “Đọc sách đối với tôi vào quãng thời gian đó không những chỉ để thỏa mãn một sở thích mà là còn để quên đi thực tại khốn khó mà mình đang trải qua”.
Năm 1984, sau chín năm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của thủ đô Washington, Edward gặp một người bạn từng hoạt động trong phong trào phản chiến, nay đã là chủ bút của một tạp chí chuyên về thuế má có tên gọi Tax Notes và được mời về làm việc tại tòa báo. Tưởng đâu công việc báo chí sẽ cuốn hút Edward, nhưng chỉ đến năm 1990 thì ông quyết định rời bỏ tạp chí Tax Notes khi tình cờ phát hiện khả năng viết lách của mình.
Lang thang suốt nhiều tuần lễ ở Virginia, vốn được xem là một trong những "cái nôi" của tệ nô lệ ở Mỹ vào thế kỷ XIX, Edward nghe kể vô số câu chuyện về những người da đen tội nghiệp. Chính điều này đã khiến ông bắt tay viết cuốn truyện đầu tay của mình có tựa đề "Lost in the City", kể về một người mẹ da đen mù chữ lần đầu tiên đưa con trai của mình đến trường trước con mắt soi mói của nhiều người khác. Cuốn sách khi được phát hành vào năm 1993 đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận trong nền văn học Mỹ.
Thế nhưng sau đó Edward lại tạm gác việc viết lách kể cả nghề làm báo, để theo học Khoa Sử của Đại học Washington với mong muốn có thêm kiến thức về lịch sử nước Mỹ. Có thể ông muốn trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để chuẩn bị cho cuốn truyện thứ hai của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học ở tuổi 50, Edward bắt tay vào viết cuốn truyện có tựa đề "The Known World" kể về cuộc sống của những nô lệ người da đen tại các bang miền Nam nước Mỹ vào nửa đầu thế kỷ XIX mà cốt chuyện xoay quanh một chủ buôn nô lệ người da trắng tên Henry Townsend. Đây quả là một đề tài không quá khó, không mang tính thời sự. Edward cũng đã từng toan tính đến việc bỏ cuộc nửa chừng vì không nối kết được những suy nghĩ, vì mỗi khi cầm bút viết, ông lại thấy cảnh người cha vì bị kỳ thị chủng tộc mà phải bỏ cả gia đình đến một nơi xa lạ để mưu sinh, một người mẹ chuyên đi làm thuê cho giới nhà giàu nhưng vẫn không đủ tiền để chữa chạy căn bệnh ung thư phổi và những ngày tháng khốn khó mà ông phải chịu đựng kiếp sống bụi đời trên hè phố của thủ đô Washington. Edward cho biết: “Tôi chỉ viết được có sáu trang đầu và sáu trang cuối của cuốn sách rồi cắn bút không biết mình nên viết thêm những gì”.
Cuối năm 2002, sau năm tuần trở về nghỉ ngơi tại nhà người dì ở bang Virginia, cảm hứng viết lách lại trở lại trong đầu óc của Edward khiến ông cầm bút viết một mạch. Chỉ trong vòng hai tháng rưỡi, cuốn sách có tựa đề "The Known World" đã hoàn thành. Cuốn sách khi được nhà xuất bản Harper Collins phát hành vào tháng 8/2003 không mấy thu hút sự quan tâm của độc giả. Các cuộc tranh luận về cuốn sách này cũng không gay gắt như những cuộc tranh luận xảy ra đối với cuốn sách "Lost in the City”.
Không thất vọng, Edward cố tìm một việc làm để chuẩn bị cho mình một cuộc sống khác. Thế nhưng, vào tháng 3/2004, số phận đã mỉm cười với Edward khi cuốn sách The Known World của ông được chọn để trao giải văn chương Pulitzer cao quý.
Giờ đây khi mà Edward P. Jones đã được biết tiếng khắp nước Mỹ và điện ảnh Hollywood đang thương lượng mua bản quyền cuốn sách "The Known World" để dựng thành phim, thì mong ước của Edward là làm cho tác phẩm của mình được biết tiếng không những ở nước Mỹ mà khắp thế giới. Edward giải thích: “Nạn nô lệ, đó là nỗi đau không những của người Mỹ mà là cả của nhân loại. Đó là quá khứ của nước Mỹ và là hiện tại của nhiều quốc gia khác trên thế giới”. Đó cũng là lý do tại sao Edward P. Jones chỉ viết được có sáu trang đầu và sáu trang cuối của cuốn sách mà không nối kết được các suy nghĩ của mình trong suốt một thời gian dài
http://www.cand.com.vn/