Chùa Bút Tháp
ẢNH: LÊ BÍCH
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, Bắc Ninh cần làm các quy hoạch di tích và dựa trên đó để thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Nguồn lực lệch ở chùa Dạm
TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học, đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng câu chuyện cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh). “Cho dù chức năng cột đá cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai, nhưng với thời gian gần 1.000 năm chịu tác động của thời tiết vì không có mái che nên đã hỏng mất nhiều phần của đôi rồng. Như vậy, trong tương lai, cần gắn chắp phần vỡ này với hiện vật gốc... Cũng nên làm mái che toàn bộ cột đá. Về tổng thể, nhà mái che phải bảo đảm không phá vỡ cảnh quan chung của công trình bảo tồn”, ông Hiệp nói và cho rằng không chỉ cột đá chùa Dạm đang xuống cấp, các hố khai quật cũng chịu cảnh tương tự, đứng trước nguy cơ sạt lở.
Tuy nhiên, cũng tại hội thảo Kinh nghiệm phát huy giá trị di tích tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (tổ chức ngày 5.10 tại Bắc Ninh), thông tin được đưa ra còn cho thấy phần chùa mới xây dựng lại rất to lớn, đẹp đẽ. “Vấn đề là khi xã hội hóa thì người ta thích đóng góp cho việc xây chùa chứ không muốn đóng cho việc bảo tồn khai quật khảo cổ. Trong khi đó, bảo tồn khai quật sẽ tăng thêm giá trị văn hóa cho chùa Dạm rất nhiều”, PGS-TS Đặng Văn Bài nói.
Theo Th.S Đỗ Thị Thủy (Phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Bắc Ninh), tỉnh này có số tiền tu bổ di tích từ nguồn xã hội hóa lớn hơn rất nhiều so với tiền từ ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, tiền ngân sách nhà nước cho di tích năm 2018 là 26 tỉ đồng, trong khi chỉ riêng tiền xã hội hóa để tôn tạo chùa Dạm đã lên tới 200 tỉ đồng. Chùa Phật Tích (Tiên Du) có tiền công đức tu bổ hàng nghìn tỉ đồng. Đình Đoan Bái (Gia Bình) có tiền công đức tu bổ trên 10 tỉ đồng. “Đặc biệt, cụm đình - đền - chùa Tướng Quốc (Yên Phong) có công đức tu bổ 5.000 tỉ đồng”, bà nói.