Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
665
123.243.667

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhà thờ Đức Bà Paris, gần ngàn năm thăng trầm cùng lịch sử nước Pháp
Suốt nhiều thế kỷ qua, nhà thờ Đức Bà Paris vẫn hiển hiện đầy kiêu hãnh giữa kinh đô ánh sáng ẢNH: REUTERS Được xây dựng từ thế kỷ 12, trải qua 856 năm tồn tại, nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những biểu tượng văn hóa được công nhận rộng rãi nhất không chỉ của thủ đô nước Pháp mà còn của cả thế giới.

 

 

Trong gần 9 thế kỉ qua, nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) vẫn sừng sững giữa đảo Ile de la Cite bên dòng sông Seine thơ mộng, chứng kiến những thăng trầm của lịch sử nước Pháp, trở thành niềm cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc họa và đón hàng chục triệu du khách ghé thăm mỗi năm. Trong khi nước Pháp và cả thế giới đang cầu nguyện cho nhà thờ lịch sử nói trên, hãy cùng nhìn lại chặng đường phát triển của một trong những nhà thờ Công giáo lớn nhất châu Âu.

 

 

Chứng nhân lịch sử của nước Pháp

 

Năm 1160, dưới thời vua Louis VII, Maurice de Sully trúng cử giám mục Paris. Cùng với các tu sĩ, Maurice de Sully đã có một quyết định quan trọng: xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ này sẽ thờ Đức Mẹ và theo phong cách kiến trúc Gothic. Sau ba năm hình thành ý tưởng, năm 1163, viên đá đầu tiên xây nên công trình vĩ đại này đã được đặt trên nền đất Ile de la Cite dưới sự chứng kiến của Alexander III và vua Louis VII. Trải qua quá trình xây dựng hơn một thế kỷ, nhà thờ Đức Bà chính thức được hoàn thành vào năm 1350 và trở thành một trong những niềm tự hào của người dân nước Pháp suốt hàng trăm năm qua.

856 năm tồn tại và phát triển, nhà thờ vẫn sừng sững giữa Paris hoa lệ, trở thành chứng nhân lịch sử của thành phố, chứng kiến bao cuộc đổi thay của lịch sử đất nước. Công trình vĩ đại này đã thoát khỏi nguy cơ bị hủy diệt trong cuộc Cách mạng Pháp, nguyên vẹn vượt qua súng đạn của hai cuộc chiến tranh thế giới, trải qua nhiều cuộc tấn công và tàn phá đến từ các thế lực cực đoan.

 

Biết bao sự kiện trọng đại của lịch sử nước Pháp đã diễn ra tại nơi đây. Năm 1431, vua Henry VI đã được trao vương miện tại nhà thờ nói trên. Địa danh này cũng chứng kiến sự lên ngôi của Napoléon với tư cách là Hoàng đế nước Pháp vào năm 1804. Giáo hoàng Pius X đã phong chân phước cho Joan of Arc, nữ anh hùng người Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh, tại nhà thờ Đức Bà vào năm 1909. Tướng Charles de Gaulle đã tham dự một Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà khi người Pháp tổ chức lễ giải phóng Paris khỏi Đức quốc xã năm 1944. Đây là nơi tổ chức đám cưới hoàng gia và là nơi tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho cựu Tổng thống Francois Mitterrand. Năm 1970, tang lễ của cựu Thủ tướng Pháp Charles De Gaulle cũng được cử hành tại nhà thờ này.

 
Đã có vô số tác phẩm nghệ thuật liên quan đến địa danh nổi tiếng này được ra đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris (tựa gốc: Notre-Dame de Paris) của đại văn hào Victor Hugo. Về sau, cuốn tiểu thuyết kinh điển này đã được chuyển thể thành hàng chục bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình, xuất hiện trên các sân khấu nhạc kịch, nhạc giao hưởng… và trở thành một trong những tuyệt tác đáng tự hào của văn học nước Pháp.

 

Oằn mình với những cuộc phá hoại trong quá khứ

 

 

Trong cuộc Cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ 18, nhiều kho báu trong nhà thờ đã bị phá hủy hoặc cướp mất. Trong đó, 28 bức tượng của các vị vua trong Kinh thánh nằm ở khu vực mặt tiền phía tây đã bị nhầm lẫn với những bức tượng của các vị vua Pháp, đã bị chặt đầu. Nhiều đầu tượng sau đó đã được tìm thấy trong một cuộc khai quật gần đó vào năm 1977 và đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Trung cổ. Cũng trong giai đoạn này, các bức tượng lớn khác bên ngoài mặt tiền (ngoại trừ tượng Đức Trinh Nữ Maria trên cổng nhà thờ) đều bị phá hủy. Nhà thờ lúc bấy giờ được sử dụng làm nhà kho lưu trữ thực phẩm và phục vụ các mục địch phi tôn giáo khác.

 

Vào đầu thế kỷ 19, nhà thờ bắt đầu hoạt động nhưng nhanh chóng bị hủy hoại một nửa bên trong và bị đập phá khắp nơi. Năm 1831, khi cuốn tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn Victor Hugo được xuất bản bằng tiếng Anh và tạo được thành công vượt bậc, nhà thờ Đức Bà Paris ngày càng được công chúng quốc tế biết đến, tạo điều kiện cho cuộc trùng tu về sau.

Năm 1844, vua Louis Phileppe đã ban lệnh khôi phục nhà thờ và công cuộc trùng tu này kéo dài 25 năm. Trong đó, các cửa sổ hoa hồng đã được phục hồi, ngọn tháp ban đầu đã được trang trí tỉ mỉ, công phu hơn trước. Trong thời gian giải phóng Paris vào tháng 8.1944, nhà thờ phải chịu một số thiệt hại nhỏ từ đạn lạc. Một số kính thời trung cổ đã bị hư hại và được thay thế bằng kính với các thiết kế trừu tượng hiện đại. 

 

Năm 1963, theo sáng kiến của Bộ trưởng văn hóa André Malraux và để kỷ niệm 800 năm của nhà thờ, mặt tiền đã được làm sạch, khôi phục lại màu trắng nguyên bản của công trình này. Theo BBC, nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới mà không chịu bất cứ hư hại nghiêm trọng nào.

 

Di tích hơn 800 năm suýt đứng trước nguy cơ tan thành mây khói

 

 

Ngày 15.4 (giờ địa phương), cả nước Pháp bàng hoàng trước tin công trình kiến trúc hàng trăm tuổi của họ đang có nguy cơ bị lửa thiêu rụi. Hơn 500 lính cứu hỏa đã làm việc cật lực để đưa công trình vĩ đại này thoát khỏi thảm họa sụp đổ sau hơn 8 thế kỷ đứng vững trên đất Paris. Hiện cấu trúc bằng đá của nhà thờ đã thoát khỏi tình trạng nguy cấp. Ông Jean-Claude Gallet, lãnh đạo lực lượng cứu hỏa Paris cho biết hai tòa tháp của nhà thờ Đức Bà đã được giải cứu, phần cấu trúc chính của nhà thờ cũng được giữ lại và có khả năng khôi phục. Hiện cơ quan chứng năng vẫn tích cực làm việc để làm nguội bên trong nhà thờ đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vụ hỏa hoạn kinh hoàng trên.

 

Theo trang web của nhà thờ Đức Bà Paris, bên cạnh ngọn tháp Gothic đã bị ngọn lửa hung tàn thiêu cháy rụi, nhiều bảo vật quý giá đã được kịp thời giải cứu. Nhiều kiến trúc độc đáo của nhà thờ vẫn còn hoạt động. Đặc biệt, các thánh tích của Chúa gồm Thánh giá, một chiếc đinh và Vương miện gai vẫn còn nguyên vẹn. Đức ông Patrick Chauvet, quản đốc của Nhà thờ Đức Bà Paris trả lời Reuters rằng vương miện bằng vàng và áo choàng của vua Saint Louis, đã được cứu khỏi trận hỏa hoạn.

Khi hỏa hoạn xảy ra, lính cứu hỏa đã nỗ lực tháo nhiều bức tranh quý giá ra ngoài để tránh những tổn thất về mặt nghệ thuật, lịch sử. Một trong những điều may mắn của nhà thờ là nơi đây đang trong quá trình trùng tu nên nhiều tượng đồng đã được dỡ đi trong tuần trước. Tuy nhiên, mái vòm nổi tiếng của nhà thờ với những ô kính hoa hồng nổi tiếng cùng các máng xối bằng đá được chạm khắc công phu đã bị thiêu rụi trong ngọn lửa.

 

Các quan chức đang trong quá trình nỗ lực gây quỹ lớn để cải tạo nhà thờ chống lại hàng thế kỷ suy tàn, xuống cấp với lưu lượng hơn 12 triệu du khách mỗi năm. Các nhà bảo tồn Pháp và Tổng giáo phận tuyên bố vào năm 2017 rằng việc cải tạo cần thiết cho sự toàn vẹn cấu trúc của tòa nhà có thể tốn tới 112 triệu USD để hoàn thành. Sau trận hỏa hoạn lịch sử, con số này sẽ còn tăng lên gấp bội. Trong một thông báo mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ làm tất cả để khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris.

 

 

Thanh Tuyền - TN0
Tin tức khác