Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.818 tác phẩm
2.758 tác giả
435
122.817.669

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM ‘bó tay” với cách vệ sinh bảo vật quốc gia bằng nước rửa chén
Vườn Xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí là bảo vật quốc gia ẢNH: QUỲNH TRÂN Thông tin kiệt tác Vườn Xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí được vệ sinh bằng nước rửa chén gây sốc cộng động mạng và giới mỹ thuật. Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng bàng hoàng: “Tôi bó tay với việc làm này…”.

 

 

Danh họa Nguyễn Gia Trí bắt đầu vẽ kiệt tác Vườn Xuân Trung Nam Bắc từ năm 1969 cho đến tận… năm 1989 mới hoàn thành. Bức tranh có kích thước khá lớn: 540cm x 200cm, nội dung mô tả không khí náo nức và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, đi dự hội xuân giữa chùa chiền và cây cối hoan ca xung quanh… như lời nguyện cầu cho thái bình và hạnh phúc.

 

Được xem là tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại VN và độc bản, đây còn là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí, như: thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, kích thước lớn nhất và là tác phẩm sáng tác cuối cùng của danh họa. Đặc biệt phần chữ ký tác giả ở bên phải bức tranh rất có giá trị nên tại đợt 2 năm 2013, Chính phủ đã ra quyết định công nhận bức tranh Vườn Xuân Trung Bắc là bảo vật quốc gia. Năm 1996, UBND TP.HCM cũng nhanh chóng trích ngân sách 600 triệu đồng của thời “thắt lưng buột bụng”, để mua về trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hành động này từng khiến dư luận phải "tranh cãi" nảy lửa dữ dội một thời, đủ nói lên sự quan tâm của các lãnh đạo TP.HCM trong việc gìn giữ một báu vật quốc gia.

 

Tuy nhiên gần đây, bức tranh bị xuống sắc do trong quá trình bảo quản chưa phù hợp và chịu ảnh hưởng của ánh sáng trực tiếp trong quá trình trưng bày, tham quan nên Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM mới mời nghệ nhân sơn mài Lưu Minh Phụng làm vệ sinh tranh. Báo cáo của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gởi Bộ trưởng Bộ VH-TT- DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VH-TT- DL Lê Quang Tùng về nội dung kiểm tra công tác bảo quản bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM cho biết: Nghệ nhân sơn mài này đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức hư hại khá nhiều cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của bức tranh bảo vật quốc gia.

 
 

 

 

Theo ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: “Việc vệ sinh tùy tiện sai cả qui trình lẫn phương pháp. Ai đời một bảo vật quốc gia, tranh của danh họa nổi tiếng của Việt Nam mà lại mang hóa chất đổ lên trên ấy rồi chà bằng giấy nhám thì còn gì là tác phẩm tuyệt tác nữa. Cách làm phản khoa học này tôi cũng không ngờ tới luôn. Dù rằng trong quá trình làm tranh, tô màu…một số tác giả có thể mài để lớp màu được hiển thị theo ý muốn chồng lớp của họ. Còn khi tác phẩm hoàn thành rồi thì sao ứng xử thô bạo như vậy được.”.

 

Theo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thì phần hồn và vật chất của bức tranh đều bị hư hại

Cũng theo ông Huỳnh Văn Mười, sau khi có thông tin bức tranh xuống cấp, Sở VH – TT TP.HCM có mời ông và một số nhân vật có tên tuổi tại TP.HCM xuống xem thực trạng, thì thấy tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí đã thiệt hại nhưng biết làm sao đây. “Tiếc là trước khi tiến hành làm vệ sinh cho tranh, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM không mời các chuyên gia đầu ngành để cùng làm. Tại sao không mở rộng nhiều thành viên là những người có chuyên môn giỏi, trong khi TP thiếu gì chuyên gia?. Tại sao không có Trưởng khoa sơn mài Trường ĐH Mỹ thuật trong hội đồng?. Mọi người cùng định bệnh rồi lên ‘phác đồ” điều trị căn bệnh cho bức tranh theo từng công đoạn và cùng chịu trách nhiệm thì hay hơn chứ, giờ sửa chữa, lau chùi tùy tiện và chẳng có ai giám sát như vậy đã làm hư hỏng bảo vật quốc gia là điều quá đau xót”, ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ.

Đối với nội dung văn bản của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm gởi Bộ VH - TT- DL yêu cầu Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt là với bảo vật quốc gia, ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Ứng xử với một bảo vật quốc gia như thế mà chỉ rút kinh nghiệm, không ai phải chịu trách nhiệm là chưa thỏa đáng. Theo tôi, một TP thông minh thời kỳ 4.0 thì phải sống và làm việc theo pháp luật chứ không thể cứ làm sai rồi kiểm điểm, rút kinh nghiệm xong là thôi được đâu.”

 

Lê Công Sơn - TN0
Tin tức khác