Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
670
123.243.436

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thành cổ Nam bộ: Cuộc chiến ở thành Phụng
Bản vẽ phối cảnh thành Phụng và khu trung tâm Gia Định của đại úy hải quân Pháp Favre vào năm 1881 ẢNH TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ Sau khi dẹp loạn Lê Văn Khôi năm 1835, cho rằng thành Bát Quái (thành Gia Định) to lớn có thể là nơi cát cứ của quan lại người Nam bộ, vua Minh Mạng đã cho phá bỏ thành này và xây dựng một thành nhỏ hơn ở kế đó.

 

 

Thành nhỏ hơn này còn gọi là thành Phụng. Sự kiện này được Đại Nam thực lụcghi chép như sau:

“Tháng 10 năm 1836, xây đắp lại tỉnh thành Gia Định (ở thôn Hòa Mỹ, huyện Bình Dương). Trước đây, nghịch tặc đã yên, bộ Công bàn, cho rằng thành cũ cao rộng quá, nghĩ nên giảm bớt đi cho hợp với thể chế. Sai giám thành hội với tỉnh thần cùng xem địa thế rồi chuẩn cho dời đặt ở góc đông bắc thành cũ (địa thế nơi này vuông và ngay ngắn, tả hữu hơi bằng phẳng, phía trước thấp, phía sau cao. Tiền giang sâu rộng, nước chảy uốn quanh ôm lấy). Trước vì việc lấp hào còn bận rộn nên hoãn lại; đến bây giờ mới sắc sai bộ đưa kiểu mẫu đã ấn định, điều động quân và dân 4 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, 10.000 người, khởi công xây đắp… lại sai Tổng đốc Long Tường là Đoàn Văn Phú hiệp cùng với Tổng đốc Định Biên là Nguyễn Văn Trọng trông nom công việc, khởi công nhằm thượng tuần tháng 11 (1836)… Vua dụ rằng: “Phen này xây đắp, việc là sửa sang chốn biên cương. Phải động dụng đến sức người cũng là sự bất đắc dĩ…”.

 

Được 2 tháng, thành xây xong”.

Thành Phụng hình vuông, có kích thước khoảng 600 x 600 m. Năm 1859, Pháp tấn công Gia Định và chiếm được thành. Các vị quan trấn giữ thành là Án sát Lê Tứ, Hộ đốc Vũ Duy Ninh tự vẫn.

Sau khi chiếm được thành, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy một số công trình của thành Phụng. Sau đó, quân Pháp dùng thành Phụng làm bàn đạp tiến đánh chiếm đồn Kỳ Hòa, rồi tiến đánh chiếm các nơi lân cận… dẫn đến Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, theo đó triều đình Tự Đức nhượng ba tỉnh miền Đông và sau đó là ba tỉnh miền Tây cho Pháp. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của thành Gia Định trong việc phòng thủ.

 

Bài học lịch sử

Thành Phụng bị xóa sổ vào thời gian nào hiện chưa rõ, có tài liệu cho rằng vào năm 1861 sau khi người Pháp xâm chiếm Sài Gòn. Tuy nhiên, căn cứ vào bản vẽ phối cảnh của đại úy hải quân Pháp Favre vào năm 1881, thành Phụng vẫn còn tồn tại và đây là bức phối cảnh sinh động, thể hiện đầy đủ các công trình kiến trúc ở khu trung tâm và là nguồn tư liệu duy nhất hiện nay để chúng ta hình dung được hình ảnh của ngôi thành này. Căn cứ vào bản đồ và không ảnh của người Pháp, hiện chúng ta cũng chỉ xác định nó nằm trong phạm vi giới hạn của các đường: Nguyễn Du (nối dài xuống khu Văn phòng Chính phủ - Vụ công tác phía nam), Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) ngày nay.

 

Theo dõi diễn biến lịch sử, có thể thấy chính sách của vua Minh Mạng có phần hơi cực đoan đối với vùng đất Nam bộ. Những ảnh hưởng cực kỳ lớn lao của các quan đại thần có nguồn gốc xuất thân từ Nam bộ đã khiến Minh Mạng cho rằng nếu muốn tập trung quyền lực cần phải giảm sự ảnh hưởng của những thế lực này và không duy trì thành Gia Định quá lớn. Giận dữ vì đã phải mất gần 3 năm trời dẹp loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng và quần thần đã cáo buộc các đại thần Nam bộ “tiếm lạm”, “vượt quyền”… trong việc xây dựng thành Gia Định bề thế, kiên cố với âm mưu làm nơi cát cứ. Thực tế lịch sử với các ghi chép, cả những quy định mang tính điển lệ về quy thức xây dựng thành, ta thấy quy mô thành Gia Định thế nào vốn không phải theo ý muốn chủ quan của các quan Tổng trấn và đại thần các dinh trấn vùng đất Nam bộ, mà nơi đây vốn được xây dựng với mục đích là thành trì quan trọng, góp phần quyết định để chở che và là hậu vương vững chắc giúp cho họ Nguyễn lấy lại được giang sơn.

 

Khi thu nhỏ còn bằng 1/3 so với thành Gia Định trước đây, thành Phụng đã gần như hết vai trò lịch sử với tư cách là một thành lũy quân sự. Không tốn nhiều súng đạn, thành Phụng đã nhanh chóng bị người Pháp đánh phá và chiếm giữ chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Đây là một điều đau lòng đối với lịch sử dân tộc; cũng từ thất bại này, sau đó là trận đại chiến Đồn Kỳ Hòa thất bại, toàn cõi Nam bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Nguyên nhân quan trọng bên cạnh sự thất bại mang tính tất yếu của lịch sử về sự suy tàn của chế độ phong kiến trước âm mưu của thực dân đế quốc, thì việc triệt hạ hệ thống thành trì, kìm kẹp vùng đất Nam bộ từ thời vua Minh Mạng trở đi cũng là một trong những nguyên nhân mang tính quyết định cho sự sụp đổ của triều Nguyễn. (còn tiếp)

 

Lương Chánh Tòng - TN0
Tin tức khác