Phượng Khấu xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu (còn được gọi với tôn hiệu Từ Dụ hoàng thái hậu), bên cạnh khai thác những câu chuyện tranh đấu hậu cung dưới thời vua Thiệu Trị (1840 - 1847), do nhóm Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi viết kịch bản. Không phải là những câu chuyện “mưu sâu kế bẩn”, Phượng Khấu đi vào những câu chuyện cho thấy việc giải quyết mối quan hệ gia đình Việt, việc muốn trở thành người chồng tốt của một ông vua, việc giải quyết việc gia đình cũng là một phần của việc trị quốc bình thiên hạ.
200 bộ trang phục cho 97 nhân vật
Trong buổi tọa đàm Cổ phục Việt - từ đời sống đến điện ảnh và các vấn đề về cứ liệu lịch sử của dự án phim Phượng Khấu diễn ra ngày 8.8 tại Hà Nội, GS Lê Văn Lan, cố vấn lịch sử của bộ phim, cho rằng nhà làm phim đã khôn khéo khi lựa chọn khoảng thời gian 7 năm trị vì của vua Thiệu Trị. “Một trường độ thời gian vừa phải nhưng lại tinh kết những vấn đề từ vua Gia Long là ông nội của Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) đến vua Minh Mạng là cha của ông, chứa đựng cả những vấn đề của vua Tự Đức cho đến các vị vua đời sau là con, là cháu. Khúc thời gian được lựa chọn cũng ứng với những kết tinh, kết quả của việc nghiên cứu cổ phục Việt”, GS Lê Văn Lan nói. Ông cũng là người đảm nhận vai trò “giám sát” trang phục của Nghi Thiên Chương hoàng hậu trong phim, từ khi bà là cô gái của con quan thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng nhập cung lúc mới 13 tuổi, cho đến khi lọt vào mắt xanh của hoàng tử Miên Tông và lúc trở thành hoàng hậu.
Nghi Thiên Chương hoàng hậu là 1 trong 97 nhân vật trong phim. 200 bộ trang phục được sử dụng trong 6 tập phim. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, kinh phí thực hiện 6 tập phim khoảng 12 tỉ đồng, trong đó trang phục chiếm tới 45%. Công ty Ỷ Vân Hiên và nghệ nhân Vũ Kim Lộc đảm nhận vai trò nghiên cứu, thiết kế, thực hiện trang phục cho phim với tôn chỉ “tiệm cận gần nhất với lịch sử”.
“Có người hỏi tôi vì sao phim giải trí mà lại cầu kỳ về trang phục như thế. Tôi nghĩ rằng chính trang phục là yếu tố thể hiện rõ nét những đặc sắc, tinh hoa trong văn hóa thời Nguyễn”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết. Theo đó, có những nhìn nhận chưa đúng về những nhân vật lịch sử, cũng như giá trị văn hóa triều Nguyễn. “Bộ phim được thực hiện cũng xuất phát từ điều đó và cho thấy cái đẹp, cái hay của ông bà mình. Chúng ta cần nghiêm túc và đàng hoàng khi nói về lịch sử”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
Để người Việt hiểu cổ phục Việt
Chiếc áo nhật bình (thường phục của hoàng hậu, công chúa... trong cung đình nhà Nguyễn) được cho là của Bà chúa Nhất - Mỹ Lương công chúa (chị của vua Thành Thái) mới được đưa về VN sau một cuộc đấu giá tại Mỹ đã thu hút sự chú ý của nhiều người tham gia buổi tọa đàm. Đây là một trong những hiện vật gốc mà Công ty Ỷ Vân Hiên đã tiếp cận trong quá trình nghiên cứu cổ phục Việt. “Chúng tôi nhận được nhiều giúp đỡ của các nhà nghiên cứu, sưu tập để tiếp cận với các nguồn tư liệu, hiện vật gốc. Chẳng hạn, với trang phục cung đình Huế, chúng tôi đã được tiếp cận với trang phục từ của tầng lớp bình dân đến giới quý tộc, có những trang phục, hiện vật cung đình có thể nói là độc bản. Dựa trên đó, chúng tôi nghiên cứu về chất liệu, phom, dáng, kỹ thuật chế tác”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên, chia sẻ.
Cùng với việc tiếp cận hiện vật gốc, đến di tích, làng nghề, tra cứu các nguồn tư liệu, những nhà nghiên cứu cổ phục còn tìm đến những nhân chứng sống. Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng, năm nay đã 97 tuổi cũng là người lo việc khăn áo của Từ Cung hoàng thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) là vị khách đặc biệt của tọa đàm, và cũng là cố vấn đặc biệt của Công ty Ỷ Vân Hiên. Giám đốc Nguyễn Đức Lộc cho biết, Ỷ Vân Hiên vẫn tìm đến mệ cũng như những nghệ nhân là những nhân chứng sống để nhờ đánh giá, góp ý cho những bộ trang phục làm ra, cũng như để được họ truyền đạt lại kỹ thuật.
6 tập đầu tiên của Phượng Khấu dự kiến sẽ đến với khán giả trong dịp đầu năm 2020 trên các kênh truyền hình, xem phim trả tiền, sau đó sẽ được công chiếu rộng rãi trên kênh YouTube. “Điện ảnh là kênh tiếp cận dễ nhất để người Việt hiểu sử Việt và yêu cổ phục Việt”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói. Ông Nguyễn Đức Lộc còn cho rằng: “Từ những ứng dụng trong điện ảnh, sân khấu, chúng tôi mong đưa cổ phục trở lại. Và người Việt hiểu đúng, đủ về trang phục Việt”.
“Chúng tôi không dám nói phục dựng, phục chế cổ phục vì để làm như vậy phải có tuân theo sự chuẩn mực về kỹ thuật, may, dệt, chất liệu...”, ông Nguyễn Đức Lộc cho hay. Hiện nay, do trong nước còn thiếu nên nguyên liệu làm cổ phục còn phải nhập cả từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, “nhưng dù thế nào, những sản phẩm vẫn cần có bàn tay của người thợ Việt và thể hiện tinh thần của người Việt” như lời Giám đốc Nguyễn Đức Lộc.