Tiểu thuyết đầu tay Hành trình đến tận cùng đêm tối ngay lập tức đưa ông lên vị trí ngôi sao trong văn đàn, đến nay vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thế kỷ 20.
Ấy vậy mà kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông, năm 2011, người ta tuyên bố tên ông không nằm trong danh sách 500 Biểu tượng văn hóa Pháp. Trong câu cửa miệng của người Pháp, ông được gọi là "một thiên tài và một thằng vô lại".
Ông ủng hộ chủ nghĩa phát xít nhiệt thành và là người bài Do Thái triệt để. Nhưng cũng chính ông, trong bữa ăn tối ở Đại sứ quán Đức tại Paris vào tháng 2-1944, đã khăng khăng khẳng định trước mọi quan khách rằng Hitler thật thực ra đã chết và lãnh tụ của Đức quốc xã hiện nay là một Hitler giả do một người Do Thái đóng thế.
Năm 2017, cả nước Pháp và các cộng đồng Do Thái dậy sóng, lao vào cuộc tranh luận "xuất bản hay không xuất bản" những trước tác bài Do Thái của ông. Ngay cả trong việc bài Do Thái, Céline cũng gặp phải một sự ngược đời: ông bài Do Thái cực đoan đến mức bị chính viên sĩ quan phụ trách tuyên truyền của phát xít Đức tại Pháp coi là phản cảm.
Bởi lẽ thế, cụm từ gắn liền với tên tuổi của một nhân vật đầy tranh cãi như Céline có lẽ và sẽ mãi mãi là: một thiên tài cực đoan.
Chết chịu tác phẩm thứ hai gần 600 trang, xuất bản năm 1936 của Céline, là một minh chứng cho sự cực đoan trong văn chương: với những cách tân táo bạo về mặt hình thức, với sự phá vỡ ngôn ngữ viết truyền thống, với chủ nghĩa hư vô và phủ nhận sạch trơn đời sống, với thứ ngôn ngữ thô tục và những lộng ngôn kịch cỡm, ông tạo dựng nên một Paris với những ngõ ngách bẩn thỉu và đen tối.
Chết chịu và Hành trình đến tận cùng đêm tối có nhiều điểm chung mà phần lớn độc giả coi Chết chịu là phần tiếp theo của Hành trình.
Nếu Hành trình mở đầu bằng việc nhập ngũ tham gia Thế chiến thứ nhất của Ferdinand Bardamu, lần theo nhân vật chính qua những cuộc phiêu lưu ở châu Phi, Mỹ, cuối cùng là cuộc hồi hương về làm bác sĩ ở Paris, thì Chết chịu gần như tiếp nối câu chuyện với nhân vật Ferdinand giờ đây cũng là bác sĩ ở những khu ổ chuột của kinh đô ánh sáng, là cựu quân nhân có vết thương ở đầu sau khi tham gia Thế chiến khiến anh lúc nào cũng gặp hoang tưởng.
Tuy nhiên sau đoạn mở đầu giới thiệu nhân vật chính, với rất nhiều nhảy cóc về thời gian đi phiêu lưu về các miền ký ức khác nhau, Chết chịu sau đó phần lớn tập trung vào tuổi ấu thơ của nhân vật Ferdinand ở Paris vào cái thời được gọi là Belle Époque - Thời kỳ tươi đẹp.
Căn cứ vào những yếu tố tự thuật đậm đặc, độc giả rất dễ nhận thấy vị bác sĩ Louis Ferdinand Auguste Destouches (tên thật của Céline) đã rút tỉa từ cuộc sống thực của chính mình để đổ ụp vào văn chương.
Trong khi đó, Ferdinand của Chết chịu là một nhà văn với rất nhiều tiểu thuyết được xuất bản, thậm chí một nhân vật trong truyện còn đọc cả tác phẩm Hành trình. Vì thế, rốt cuộc có thể nói, Ferdinand là phân thân của tác giả, lần lượt xuất hiện làm nhân vật trong hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Bởi thế mà dịch giả Ralph Manheim lừng danh, người đã chuyển ngữ Chết chịu sang tiếng Anh, coi nó chỉ là tiểu thuyết trên danh nghĩa, đúng hơn phải gọi nó là "những tự thú được sáng tạo".
Céline đã lấy nhiều chi tiết trong ấu thơ của mình đưa thẳng vào tiểu thuyết: một gia đình nghèo đói nợ nần luôn ngấp nghé bờ vực phá sản với một bà mẹ buôn bán đồ đăng ten trong một cửa hàng nhỏ ở một ngõ nhỏ Paris, với ông bố làm cho công ty bán bảo hiểm.
Từ những dữ liệu tự thuật ấy, Céline, bằng bàn tay của một phù thủy ngôn ngữ, đã dựng nên một thế giới tuổi thơ dữ dội đầy bạo lực, ở cái ngõ Bérésinas những năm đầu thế kỷ 20, "chốn tù đọng hôi thối không thể tưởng tượng nổi. Đây là nơi được tạo ra cho người ta chết từ từ nhưng chắc chắn, giữa cứt đái của người và của chó, những bãi khạc nhổ và khí gas rò".
Hơn 600 trang sách khổ lớn không phân chia chương hồi, nhưng theo các nhà phê bình, Chết chịu có thể được phân thành 8 phần nhỏ: phần mở đầu giới thiệu Ferdinand của hiện tại, một bác sĩ kiêm văn sĩ, chuyên khám bệnh không công cho người nghèo, khinh bỉ họ cùng cực, gần như điên loạn vì liên tục nghe thấy đủ loại tạp âm trong đầu.
Phần về cuộc sống của Ferdinand lúc còn nhỏ cho đến khi tốt nghiệp tiểu học, quãng 1905, lúc cậu bé tầm 11 tuổi, thường xuyên bị rủa xả và đánh đập trong một gia đình luôn phải chạy đôn chạy đáo kiếm miếng ăn độ nhật. Giai đoạn vào đời với việc chạy chọt kiếm việc, mà phần lớn là chạy việc vặt không công ở cửa hiệu bán ruy băng trang trí và cửa hiệu nạm kim hoàn rồi nhanh chóng bị sa thải.
Sang Anh học nội trú ở Trường Meanwell College hơn nửa năm, rồi trường đóng cửa. Quay lại Paris nỗ lực săn việc nhưng lông bông là chính, mâu thuẫn và đánh nhau với bố. Tìm được việc làm trợ lý cho nhà sáng chế Courtial des Pereires ở tòa báo Génitron cho đến khi tòa báo đóng cửa.
Đi về vùng ngoại ô Paris cùng nhà sáng chế và vợ của ông. Tham gia dự án ứng dụng khoa học vào nông nghiệp và thất bại thảm hại. Cuối cùng, quay trở lại Paris một mình, tuyệt vọng và quyết định nhập ngũ, vào khoảng năm 1911.
Vào cái thời kỳ được coi là đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật ấy ở châu Âu, cuộc sống của Ferdinand hiện lên đầy những túng bấn, bạo lực, tệ nạn, cùng quẫn với những chiếc hoa tai và đồng hồ thường xuyên đi ra tiệm cầm đồ, những bữa ăn lúc có lúc không, những phi vụ buôn bán thường xuyên thất bại của người mẹ tàn tật khi các ngành tiểu thương rơi vào chỗ lụn bại vì lỗi thời, với ông bố chật vật với tiến bộ thời đại, cụ thể ở đây là máy đánh chữ, với ông - nhà sáng chế tin vào khí cầu để rồi sự ra đời của máy bay là chấm dứt cho sự nghiệp của ông.
Tất cả đều bị tiến bộ thời đại đè bẹp và đào thải, đẩy một tầng lớp người bị kẹt lại trong kiệt quệ.
Những tưởng câu chuyện như vậy thì văn chương của Céline sẽ nằm gọn đẹp trong trường phái hiện thực tố cáo xã hội (ông là nhà văn yêu thích của phe cánh tả). Nhưng không. Với quan niệm "Tôi không phải là con người của thông điệp, tôi không phải là con người của ý tưởng, tôi là con người của phong cách", Céline đã đẩy Chết chịu lên đỉnh cao bằng phong cách viết độc nhất vô nhị, một lối viết hiện đại hóa cả nền văn học Pháp.
Với ông, "Khởi đầu là cảm xúc, nơi động từ hoàn toàn vắng mặt", ông viết để chuyển tải cảm xúc, chứ không phải hiện thực. Và đó là thứ cảm xúc quẫn bách, tuyệt vọng, hoảng loạn không lối thoát, một sự hư vô và chán ghét đời sống đến cùng cực. Vào thời kỳ hoàng kim ở Paris, trong những ngõ nhỏ đó, những số phận trả góp cuộc đời mình để nhận phần thưởng cuối cùng là cái chết.
Céline viết bằng một thứ sinh ngữ quẫy đạp, gồm những từ ngữ thô kệch sống sít của đường phố, từ lóng của đủ mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là lớp người dưới đáy, những câu chửi thề, những từ vựng mô tả các hoạt động tính giao... Ông sáng chế một loạt từ vựng mới mà ông tự hào coi là cách mạng trong văn chương.
Đặt mình sánh ngang các họa sĩ của chủ nghĩa Ấn tượng hay các nhạc sĩ vĩ đại, những người tạo ra khác biệt lớn bằng việc khuấy đảo màu sắc và âm thanh, Céline xáo đổi trật tự ngôn từ, lén đẩy ngôn ngữ nói vào ngôn ngữ viết. Viết là để cho ngôn ngữ sống, bởi ngôn ngữ chết rất nhanh, và bởi thế, ông ban sự sống cho ngôn ngữ bằng cách cho nó sống khi ông sử dụng nó.
Con người của phong cách ấy còn thể hiện mình rõ qua những biện pháp lộng ngôn đến kệch cỡm, biến Chết chịu thành tiểu thuyết bợm nghịch đầy chất uy mua (humour), sánh vai cùng bậc thầy François Rabelais, thậm chí ông còn được coi là người mở đầu cho thể loại hài hước đen (humour noir trong tiếng Pháp).
Ranh giới giữa hiện thực và hoang tưởng trong tác phẩm luôn bị làm mờ. Biện pháp lộng ngôn còn được hỗ trợ nhờ các mô típ lặp đi lặp lại về bạo lực mà Ferdinand phải chịu đựng trong gia đình. Các nghịch cảnh bi đát trong Chết chịu (lẫn Hành trình), vì thế, đều được ông viết bằng một thứ văn chương hài hước đến lố bịch.
Điểm đặc biệt nhất về phong cách văn chương của Chết chịu có lẽ nằm ở dấu ba chấm. Đã xuất hiện tương đối nhiều ở tiểu thuyết đầu tay, nhưng đến Chết chịu thì dấu ba chấm mới thực sự trở thành một hình thức cách tân táo bạo.
Céline coi dấu ba chấm là tối cần thiết, ông đổ vào tiểu thuyết hơn hai mươi nghìn dấu ba chấm. Tác dụng của nó thì vô cùng: để mô phỏng sự trôi chảy liên tục của ngôn ngữ nói và của ý nghĩ, để tạo nên sự gián đoạn, nhưng đồng thời lại thúc đẩy mạch văn, những dấu ba chấm kích thích độc giả theo đuổi mạch văn như một dòng ý thức, thu hút trọn sự chú ý của người đọc.
Với Céline, văn chương là chuyến đi đến tận cùng con chữ. Dịch giả Dương Tường tâm sự rằng ông không đủ từ khi dịch Céline.
Đọc bản dịch tiếng Việt Chết chịu của ông, tôi nghĩ rằng lời thú nhận ấy thật khiêm nhường, bởi hiếm có một bản dịch nào lại thể hiện được vốn tiếng Việt dồi dào và phong phú đến như vậy.
Bản dịch Chết chịu ra đời, Dương Tường tuyên bố rửa tay gác kiếm. Theo cách đó, ông cũng đã chơi một cuộc chơi ngôn ngữ đến tận cùng.