Trước đó, tháng 5-2015 và tháng 4-2017, Văn phòng UBND TP đã có thông báo về việc định hướng xây dựng Bảo tàng TP tại khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, Q.9.
Lý do được đưa ra là: Bảo tàng TP.HCM mang tính chất tổng hợp về văn hóa - lịch sử; gắn liền với sự tồn tại và phát triển của khu vực Nam Bộ và lịch sử đất nước, con người Việt Nam.
Do đó, việc đầu tư xây dựng bảo tàng này tại khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc là phù hợp nhằm tạo sự kết nối để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa với các công trình khác như: khu tưởng niệm các vua Hùng, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ...
Những đặc trưng văn hóa của TP.HCM và khu vực phía Nam được quy tụ tại một quần thể.
Trước khi có thông báo trên, vào tháng 8-2011, Văn phòng UBND TP có thông báo thống nhất vị trí xây dựng bảo tàng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được UBND TP điều chỉnh, công trình Bảo tàng TP.HCM được bố trí tại lô đất có diện tích là 1,8ha.
Theo Sở Văn hóa - thể thao TP, diện tích khu đất này quá nhỏ không đủ để xây dựng công trình đảm bảo yêu cầu trưng bày theo đúng mục tiêu của bảo tàng; trong khi quy mô diện tích khu đất dự kiến xây dựng bảo tàng ở Q.9 là 8ha - cơ bản đáp ứng yêu cầu về không gian và tổ chức hoạt động của bảo tàng.
Trước câu hỏi liệu Bảo tàng TP.HCM có bất lợi gì không khi vị trí bảo tàng xây mới trong tương lai sẽ ở Q.9 chứ không phải ở khu đô thị Thủ Thiêm, bà Thu Huyền - giám đốc Bảo tàng TP.HCM - cho biết nội dung thay đổi này là do bảo tàng tham mưu cho Sở Văn hóa - thể thao để trình UBND TP.
"Thật ra vị trí Thủ Thiêm cũng có chút nhạy cảm, nhất là sau vụ nhà hát giao hưởng như mọi người đã biết. Với lại, trước đây khi có chủ trương xây bảo tàng ở Thủ Thiêm thì quy mô diện tích khác, về sau thì diện tích trên quy hoạch chỉ còn 1,8ha, so với bảo tàng hiện hữu ở đây là 1,3ha rồi. Như vậy, để xây một bảo tàng mới có quy mô và công trình có tính biểu trưng, thì diện tích đó là không đủ" - bà Huyền đưa lý do giống với Sở Văn hóa - thể thao TP.
Bà Thu Huyền cũng cho biết: "Về định hướng cho một bảo tàng tương lai, xem xét các mặt về giao thông, tuyến metro, kết nối với các khu du lịch... thì thấy hướng tương lai bảo tàng cũng thu hút được khách.
Trong khi đó, bảo tàng hiện nay (65 Lý Tự Trọng, Q.1) cũng vẫn còn hoạt động, nơi này sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày chuyên đề gắn với lịch sử văn hóa TP, tức là vẫn có nhiều sự kiện, và bản thân công trình cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật".