Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
666
123.242.550

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hiện tượng Xuân Trình của sân khấu
Cảnh trong vở Bạch đàn liễu do LucTeam dàn dựng tối 29-11 - Ảnh: T.ĐIỂU Tối 29-11, rạp Đại Nam (Hà Nội) không còn chỗ trống đã không ngừng tiếng vỗ tay khi vở kịch 'Bạch đàn liễu' của nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991) hạ màn.

 

 

Nhiều người lần đầu xem kịch Xuân Trình rất ngạc nhiên trước một vở kịch sắc sảo về quyền dân chủ của con người.

Sáng 30-11, tại hội thảo "Xuân Trình - nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới", các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà viết kịch cùng thời đều nhận định Xuân Trình là một tài năng sân khấu lớn và đặc biệt của sân khấu Việt Nam.

 

Vở kịch nằm trong bóng tối 46 năm

 

Bạch đàn liễu dưới tài năng dàn dựng kịch theo ngôn ngữ kịch ước lệ của đạo diễn Trần Lực đã rất cuốn hút người xem đương đại. Khán giả đã không ngừng cười chua xót và cả khoái chí với những lời thoại sắc sảo, gai góc mà tác giả đã viết lên từ gần 50 năm trước: "Hàng triệu người đã ngã và vẫn tiếp tục ngã xuống cho một đất nước hòa bình, độc lập, vì một chính quyền dân chủ. Nhưng những người mang danh cán bộ lại đang phá hoại chính quyền - cái cơ quan thiêng liêng mà nhiều người vẫn đang đổ máu để giành lấy...".

Năm 1973, đất nước vẫn còn chìm trong bom đạn chiến tranh, Xuân Trình mang đến một câu chuyện về sự mất dân chủ ở một làng quê, sự tha hóa của cán bộ và sự nhẫn nhịn chịu đựng của người dân đã dẫn đến bi kịch của một gia đình, của đôi lứa. Ở đó, phó chủ tịch xã nhũng nhiễu lộng hành gieo bao đau khổ cho dân nhưng ai nấy đều nhẫn nhịn, thỏa hiệp, những mong đổi lấy bình yên và thăng tiến cho con cháu. Chỉ duy nhất cô Liệu kiên quyết chọn đối mặt chống lại tiêu cực, chấp nhận trả giá cho sự đấu tranh đơn độc của mình...

Kịch bản sau khi hoàn thành đã được hai đạo diễn tài năng lúc bấy giờ là Đình Quang và Đoàn Bá dàn dựng, nhưng sau buổi tổng duyệt đã không thể đến với công chúng bởi cái tội "chửi cha chính quyền", tới tận bây giờ mới "ra sáng" sau 46 năm nằm trong bóng tối.

Qua vở kịch, Xuân Trình cất lên tiếng nói mạnh mẽ: Chính quyền dân chủ phải đổi bằng xương máu của hàng triệu con người, nhưng nếu tự mỗi người không ý thức được đầy đủ về nó thì "không ông Bao Công nào che chở được"; cam chịu, nhẫn nhịn sự ức hiếp, tiêu cực chính là biểu hiện của sự không tự ý thức được về quyền dân chủ của mình, đó là một thái độ tiêu cực và trong hoàn cảnh nhất định nó trở thành tội ác.

Giữa cái thời mà văn học nghệ thuật chỉ chủ yếu ngợi ca, những tuyên ngôn của Xuân Trình rõ ràng là gió nghịch chiều.

 

Trách nhiệm công dân của nhà viết kịch

 

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cũng như nhiều nhà nghiên cứu, nhà viết kịch, đạo diễn cùng thời với Xuân Trình khi nói về kịch của tác giả này đã không ngần ngại so sánh với Lưu Quang Vũ.

Theo ông Hiền, tài năng của Lưu Quang Vũ được chắp cánh bằng thái độ cởi mở của xã hội, của cách nhìn văn học nghệ thuật khách quan hơn, nên tài năng ấy đã thành "hiện tượng Lưu Quang Vũ". Trong khi đó, tài năng của Xuân Trình xuất hiện trước giai đoạn Đổi mới, với những trói buộc nhất định do hoàn cảnh lịch sử đã khiến những tác phẩm của ông trở thành "hiện tượng lận đận" trong đời sống sân khấu trong chiến tranh và bao cấp. 

Nhưng cả Xuân Trình và Lưu Quang Vũ đều là những tài năng lớn, nghệ thuật viết kịch của hai ông hoàn toàn khác nhau nhưng đều có chung phẩm chất của người nghệ sĩ lớn là trách nhiệm công dân trong trái tim nồng nàn trước cuộc sống, từ đó tác phẩm tràn đầy tính phản biện và dự báo.

Ông Lê Quý Hiền nhận định kịch Xuân Trình ăm ắp hiện thực đời sống đầy sinh động dưới ngòi bút của cây viết giỏi nghề cùng với sự nhạy cảm, tinh tế của đôi mắt phát hiện vấn đề từ một nhà báo thực thụ (ông là tổng biên tập tạp chí Sân Khấu - giám đốc NXB Sân Khấu từ năm 1983). Thế nhưng với hoàn cảnh lịch sử, chế độ bao cấp nhiều khi bao cấp cả tư duy khiến những góc nhìn mới, riêng biệt, độc đáo, mang nhiều tính phát hiện trong kịch của ông dễ bị coi là "có vấn đề".

Không chỉ Bạch đàn liễu, tác phẩm Ngôi nhà trong thành phố (1973), Hận thù từ đâu tới (1975) dù đã được dựng thành kịch nhưng không thể đến được với công chúng. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng sân khấu có một "hiện tượng Lưu Quang Vũ" sau Đổi mới, nhưng trước đó sân khấu còn có một "hiện tượng Xuân Trình" ngay trong chiến tranh chống Mỹ và bao cấp. Đáng tiếc rằng Xuân Trình đã mất sớm vào năm 1991, khi tài năng của ông đang ở độ chín nhất.

 

Đề xuất trao Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhà viết kịch Xuân Trình sinh tại Ý Yên, Nam Định. Ông có nhiều tác phẩm kịch khiến người trong giới rất vị nể, nhưng đồng thời cũng khiến ông gặp bao lận đận bởi cái nhìn của một thời như vở Mùa hè ở biểnNửa ngày về chiềuĐợi đến mùa xuânBạch đàn liễuQuê hương Việt NamHận thù từ đâu tới, Nghĩ về mình...

Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001. Nhiều nhà nghiên cứu đang đề xuất trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Xuân Trình.

 

 

 

THIÊN ĐIỂU - TT0
Tin tức khác