Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
596
123.248.010

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Việt Nam có phải là cường quốc nhiếp ảnh?
Có đến 21 trong số 41 tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế lần thứ ba tại Việt Nam là của các nhiếp ảnh gia Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra: Việt Nam có phải là một cường quốc nhiếp ảnh?

Ông Lê Phức, quan chức FIAP tại Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho hay, cuộc thi này là "một hoạt động nhiếp ảnh đầy ấn tượng do được tổ chức chuyên nghiệp và số người tham gia đông đảo, trên hết là chất lượng của bộ ảnh triển lãm và 41 giải thưởng". Ngoài ông Lê Phức, Việt Nam còn có ba giám khảo, hai thành viên khác là người của nhà tài trợ Nikon, giám khảo cuối cùng là một quan chức FIAP người Áo.

 

Có hay không một chút thiên vị khi mà nước chủ nhà đoạt đến 21/41 giải thưởng? Bà Đào Hoa Nữ, thành viên Ban giám khảo cho biết: "Ban giám khảo đã làm việc rất công tâm, không hề có sự thiên vị nào cho các tác giả Việt Nam".

 

Khi cuộc họp báo được tổ chức chiều 30-6, mới chỉ có 41 ảnh đoạt giải được công bố. Tuy nhiên, nếu giải thưởng là thước đo trình độ nhiếp ảnh của một quốc gia thì đây chính là lúc chúng ta nên nhìn lại mình một cách thực tế.

 

Có tới 1.416 tác giả từ 45 quốc gia gửi 7.228 ảnh dự thi, trong số này, ảnh của Việt Nam chiếm tới hơn 5.000 bức. Cứ cho là với 4/7 giám khảo, chúng ta có thể "thiên vị" được một chút, nhưng, như đã nói ở trên, Việt Nam chỉ đoạt được có một nửa số giải thưởng. Một nhà nhiếp ảnh trong Ban tổ chức cho hay, do trước khi chấm, ảnh đã được phân loại theo kiểu sơ khảo nên kết quả thực sự phản ánh chất lượng ảnh của nước chủ nhà!

 

Không có ngành nghệ thuật nào ở Việt Nam có nhiều giải thưởng quốc tế như nhiếp ảnh. Trong 10 năm gần đây, mỗi năm chúng ta có khoảng vài chục huy chương vàng của FIAP, Hội Nhiếp ảnh Mỹ, Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh... Nhiều cuộc thi ảnh ở nước ngoài, Việt Nam cũng chiếm số lượng giải thưởng áp đảo.

 

Tuy nhiên, ông Vũ Huyến - Phó chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho hay, nếu đem so sánh giữa số ảnh gửi đi và số ảnh đoạt giải, chúng ta mới thấy được sự thua kém của mình. Nếu gọi là cường quốc, Việt Nam chỉ là cường quốc về số người chụp ảnh, số lượng vật tư ngành ảnh được tiêu thụ mà thôi!

 

Không khó để nhận ra rằng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới (FIAP) rõ như thế nào. Từ cái tên viết tắt theo tiếng Anh VAPA, đến các tước hiệu AVAPA (nghệ sĩ VAPA), EVAPA (nghệ sĩ xuất sắc VAPA), đều giống như các tước hiệu AFIAP, EFIAP... tới một phong trào rầm rộ của các Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tham dự các cuộc thi của FIAP tổ chức, bất kể tốn kém đến đâu. Tuy nhiên nhiều người không biết rằng trên thế giới FIAP chỉ là tổ chức của những người chơi ảnh nghiệp dư. Tên tuổi, uy tín và nhất là tác phẩm của FIAP chỉ có một ảnh hưởng khiêm tốn, nếu so sánh với WPP (World Press Photo) chẳng hạn.

 

 

Do tính chất nghiệp dư, tác phẩm mà các cuộc thi do FIAP tổ chức đơn thuần chỉ để tìm ra một "vẻ đẹp mang tính FIAP", các vấn đề chính trị, xã hội, nhân đạo... không phải là mối quan tâm chính. Bởi vậy tầm ảnh hưởng của nó bị hạn chế là đương nhiên. Điều này cũng đúng ở Việt Nam, ảnh được huy chương vàng VAPA, FIAP rất nhiều, nhưng được công chúng đón nhận, thưởng ngoạn và... mua ra sao, ai cũng rõ.

 

 

Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại chân giá trị mà nhiếp ảnh nghệ thuật đem lại cho đời sống xã hội. Xét về số lượng các cuộc thi ảnh nghệ thuật mở ra khắp nơi, số lượng người người, nhà nhà chụp ảnh nghệ thuật, Việt Nam đúng là một cường quốc.

Nhưng những giá trị thẩm mỹ mà nhiếp ảnh nghệ thuật mang lại hình như chưa được bao nhiêu cho đời sống xã hội.

 

Ra đồng (giải khuyến khích VAPA) -

ảnh: Phạm Huỳnh (Đăclăk).

TT - TNO