Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
630
123.242.346

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Miếu dột nát, Lang Liêu phải 'ở nhờ'
Cung Lang Liêu của miếu Lang Liêu trước đây Ảnh: Tư liệu Lang Liêu - theo truyền thuyết là người đã dạy dân làm bánh chưng bánh dày - giờ không có miếu thờ tại Dữu Lâu. Ngài phải đi “ở nhờ” tại đình làng Dữu Lâu, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

 

 

Ông N., một thành viên của Ban Quản lý di tích làng Dữu Lâu, vẫn đều đều cùng dân đi mua bạt về che mái ngói thủng của miếu thờ Lang Liêu làng mình. Thông thường, chưa đầy năm đã phải thay 1 lần bạt phủ. Diện tích thủng không nhỏ, vì thế, mỗi lần mua đều phải hơn trăm mét vuông bạt mới đủ dùng. “Tính tiền ra độ 4 - 5 triệu đồng. Chúng tôi thay bạt như thế 6 năm nay rồi”, ông N. nói.

 

Cũng theo ông N., ngôi miếu này từng được dùng làm trường học hồi 1960. Một phần miếu được dỡ ra làm vật liệu dựng kho hợp tác. Những năm chiến tranh, việc thờ tự cũng ít được chú ý. Đồ thờ được mang đi gửi và đến giờ tứ tán, không đòi về được. Ông N. cho biết bài vị thờ Lang Liêu đã được đưa về phối thờ tại đình làng Dữu Lâu cuối năm 2002, khi làng có đình mới. “Đình làng thờ 3 cụ họ Nguyễn là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Sủng. Đưa cụ Lang Liêu ra phối thờ vào đấy là tạm như thế, chưa có chỗ thì đưa cụ ra đó ở nhờ”, ông nói.

Một nhà nghiên cứu của ĐH Mỹ thuật Hà Nội đánh giá hiện giá trị kiến trúc của di tích miếu thờ Lang Liêu này không còn nhiều. Tuy nhiên, một số chi tiết cũng đáng trân trọng, chẳng hạn một vài chạm khắc, thanh câu đầu ghi niên đại trùng tu bằng chữ nho. Giếng cổ của miếu vẫn còn. “Nhìn quy mô như vậy thì miếu thế kỷ 18 này cũng là một giá trị trong hệ thống di tích thờ cúng Hùng Vương”, nhà nghiên cứu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH-TT Phú Thọ, cho hay: “Toàn bộ bài vị đã chuyển ra đình rồi, chứ có thờ ở đấy đâu. Chỗ đấy chỉ còn là phế tích thôi. Không phải tu bổ, không làm gì phế tích đó nữa”, ông Thủy nói. Tuy nhiên, không hiểu sao người dân lại không biết chủ trương này và vẫn bỏ tiền ra phủ dột. Ông Thủy cho biết hiện tỉnh Phú Thọ đã giao TP.Việt Trì chủ trì với P.Dữu Lâu lập phương án quy hoạch để phục dựng lại miếu này. “Tuy nhiên, do quá trình thực hiện quy trình còn chậm nên hiện nay mới làm xong quy hoạch mà chưa huy động được nguồn vốn”, ông Thủy nói.

 

Về tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng cần chú ý đến nhu cầu của người dân. “Người ta bức xúc vì người ta phải thờ chung đình với thành hoàng. Nó là cái gì đó rất tạm thời trong những điều kiện nhất định, chỉ xảy ra lúc chiến tranh, thiên tai... Tỉnh Phú Thọ và Sở VH-TT nên sớm quan tâm và đáp ứng nhu cầu của dân. Cần sớm giúp dân giữ tập tục thờ Lang Liêu, miếu Lang Liêu”, ông Huy bày tỏ.

 

Theo Cổng thông tin tỉnh Phú Thọ, miếu Dữu Lâu lúc đầu làm bằng tường đất, mái lợp lá cọ. Đến năm 1802, nhân dân xây dựng lại miếu gồm 3 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm, bên trong có tầng gác liệng gỗ đặt ban thờ, long ngai, bài vị Lang Liêu, bát hương và các đồ tế khí. Năm 1846, miếu được trùng tu lần nữa. Những năm 1960, địa phương tháo dỡ miếu để lấy mặt bằng xây dựng trường cấp 1, 2. Bài vị Lang Liêu được nhân dân rước về phối thờ tại đình làng Dữu Lâu. Năm 2018, tỉnh cũng đã có hội thảo về việc khôi phục miếu này.

 

 

 

Trinh Nguyễn - TN0
Tin tức khác