Nói tới Sài Gòn, không thể không nhắc tới các di tích độc đáo như: nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành hay Nhà hát TP.HCM… đã ngả màu cùng thời gian. Tuy nhiên do quan niệm về tên đất của người xưa, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu “thường lấy chỗ lỵ sở hay nhóm họp đông lớn, hoặc chỗ địa đầu (để) nói tổng quát đại khái cả một vùng. Ở mỗi cấp đơn vị hay mỗi vùng lại có mỹ danh và tục danh riêng nên dễ sinh lẫn lộn và... hiểu lầm”.
Trong cuốn Tạp ghi Việt Sử địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ vừa ấn hành đã tiết lộ nhiều bất ngờ về một Sài Gòn hoàn toàn khác với cách nghĩ lâu nay, đó là cùng một tên gọi Sài Gòn nhưng lại chỉ tới… 4 địa danh khác nhau.
Sài Gòn phủ rộng luôn cả... Tây Ninh?
Trước tiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu căn cứ vào tài liệu của Trịnh Hoài Đức khi bàn về cổ sử miền Đông Nam bộ cho rằng, vùng Bà Rịa nay, xưa kia là tiểu quốc Bà Lợi (còn đọc là Bà Li hay Bà Rịa); còn vùng Đồng Nai là tiểu quốc Thù Nại, nay là đất Sài Gòn. GS Sử địa Nguyễn Đình Đầu trích nguyên văn Gia Định thành thông chí chú thích: “Nghi chữ Bà Rịa tức là nước Bà Rịa thuở xưa. Còn âm hai chữ Thù Nại với Đồng Nai và Nông Nại không sai nhau lắm, nghĩa là tương tự nhau, vậy cũng có lẽ là đất Sài Gòn ngày nay". Từ đó, ông rút ra kết luận: "Thế có nghĩa là phần nhỏ miền Đông là Bà Rịa, phần rất lớn còn lại là đất Sài Gòn, bao phủ cả Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, kể cả một phần Long An và Tiền Giang ngày nay".
Theo GS Nguyễn Đình Đầu, nhiều nguồn sử liệu cũng cho thấy Sài Gòn chỉ có trong phạm vi huyện Tân Bình, sau là tỉnh Gia Định: “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698)… Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình”. Và từ những tài liệu phát hiện này, GS Đầu cho rằng: “Huyện Tân Bình lập năm 1808 thành phủ Tân Bình rồi mới tách ra mấy phủ nữa, từ năm 1832 đến khi thuộc Pháp là tỉnh Gia Định trong lục tỉnh. Nếu theo đoạn trích thì Nông Nại là cả miền Đông, xứ Sài Gòn nằm ở tây sông Đồng Nai".
Là phố thị nằm tuốt ở... Chợ Lớn?
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố Sài Gòn nằm trong vòng lũy Lão Cầm 1700, hay lũy Nguyễn Cửu Đàm 1772, thậm chí trong Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục còn khẳng định phố Sài Gòn chỉ là tên chợ hoặc một phố thị nằm tuốt ở... Chợ Lớn. Sự thật được GS Nguyễn Đình Đầu lý giải như thế nào?
Tạp ghi Việt Sử địa viết tiếp: “Lũy Lão Cầm đắp từ năm 1700, dấu vết ở quận Tân Bình ngày nay; còn lũy Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772, một phần nhờ trên lũy cũ 1700, vết tích vẫn còn nguyên vẹn nhờ có tấm bản đồ Thành phố Sài Gòn 1795 và bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815. Lũy Nguyễn Cửu Đàm (còn gọi là Bán Bích) đắp từ chùa Cây Mai vòng qua Đồng Tập trận theo đường sông xuống rạch Thị Nghè, rồi chấm dứt nơi cầu Bông ngày nay, nằm giữa hai huyện Bình Dương và Tân Long trước đây. Khi chưa là đơn vị hành chính, địa bàn này chỉ có tên tục, tên nôm gọi là đất Sài Gòn hay xứ Sài Gòn; sau này khi Pháp xâm lăng, theo Nghị định ngày 11.4.1861, địa bàn này mới chính thức trở thành đơn vị hành chánh riêng là thành phố Sài Gòn”.
Điều khá bất ngờ là địa phận xã Minh Hương xưa cùng một số thôn phường lân cận cũng từng được mệnh danh là chợ Sài Gòn hay phố Sài Gòn. Oái ăm, chuyện này trong Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều nêu rất rõ, được GS Nguyễn Đình Đầu ghi nhận: “Chợ Sài Gòn cách phía nam Trấn (thành Bát Quái) 12 dặm. Còn Đại Nam thực lục nói đến “phố Sài Gòn” khi viết về những trận đánh giành giật khu vực này giữa quân lính triều đình với Lê Văn Khôi năm 1833. Mà theo bản đồ Trần Văn Học vẽ, phố chợ Sài Gòn chỉ rộng bằng 1/3 hay 1/4 quận 5 hiện nay.”
Từ những phức tạp của địa danh Sài Gòn dễ gây nhầm lẫn mà Tạp ghi Việt Sử Địa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn dặn dò hậu sinh: “Cùng một địa danh Sài Gòn khi thì chỉ chợ Sài Gòn, khi chỉ thành phố Sài Gòn, khi thì chỉ huyện Tân Bình, hay có lúc chỉ cả địa bàn nước Thù Nại. Phải tùy mạch văn mới hiểu được Sài Gòn chỉ địa bàn nào, dù trong thực tế chữ Sài Gòn thường dùng để chỉ thành phố nhiều hơn địa bàn khác”.