Trước 1975 có kịch La Thoại Tân, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hoa, Túy Hồng. Sau 1975, hoạt động không mấy rầm rộ. Đến khi có mô hình xã hội hóa, kịch mới thực sự có sức sống mạnh mẽ.
5B là tên thường gọi của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM ra đời năm 1997, nhưng đúng ra phải tính “tuổi đời” của nó từ lúc còn là Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm TP.HCM hình thành năm 1984, đặt tại trụ sở của Hội Sân khấu thành phố.
5B là nơi mà những người thuộc lứa U.70, U.60, U.50 phải ngồi trên những băng ghế gỗ đau cả mông, và tay lúc nào cũng phải cầm theo cây quạt giấy xua đuổi cái nóng, nhưng ai nấy đều nín thở dõi theo từng nét diễn của nghệ sĩ, đắm mình trong thế giới huyền ảo lung linh. 5B từng hớp hồn khán giả bằng nghệ thuật tinh túy, bằng sự hấp dẫn của thánh đường trong trẻo tin yêu, vượt qua hết những vật chất, cơ sở kỹ thuật nghèo nàn.
Cái thời mà cả khán giả lẫn nghệ sĩ đều thanh xuân như nhau, đến với nhau như những tri âm, hiểu nhau qua từng động tác, từng lời thoại. Nào Hồng Vân, Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Đào, Minh Trang, Quốc Thảo, Ái Như, Khánh Hoàng, Minh Phượng, Hoa Hạ, Phương Linh, Hữu Châu, Thanh Hoàng, Kim Xuân, Thanh Thủy… Nhớ mãi những gương mặt đã tiên phong dựng lên một sân khấu khác lạ, độc đáo, vượt thoát khuôn khổ “quốc doanh” lúc bấy giờ.
Nhiều tác phẩm đã trở thành chuẩn mực, hoặc gây ấn tượng mạnh mẽ, với lối diễn chính kịch nghiêm túc nhưng không cứng nhắc, khô khan, mà vẫn bay bổng, thoải mái như cái chất Sài Gòn tung tăng dễ chịu. Dư luận quần chúng, Chuyện bây giờ mới kể, Gái giang hồ quốc tế, Cô Ê-lê-na thân yêu, Trong hào quang bóng tối, Diễn kịch một mình, Lôi vũ, Dạ cổ hoài lang, Tiếng chim vườn ngọc lan, Tình 284… Những vở kịch tưởng rất “nặng đầu” vì tính chính luận, với nhiều tầng ý nghĩa, nhưng “vào tay” 5B đã mềm mại, thủ thỉ, có khi như kiểu bông phèng, có lúc là nụ cười châm biếm. 5B đã vẽ được cái chất rất riêng của Sài Gòn.
“Anh cả đỏ” đang đuối sức
5B hồi ấy có thể ví như một dạng “trẻ trâu” dám nghĩ dám làm, pha chút liều lĩnh, phiêu lưu. Sau này khi 5B trưởng thành thì người ta lại ví nó như “anh cả đỏ” của làng kịch. Bởi đây là đơn vị tiên phong của mô hình xã hội hóa và từ 5B mà lực lượng nghệ sĩ tỏa ra thành lập nhiều đơn vị khác.
Tuy nhiên, cả chục năm nay 5B đuối sức. Có đến mấy năm đóng cửa, cho đến 2018, 5B mới được Giám đốc - NSƯT Mỹ Uyên mạnh dạn bỏ vốn cho sáng đèn. Kịch mục phong phú với nhiều thể loại: bi kịch đầy nước mắt như Diều ơi, Tình lá diêu bông, cảm động lẫn vui vẻ tình người như Những giấc mơ lóng lánh, Tiền là số 1, Tía ơi con lấy chồng, Ảo và thật; chính kịch dữ dội hoặc thâm thúy như Gương mặt kẻ khác, Chuyện tình nữ phạm nhân… Thế nhưng, Mỹ Uyên nhiều lúc thở dài: “Tôi đã làm hết sức, không hiểu sao vé vẫn bán không được nhiều, vẫn bù lỗ thường xuyên. Tôi cho rằng kịch bây giờ đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các thể loại khác đầy rẫy trên mạng, trên YouTube…”. Còn đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc thì suy tư: “Tôi ước mong có… cái thang máy cho khán giả đi khỏe hơn. Thời này là thời nào rồi, đừng nói người trung niên, mà người trẻ cũng ngại leo lầu, bắt họ leo như thế thì họ không thích đâu”.
Cái thang máy là một câu chuyện dài, mấy năm nay vẫn chưa tìm ra phương pháp xử lý. Bởi 5B là một ngôi nhà đã cũ, đụng tới đâu cũng sợ đổ bể, nóc thì cứ trời mưa là dột, bà bầu Mỹ Uyên phải vất vả chống dột tạm thời. Mỹ Uyên nói: “Nếu đập hết ra xây lại thì còn họa may. Nhưng như thế là không có khả năng, bởi kẹt tiền và giấy tờ pháp lý”.
Đạo diễn Hồng Dung, Phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP.HCM, nói: “Chủ của ngôi nhà này từ năm 1975 thì không thấy nữa, nên Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM quản lý, rồi giao lại cho Hội Sân khấu. Nhưng giao để sử dụng vậy thôi, không có giấy tờ chủ quyền”. Vấn đề này bế tắc, không hiểu sao cứ ngâm mãi suốt mấy chục năm. Có người còn lo lắng “5B ở vị trí đất vàng”...
5B, một địa chỉ đỏ của Sài Gòn, một mắt xích quan trọng trong lịch sử văn hóa nghệ thuật của thành phố đang trông chờ công luận bảo vệ, giữ gìn. Giữ và phát triển 5B không khó, thế nhưng thái độ thả trôi của các ban ngành đã khiến nó chết từ từ, chầm chậm.