Bộ linga - yoni liền khối được tái phát hiện ở Mỹ Sơn vào cuối tháng 5
Đài thờ sa thạch với bộ linga - yoni liền khối vừa được phát hiện ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) mang giá trị độc bản, đỉnh cao về điêu khắc nghệ thuật của người Chăm, đang được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.
Như Thanh Niên đã thông tin, cuối tháng 5 vừa qua, trong quá trình thực hiện bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong tháp A10 thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với bộ linga - yoni liền khối còn khá nguyên vẹn.
Bộ linga - yoni có kích thước 2,24 x 1,68 m, nặng khoảng 4 tấn, niên đại cuối thế kỷ thứ 9, được cho là bộ linga - yoni liền khối lớn nhất Việt Nam tính tới thời điểm này. Các chuyên gia đã đưa bộ linga - yoni lên khỏi mặt đất, sắp xếp lại hàng chục khối đá lớn là các mảnh vỡ của một đài thờ hoàn chỉnh.
Cấp thiết bảo vệ
Chuyên gia Ấn Độ Jalihal Ranganath, Trưởng nhóm công tác bảo tồn, cho biết phát hiện này cho thấy đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc tháp A10. Việc phát hiện và phục hồi vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc tháp A10 đã làm rõ chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng linga - yoni.
“Dù hình ảnh về linga - yoni được các học giả Pháp ghi chép từ đầu thế kỷ 20, tuy nhiên việc nghiên cứu sắp xếp từ hơn 20 mảnh vỡ để trở thành một đài thờ hoàn chỉnh nhất tại di tích Mỹ Sơn thì đây là lần đầu tiên. Với linga - yoni liền khối lớn và chân đài thờ được trang trí hoa văn, vòm cửa và các đạo sư thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ 9, đài thờ mang giá trị rất cao về văn hóa và điêu khắc nghệ thuật”, ông Jalihal Ranganath nói.
Chuyên gia khảo cổ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho hay di vật này từng được Pháp phát hiện năm 1904, nay được “tái phát hiện”. Vị trí phát hiện di vật nằm ở hố thiêng của tháp A10. Đây là hiện vật có giá trị và đáng quý, đóng góp cho nhiều hiểu biết về lịch sử văn hóa Chăm ở Mỹ Sơn. “Khối đá để tạc ra được di vật này phải nói là cực lớn. Người chế tác phải có kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao. Đây là di vật liền khối có kích thước lớn trong nghệ thuật điêu khắc đá Chăm. Kỹ thuật điêu khắc hoàn chỉnh như một khối đúc”, ông Phụng nhận xét.