Đạo diễn Nguyễn Hải Anh: 'Nhà soạn nhạc Ennio Morricone ghi dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của tôi'
Huyền thoại nhạc phim Ennio Morricone ghi dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác của nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh
ẢNH: T.L
Từ Hà Lan, nữ đạo diễn Nguyễn Hải Anh đã chia sẻ cảm xúc trước sự ra đi của huyền thoại nhạc phim Ennio Morricone khi ông vừa tạ thế ngày 6.7 tại Rome (Ý), thọ 91 tuổi.
Sáng ngày hè lạnh đột ngột sau một đêm mưa to tầm tã. Tôi còn nằm trên giường với một cảm giác nặng trĩu không hiểu từ đâu chợt đến thì chồng tôi chạy từ phòng làm việc trên tầng áp mái xuống và ngồi cạnh tôi. Anh chăm chú nhìn tôi và nói: ''Anh báo cho em một tin thật xấu''. Tôi ngạc nhiên nhìn anh. ''Ennio Morricone vừa từ trần''. Anh nói tiếp sau một giây im lặng. Tôi nhắm mắt lại, không nói gì. Chồng tôi hiểu ý, anh bước ra khỏi phòng ngủ và đóng cửa lại.
Từ bản nhạc ma mị trên chuyến tàu ở Nga
...5:30 sáng. Buổi sáng mùa đông gần 30 năm về trước. Tôi choàng tỉnh bởi một giai điệu kỳ lạ, xen lẫn những âm thanh đời sống: tiếng huýt sáo, tiếng chuông nhà thờ, tiếng vó ngựa chạy, tiếng chim...Tiếng nhạc phát ra từ loa phát thanh trên tàu thay tiếng chuông báo thức đã đánh thức tôi cùng tất cả hành khách trên tàu thức dậy sau 8 tiếng tàu đi từ Saint Peterburg lên Moscow (Nga). Một thứ âm thanh ám ảnh, một bản nhạc ám ảnh làm tôi nổi da gà và cứ nằm im bất động không cử động nổi. Tôi sợ mình cựa mình dậy sẽ làm thứ âm thanh đó biến mất. Và sau bản nhạc ma mị đầu tiên đó là một loạt các bản nhạc khác cũng ma mị không kém mà lúc đó tôi không biết là của ai nhưng tôi đoán là trong cùng album của cùng một nhà soạn nhạc. Vậy là con bé sinh viên Học viện Sân khấu - Điện ảnh - Âm nhạc Saint Peterburg (Leningrad cũ) năm thứ ba quên cả phải thức dậy đi đánh răng rửa mặt và đi vệ sinh trước khi tàu vào ga. Tôi cứ nằm lỳ trên cupe tầng trên để được thưởng thức cho trọn vẹn thứ âm thanh ma mị mà lần đầu tiên trong đời mình bắt gặp và đã biết rằng nó sẽ là máu thịt của mình nhưng lúc đó tôi cũng không ngờ nó đã ảnh hưởng và thổi linh hồn đến hầu hết các sáng tác của mình sau này.
Rón rén vén tấm rèm cửa sổ nho nhỏ lên hé mắt nhìn ra ngoài. Đoàn tàu đang tiến vào địa phận ngoại ô thành phố Moscow. Chỉ một màu tuyết trắng toát. Lạnh. Một con quạ đen đang mải miết bới tung một gói gì đó gói trong giấy báo, có lẽ là gói bánh mì của ai đó gặm dở rồi vứt ra ngoài cửa sổ cho chim. Xa xa là rừng bạch dương cũng phủ một màu trắng xôm xốp. Trông con quạ càng đơn độc não nề hơn dưới tiếng nhạc sâu lắng mà xa xôi, ám ảnh đến thế! Đoàn tàu lướt tiếp qua những cánh đồng bát ngát cũng chỉ một màu tuyết trắng, những dòng sông đóng băng, một vài ngôi nhà ''đa cha'' cũng phủ băng và tuyết, một chiếc xe ''Lada'' cũ rích phủ tuyết dày ngập hết bánh xe. Đã một tháng nay chồng tôi bỏ đi đâu không về... Tiếng sáo cứ như xoáy vào tim tôi thêm những vết nứt trống hoác. Tựa vực sâu thăm thẳm toang hoang. Đen thui. Một mình tôi đang đứng trên đó, trên đỉnh một mỏm đá cao nhất, nhọn hoắt. Đơn độc. Nhìn xuống... Bất ngờ tiếng đàn ngựa chạy hối hả, tiếng những người đàn ông quát ngựa, tiếng chuông nhà thờ, rồi âm thanh đời sống, tiếng suối chảy róc rách, thác đổ, tiếng chim ríu rít, lảnh lót, véo von lại kéo tôi trở về thực tại.
Năm 2000. Đúng 10 năm sau, tôi đang phải chọn nhạc cho phim tài tiệu của mình với kinh phí eo hẹp. Ngay lập tức Ennio Morricone, nhà soạn nhạc mà tôi bị phải lòng trong chuyến tàu định mệnh đi Moscow ngày hôm đó, đã trở thành linh hồn âm thanh trong bộ phim đầu tay của tôi và nhiều phim nữa sau này. Mãi nhiều năm sau đó tôi mới được biết thì ra ông không chỉ là nhà soạn nhạc người Ý lớn nhất thời đại mà còn là nhà soạn nhạc phim vĩ đại với nhiều giải thưởng danh giá Oscar, Quả cầu vàng, Grammy, Sư tử vàng... Và gần đây tôi mới hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên tôi lập tức phải lòng Ennio Morricone từ những nốt nhạc đầu tiên khi lần đầu bắt gặp nhạc ông khi còn là sinh viên năm thứ ba trường nghệ thuật Leningrad, mà còn bởi tôi đã từng phải lòng nhạc Bach và Mozart từ khi còn rất bé. Ennio Morricone chính là sự tiếp nối, hòa hợp âm hưởng của Bach và Mozart, cũng như phát triển thêm vào đó sau này cả nhạc jazz, rock hiện đại. Ông đã viết nhạc cho khoảng 400 bộ phim và 100 nhạc phẩm khác nhau. Mà trong đó Once upon a time in America (tựa Việt: Ngày xửa ngày xưa ở Mỹ) là bộ phim cũng như nhạc của nó đã ảnh hưởng nhiều nhất đến phong cách phim của tôi. Đó cũng là lý do mà các nhà báo hay nhận xét rằng phim tài liệu về chân dung của tôi luôn có ''chất phim truyện'', rằng nó tựa một câu chuyện có thật ngoài đời, không hư cấu với nhiều cao trào và nút thắt nghẹt thở.
Riêng tôi phải thừa nhận rằng, các bộ phim tài liệu của mình làm thường rất tiết chế lời bình mà thay vào đó là âm thanh đời sống, lời thoại của nhân vật, lời tự truyện của các nhân vật được không phải là ''phỏng vấn'' mà là ''trò chuyện'', là ''lời tâm sự'' hay '' tự thú'', do đó âm thanh đời sống và nhạc đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Có một phim Xích lô tôi làm khi còn là thực tập sinh cho VTV3 thì phim 10 phút còn hoàn toàn không có lời bình, chỉ có âm thanh và hình ảnh cùng tiếng các nhân vật tự sự kể chuyện. Tôi thường dựng phim tài liệu theo cách Sergio Leone, đạo diễn người Ý nổi tiếng Hoolywwod, người bạn thân thiếu thời của Ennion Morricon, tức dựng phim trên nền nhạc có sẵn, theo cao trào và tiết tấu của nhạc.
Cũng có lẽ vì thế mà ngay từ bộ phim đầu tay tôi làm về nhà văn - nhà sử học Miền Trung Thầy Nguyễn Văn Xuân được hãng TFS mang đi dự thi Liên hoan phim Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2000 thì đã gây tranh cãi trong Ban giám khảo về một trường đoạn dài đến gần một phút trong phim, do không có lời thuyết minh, chỉ có tiếng gió bão gầm rú, tiếng bom đạn trên nền những cảnh tan hoang đổ nát, đoàn người áo tơi bấm chặt ngón chân Giao chỉ xuống bùn đất, người nghèo đói, chết chóc bởi thiên tai hạn hán, lũ lụt, chiến tranh đã tàn phá khúc ruột miền Trung ra sao... làm hình tượng cho các tác phẩm của thầy Xuân. Sau trường đoạn âm thanh đời sống và hình ảnh đó là một giai điệu ám ảnh của Ennio Morricone vang lên vài chục giây rồi mới vào lời thuyết minh. Đó là cách làm không giống ai, bởi khi đó phim tài liệu Việt thường hay làm theo cách dựng hình theo lời thuyết minh. Còn tôi làm ngược lại: dựng phim theo nền nhạc xong mới viết lời bình cho phim. Tuy nhiên, bộ phim đầu tay của tôi được Giám đốc TFS Nguyễn Hồ gọi điện thông báo khi tôi đang đi quay tiếp bộ phim thứ hai ngoài đảo Thổ Chu là: "Phim Thầy Xuân của Hải Anh được giải Cánh diều bạc, mà năm nay không có có ai được giải Cánh diều vàng thì coi như Hải Anh được Cánh diều vàng ngay phim đầu tay rồi nhé!". Sau đó là một loạt các phim được làm theo cách này và luôn có sự góp mặt nhạc của Ennio Morricone trong phim và đã luôn thành công.
Chỉ có 2 bộ phim thành công lớn mà không có sự đóng góp của Ennio Morricone là bộ phim lịch sử thời trang Việt 24 tập 'Đi tìm trang phục Việt thì tôi phải chọn thể loại nhạc dân tộc truyền thống và các dòng nhạc dân gian Việt Nam. Giờ bộ phim này trở thành cẩm nang cho sinh viên học các ngành văn hóa nghệ thuật. Và phim Bà tôi do Hãng phim Giải phóng đặt hàng thì có thù lao cho nhạc sĩ nên tôi mời được nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho phim. Bộ phim này được đề cử Phim tài liệu xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế tại Amiens (Pháp) năm 2005.
Vì thế có thể gọi Ennio Morricone là đạo diễn thứ hai về âm thanh trong phần lớn các phim của tôi. Không có nhạc của ông thì thật khó lòng tôi có được hàng loạt các bộ phim chân dung đi vào lòng khán giả và nhận nhiều giải thưởng như thế, như Thầy Nguyễn Văn Xuân; Đi biển một mình; Trần Bạch Đằng, một người cầm bút; Lê Trọng Tấn, vị tướng của những chiến trường nóng bỏng; Tướng Đồng Sĩ Nguyên với đường Trường Sơn huyền thoại; Giáo sư, tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc; Thượng tướng Vũ Lăng...
Xin thắp một nén nhang vĩnh biệt ông - Ennio Morricone, nhà soạn nhạc phim vĩ đại, nhà soạn nhạc ghi dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của tôi!