Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, chưa có tài liệu nào được Chính phủ hoặc tỉnh Lâm Đồng xác định Dinh tỉnh trưởng là di sản kiến trúc. Quy hoạch và quy hoạch bảo tồn qua nhiều thời kỳ cũng không hề có công trình Dinh tỉnh trưởng (gắn với đồi Dinh). Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
PGS - TS Khuất Tân Hưng: Có thể Dinh tỉnh trưởng chưa được công nhận là di tích nhưng nó hoàn toàn có thể là một điểm khởi đầu cho sự hình thành của khu vực trung tâm Đà Lạt.
Theo những ảnh cũ thì nó là một trong những công trình đầu tiên. Nếu Dinh tỉnh trưởng không xuất hiện trong quy hoạch bảo tồn thì rõ ràng không phải lỗi tại nó.
Ông vẫn đánh giá đồi Dinh tỉnh trưởng (đồi Dinh) và hồ Xuân Hương là hai yếu tố thiên nhiên cảnh quan quan trọng của Đà Lạt. Nếu làm theo quy hoạch mới, ông đánh giá đồi Dinh sẽ như thế nào?
Tôi đánh giá đồi Dinh là một trong những điểm cảnh quan hiếm hoi còn sót lại ở khu vực này. Nên nếu thực hiện như các phương án đưa ra lấy ý kiến thì nó sẽ đô thị hóa nốt cảnh quan thiên nhiên này.
Ở đây, đồi Dinh có vị trí quan sát cảnh quan rất đẹp, nó cao nhất khu vực đó. Những vị trí như thế thường có giá trị rất cao. Chủ đầu tư chắc cũng nhận ra điều đó.
Tuy nhiên, vì giá trị chiều cao nên nó không nên thuộc về công trình nào, công ty nào mà nên mang tính công cộng. So sánh có thể hơi khập khiễng nhưng tôi muốn so sánh nó với đồi Montmartre ở Paris (Pháp).
ADVERTISING
Ở đấy, có hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Trên đó cũng có một công trình là Thánh đường Sacré-Cœur, là công trình mà nhiều người có thể vào được.
Đồi Dinh sẽ có các lối đi dạo từ trung tâm Hòa Bình đi lên, ngắm cảnh. Có thể có một số kiến trúc nhỏ, quán cà phê dừng chân, tổ chức thêm hoạt động mang tính nghệ thuật. Đó là điều tôi nghĩ có thể hợp với đồi Dinh.
Lãnh đạo Đà Lạt cũng đưa ra lý do cho việc Đà Lạt sẽ xây thêm khu mua bán, trung tâm thương mại là để khách du lịch còn có chỗ tiêu tiền. Ông có nghĩ như vậy không?
Nếu nhìn từ góc độ phát triển thì công việc bảo tồn không đồng nghĩa với việc cản trở phát triển. Nếu bảo tồn đúng cách thậm chí còn là động lực cho phát triển và cần xử lý hòa hợp hai việc này.
Một ví dụ rất rõ ở Hà Nội là Bách hóa Tràng Tiền và Trung tâm thương mại Hàng Da, bây giờ rất vắng khách. Trong khi đó, một số địa điểm bảo tồn tốt như phố Tạ Hiện hay khu phố đi bộ ở Hà Nội… lại có sức hấp dẫn rất lớn.
Giá trị kinh tế từ đó lại rất lớn dù chưa ai đong đếm cụ thể. Thành phố hưởng lợi, người dân hưởng lợi. Khách du lịch đến rất đông, góp phần giúp Hà Nội trở thành điểm đến được quan tâm, ưa thích.
Thử đặt câu hỏi có ai lên Đà Lạt để vào một trung tâm mua sắm không, mà người ta tận hưởng trải nghiệm cái khác. Ngay ở trung tâm Đà Lạt đã có một cái chợ rất lớn. Chợ đó hiện chỉ cần cải tạo chỉnh trang, tổ chức lại đã hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu rồi. KTS Ngô Viết Thụ có cải tạo mặt đứng của chợ đó. Cái chợ đó nhìn từ góc độ di sản cũng là một điểm đến thú vị.
Vậy, thay vào trung tâm thương mại thì Đà Lạt cần gì để phát triển du lịch, thưa ông?
Người ta cứ nghĩ phải có một trung tâm thương mại to đùng thì mới hấp dẫn nhưng vấn đề của Đà Lạt lại là điều khác. Khách du lịch trong nước thì tập trung ở một số thời điểm tạo thành quá tải. Khách nước ngoài thì chỉ đi về trong ngày vì thiếu đi văn hóa bản địa.
Trước đây, ở Đà Lạt, khu vực bậc thang gần chợ Đà Lạt là nơi buôn bán của người bản địa - người Lạch, người Chil. Văn hóa của họ tạo sức hấp dẫn cho Đà Lạt. Bưu ảnh từ xưa người Pháp quảng bá cho du lịch Đà Lạt dùng hình ảnh chính người dân bản địa. Người Pháp ý thức được giá trị của Đà Lạt cần gắn với văn hóa bản địa.
So lại với câu chuyện Sa Pa, Sa Pa cũng có vấn đề về kiến trúc quy hoạch, nhưng ở một mức độ nào đó nó vẫn hấp dẫn khách du lịch nước ngoài vì ở đó vẫn có hiện diện của văn hóa bản địa.
Chính vì thế, phát triển du lịch ở Đà Lạt tốt nhất là phải dựa trên tài nguyên của chính bản thân mình: tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Trong đó, tài nguyên nhân văn bao gồm cả tài nguyên di sản. Nghĩa là, cần giữ cả khu Hòa Bình, cả đồi Dinh để có thể phát triển du lịch.
Lãnh đạo Đà Lạt cũng nói cả khu Hòa Bình lẫn đồi Dinh đều không có trong danh mục di sản. Hiện Đà Lạt đang dẫn luật để thấy không cần bảo tồn chúng. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Tài nguyên di sản có nghĩa rộng hơn, không phải chỉ di tích mới được gọi là di sản. Nếu chỉ di tích mới là di sản, nhiều công trình trên con đường tồn tại sẽ dễ dàng bị phá hủy.
Khái niệm di sản đô thị cần được nhấn mạnh, khẳng định. Khi nói đến di sản đô thị có nghĩa là nói đến tổng hòa giữa công trình kiến trúc với quần thể văn hóa lối sống.
Trong đó, có công trình kết hợp với cảnh quan, không gian mở, văn hóa, con người. Đặt ra câu chuyện đó thì mới tránh được chuyện người ta cứ tỉa dần di sản đô thị như đồi Dinh.
Đấy là vấn đề mà các đô thị ở Việt Nam đang gặp phải. Các di sản cứ bị tỉa dần vì không được công nhận di tích.