Việc hạ giá vé này kéo theo một số điều lợi cho các đoàn: Lượng khán giả đến xem đông hơn (gấp 3 đến 5 lần), doanh thu nhiều hơn (gấp rưỡi trở lên), trụ lại ở mỗi điểm diễn lâu hơn (hơn 5 đêm so với 3 đêm)...
Đoàn Hương Tràm “tiên phong”
3 năm trước đây, đoàn cải lương quốc doanh Hương Tràm (tỉnh Cà Mau) bắt đầu “trẻ hóa” lực lượng, từ bỏ việc tăng cường nghệ sĩ tài danh cũng là lúc ban lãnh đạo đoàn tính tới chuyện… hạ giá vé. Đoàn đã đi tiên phong trong vấn đề này (hạ giá vé xuống còn 4.000 đồng/vé người lớn và 2.000 đồng/vé trẻ em) và đã thu được kết quả hết sức khả quan.
Theo lời NSƯT Minh Đương - trưởng đoàn cải lương Hương Tràm - từ ngày đoàn của anh hạ giá vé, con số 1.500 khán giả/suất không còn là “trong mơ” nữa (trước đây cao lắm chỉ có 600 khán giả/suất). Đoàn có nhiều động lực hơn để tập thêm tuồng mới có chất lượng, nâng cao trình độ biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ.
Chỉ sau 3 năm thay đổi kế hoạch hoạt động, Đoàn Hương Tràm đã đạt được nhiều thắng lợi: doanh thu cao, đời sống tập thể đoàn được ổn định, các nghệ sĩ trẻ ngày càng tiến bộ và khẳng định mình hơn - nhất là qua việc bộ ba nghệ sĩ trẻ Lịch Sử - Hoàng Nhứt - Hoa Phượng đoạt Huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang.
“Cơn sốt”… tăng cường nghệ sĩ tài danh
Tuy Đoàn cải lương Hương Tràm mở đầu việc hạ giá vé ở vùng sông nước Cửu Long thắng lợi nhưng lúc ấy do miền Tây còn nằm trong “cơn sốt” tăng cường những nghệ sĩ tài danh của TP.HCM nên các đoàn chỉ thấy “cái lợi trước mắt” mà không có những tính toán đường dài khiến cho tình hình sân khấu cải lương ở đây ngày một trở nên… “lộn xộn” hơn: lạm phát nghệ sĩ tài danh, giá vé đẩy lên cao đến 25.000 đồng/vé, nội dung tuồng tích bị xem nhẹ, biểu diễn hời hợt (vì khán giả lúc bấy giờ chủ yếu chỉ đến xem mặt nghệ sĩ tài danh!),…
Sự việc này bây giờ đã đổi khác, bà con khán giả miền Tây không còn đủ sức kham nổi giá vé xem hát quá cao. Trước sự việc này, các đoàn đã phải… “tái điều chỉnh” kế hoạch hoạt động: chú ý hơn đến khâu chất lượng nghệ thuật, tự lực cánh sinh với lực lượng diễn viên tại chỗ, đồng thời “không quên”… hạ giá vé.
Tiếp tục “hạ” giá vé?
Đoàn cải lương tư nhân Tiếng Ngân (của vợ chồng Thúy Liên - Giang Nam) tuy mới thành lập trong thời gian gần đây nhưng đã sớm “đánh hơi” được điều này, nên họ áp dụng liền: hạ giá vé xuống còn 3.000 đồng/vé người lớn và 1.000 đồng/vé trẻ em. Và, họ đã thành công… Từ chỗ khởi đầu với hai bàn tay trắng (thậm chí còn bị… nợ nần nữa) nhưng chỉ chưa đầy một năm sau khi thực hiện “chiêu” hạ giá vé, đoàn đã sinh lời rất nhanh. Đến nay, “gia sản” của Đoàn cải lương Tiếng Ngân đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
“Nối tiếp” đoàn Tiếng Ngân, từ sau Tết đến giờ, một số đoàn cải lương tư nhân khác ở miền Tây cũng đã quyết… noi theo “chiêu” hạ giá vé, như: đoàn Quốc Hương (tỉnh An Giang), Linh Thanh (Vĩnh Long), Bông Hồng (Kiên Giang), Hoa Anh Đào (An Giang), Rạng Đông (Trà Vinh),… rồi đến các đoàn cải lương quốc doanh như đoàn Tây Đô (Cần Thơ), Ánh Hồng (Trà Vinh),…Giá vé khi không có ngôi sao tài danh của những đoàn này là 3.000 - 4.000 đồng/vé người lớn, còn khi có tăng cường nghệ sĩ tài danh là 6.000 đến 10.000 đồng/vé .
Cũng cần nói thêm: hầu hết các nghệ sĩ tài danh TP.HCM khi “ký hợp đồng” tăng cường cho các đoàn tỉnh đều “đánh tiếng” để các đoàn bán giá vé cao cho đủ… “sở hụi” (theo phương án “đánh nhanh rút gọn” - thường chỉ diễn mỗi bến 1 đêm duy nhất); thứ đến, các bầu chủ cũng ham lợi nên không ngần ngại “đẩy” giá vé lên cao nên các đoàn không duy trì được sự mến mộ của khán giả dài lâu.
Đây quả là “chuyện hiếm thấy” kể từ khi sân khấu bước vào cơ chế thị trường, nó giống như thời cải lương đang trong thời gian “cực thịnh” vậy. Rõ ràng, việc hạ giá vé là một chủ trương đúng để các đoàn cải lương nói chung có thể “sống” lại, và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều đoàn cải lương ở miền Tây tiếp tục… hạ giá vé. Hy vọng tình hình sân khấu cải lương miền Tây sẽ… khởi sắc hơn.
Đoàn cải lương Kiên Giang - Ảnh: Thanh Tân