Theo báo Anh The Guardian, nhiếp ảnh gia Nga Sergey Gorshkov giấu camera 11 tháng trong khu rừng ở vùng Siberia để chụp được khoảnh khắc hiếm thấy của con hổ. Sự kiên nhẫn của ông được đền đáp xứng đáng với giải thưởng Nhiếp ảnh gia đời sống hoang dã của năm 2020. Giải thưởng vừa được Nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton - vợ của Hoàng tử William - công bố tại buổi lễ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London ngày 13.10. Tác phẩm thắng cuộc được chọn từ hơn 49.000 bức ảnh.
Ông Roz Kidman Cox, chủ tịch hội đồng giám khảo, gọi bức ảnh của nhiếp ảnh gia Gorshkov là: “Cái nhìn thoáng qua độc đáo về khoảnh khắc thân mật sâu sắc trong khu rừng kỳ diệu. Những tia nắng của mùa đông làm nổi bật cây linh sam cổ thụ và bộ lông của con hổ cái khổng lồ khi nó ôm chặt thân cây trong sự ngây ngất và hít hà mùi hương của hổ trên nhựa cây, để lại dấu ấn riêng như lời nhắn nhủ của nó”.
Nhân vật chính trong ảnh là con hổ Amur, hay còn gọi là hổ Siberia, sống trong các khu rừng rộng lớn ở miền Đông nước Nga, với số lượng ít cá thể ở biên giới Trung Quốc và có thể cả Triều Tiên. Bị săn đuổi đến bờ vực tuyệt chủng, quần thể này vẫn tiếp tục bị đe dọa bởi nạn săn trộm và khai thác gỗ. Nạn săn trộm và khai thác gỗ cũng ảnh hưởng đến con mồi của chúng, vốn chủ yếu là hươu và lợn rừng.
Các cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng những nỗ lực bảo vệ lớn hơn có thể đã giúp tăng số lượng cá thể loài này lên tới 500-600 con. Hổ Amur có lãnh thổ rộng lớn với chu vi lên tới 2.000 km đối với con đực và 450 km đối với con cái. Điều này khiến việc chụp ảnh chúng trở nên vô cùng khó khăn. Nhiếp ảnh gia Gorshkov nói rằng dù biết cơ hội của mình là rất mong manh nhưng vẫn quyết tâm chụp được hình ảnh của con hổ. Nhiếp ảnh gia đã lùng sục khắp khu rừng để tìm những dấu hiệu trên cây như mùi hương, tóc, nước tiểu hoặc vết xước. Ông Gorshkov đặt camera giấu kín đối diện với cây linh sam trong ảnh vào tháng 1.2019 và có được khoảnh khắc vàng vào tháng 11. Ông đặt tiêu đề cho bức ảnh là The Embrace (tạm dịch: Ôm lấy).
Ảnh con cáo của Liina Heikkinen (trên, bên trái); ảnh ong bắp cày của Frank Deschandol (trên, bên phải); ảnh khỉ đuôi lợn của Paul Hilton được chụp trong một khu chợ ở Bali, Indonesia (dưới, bên trái); ảnh con khỉ vòi đực đang tạo dáng tại một khu bảo tồn ở Sabah, Borneo của Malaysia (dưới, bên phải)
ẢNH: WILDLIFE PHOTOGRAPHER OF THE YEAR
Tim Littlewood, thành viên ban giám khảo và giám đốc điều hành khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, nói: “Cảnh tượng đáng chú ý của con hổ cái đắm mình trong môi trường tự nhiên của nó mang lại cho chúng tôi hy vọng, vì các báo cáo gần đây cho thấy số lượng đang tăng lên từ những nỗ lực bảo tồn chuyên nghiệp”.
Những bức ảnh đoạt giải ở các hạng mục khác bao gồm: bức ảnh về khỉ đuôi lợn của Paul Hilton giành “Giải thưởng câu chuyện của phóng viên ảnh về động vật hoang dã”; bức ảnh đáng chú ý của Frank Deschandol về hai con ong bắp cày đứng đầu hạng mục “Hành vi: Động vật không xương sống”. Nhiếp ảnh gia Phần Lan Liina Heikkinen được trao danh hiệu “Nhiếp ảnh gia Động vật Hoang dã Trẻ của năm 2020” với bức ảnh một con cáo quyết giữ con ngỗng mà nó bắt được.