Họa sĩ Bùi Thanh Tâm
ẢNH NSCC
Không chỉ được biết đến với sở thích đưa vàng lên tranh, họa sĩ Bùi Thanh Tâm còn đắm đuối với việc đưa những vàng son của tranh dân gian Việt Nam vào những tác phẩm đương đại của mình.
Triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing behind (diễn ra từ ngày 21 - 26.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) là triển lãm cá nhân thứ 6 và là triển lãm thứ 3 ở trong nước của họa sĩ Bùi Thanh Tâm như càng khẳng định đam mê khó từ bỏ này của anh.
Hơn 20 tác phẩm trong triển lãm chia thành 3 mảng chủ đề: Chiến tranh - Tình yêu - Đức tin, được Bùi Thanh Tâm đưa vào các dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ.
Những chất liệu truyền thống sử dụng được làm bằng đôi bàn tay của các nghệ nhân, ngay cả với chất liệu vàng. Nhiều tác phẩm được dát vàng ta với lượng lớn.
Theo lý giải của họa sĩ, chất liệu vàng không chỉ mang hiệu ứng về màu sắc, mà còn thể hiện sự quyền quý, linh thiêng. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với anh.
Giữ lại những giá trị đang dần mất đi
Bắt đầu từ khi nào anh có ý định thực hiện bộ tranh Không có gì đằng sau với việc đưa vào nhiều dòng tranh dân gian Việt Nam?
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Trong quá trình làm bộ tranh cho triển lãm cá nhân đầu tiên là Nàng Monalisa (2010), tôi đã bắt đầu suy nghĩ nhiều đến việc sử dụng chất liệu nghệ thuật dân gian, truyền thống.
Những bộ tranh tiếp theo là Những kẻ điên, Thiên đường bỏ ta đi, tôi đều sử dụng chất liệu tranh truyền thống nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn.
Nghệ sĩ luôn muốn đạt đến đỉnh cao nhất mà mình theo đuổi. Bởi vậy, sau triển lãm Thiên đường bỏ ta đi (2017), tôi muốn tạo nên một sự đột phá về nghệ thuật thực hành, ý niệm dựa trên văn hóa truyền thống. Và Không có gì đằng sau được nhen nhóm từ đó. Nhưng đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy thỏa hết mong muốn của mình!
Vì sao nghệ thuật dân gian lại hấp dẫn anh đến vậy?
Ngay từ đầu trong những bước thực hành làm một nghệ sĩ, tôi đã được tiếp cận với nghệ thuật hội họa dân gian. Chẳng hạn, trong những lần đi vẽ ký họa tại những ngôi làng, đình, đền, chùa cổ, mình nhìn thấy được thần thái, tay nghề của nghệ nhân Việt xưa.