Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
793
123.240.590

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người viết bài ca của niềm tin, hy vọng đã ra đi
Nhạc sĩ Văn Ký NGUYỄN ĐÌNH TOÁN Nhạc sĩ Văn Ký, một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã từ trần ngày 26.10.

 

Di sản âm nhạc mà ông để lại có khoảng 400 tác phẩm gồm ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng… cho thấy sự đa dạng trong sáng tác và sức làm việc của người nhạc sĩ.

 

Ca khúc vượt thời gian

 

Bài ca hy vọng có lẽ là ca khúc được nhắc đến nhiều nhất của Văn Ký, không chỉ bởi ý nghĩa của lời ca, vẻ đẹp của giai điệu mà còn bởi hành trình lịch sử đi cùng dân tộc, đất nước từ khi ra đời cách đây hơn 60 năm.

 

“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”, những câu hát, như nhạc sĩ Văn Ký từng chia sẻ, được bật ra trong ông một cách tự nhiên. Khi đất nước đang trong thời điểm khó khăn, người nhạc sĩ vẫn giữ một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tươi sáng. “Giữa lúc mọi thứ đang u ám, Bài ca hy vọng của Văn Ký như nhóm lên ngọn lửa trong những con người đang tham gia cuộc kháng chiến, hay đang bị giam giữ trong ngục tù”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nói và nhắc lại câu chuyện bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó chủ tịch nước) đã hát ca khúc Bài ca hy vọng trong thời gian bị địch bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. “Trong giai đoạn xuất hiện nhiều tác phẩm âm nhạc mang chất hào hùng, với nhịp hành khúc như để thúc giục, kêu gọi, Bài ca hy vọng lại được viết với chất trữ tình nhưng không hề bi lụy và đầy sức lay động lòng người. Ở đó, có tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa cùng khát vọng sống trong đất nước được thống nhất, tự do”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.

 

Vang lên trên những mặt trận, qua những chắn song sắt, Bài ca hy vọng vẫn “sống” trong đời sống hôm nay. Nhiều thế hệ nghệ sĩ đã đưa Bài ca hy vọng đến với khán giả, từ những thế hệ đầu tiên như Khánh Vân, Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, cho đến những thế hệ kế cận là Hồng Nhung, Lan Anh, Tùng Dương… Ca sĩ Tùng Dương đã hát Bài ca hy vọng trên nhiều sân khấu, hay trên đường phố, có khi anh hát cùng dàn nhạc giao hưởng, có khi là ban nhạc rock… Theo ca sĩ Tùng Dương, ca khúc thường được định hình bởi giọng hát nữ với chất giọng cao, uyển chuyển, nhẹ nhàng, nhưng vẫn phù hợp với giọng nam cùng sự hào sảng, cuồn cuộn, hùng mạnh. “Mỗi cá nhân nghệ sĩ có cách xử lý riêng, cũng như mỗi thế hệ nghệ sĩ lại mang tâm thế khác nhau khi thể hiện ca khúc”, nam ca sĩ chia sẻ. Anh nói: “Tôi sinh ra trong thời bình, thời kỳ kiến thiết và xây dựng đất nước. Bởi vậy, khi hát Bài ca hy vọng , tôi thấy mình mang tinh thần phơi phới, căng tràn sức sống. Trong đó, có những con người trẻ muốn chinh phục những giấc mơ lớn của thời đại, cùng sự nỗ lực, đóng góp làm quê hương, đất nước giàu mạnh”.

 

Dấu ấn trữ tình

 

Nói đến âm nhạc của Văn Ký, một trong những đặc điểm nổi bật là chất trữ tình trong những ca khúc cách mạng. Ca khúc Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi của nhạc sĩ Văn Ký, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, là tác phẩm nổi bật cho thấy tính trữ tình được nhạc sĩ đưa vào một cách tự nhiên trong tác phẩm âm nhạc mang tính cổ động, tuyên truyền. “Ông có biệt tài sáng tác để tuyên truyền cho những phong trào, chính sách của đất nước… nhưng vẫn tạo nên sức hút, khiến khán giả tò mò muốn nghe, mà đã nghe thì sẽ nhớ”, ông Long nói và nhìn nhận, chính tính trữ tình cũng khiến nhiều ca khúc của Văn Ký đi vào lòng người nghe, thấy yêu hơn quê hương, đất nước, hay gần gũi với mảnh đất nào đó. “Khi thong dong trên đường phố Hà Nội, bất chợt nghe thấy những câu hát xanh xanh thắm, bầu trời xanh Hà Nội, Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh…, nhiều người hẳn sẽ xúc động vì những giai điệu tuyệt vời ấy”, ông Long bày tỏ.

Trong mắt của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Văn Ký là con người của niềm tin, hy vọng, như trong âm nhạc của ông. Nhiều năm nay, nhạc sĩ Văn Ký mắc bệnh tuổi già nhưng ông vẫn lạc quan, chăm chỉ tập yoga, rèn luyện sức khỏe. “Ông Văn Ký lúc nào cũng vui sống”, nhạc sĩ Thụy Kha nói.

 

Có một điều ông Kha tiếc là, năm nay, nhạc sĩ Văn Ký mới được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật dù “những đóng góp của ông từ lâu đã rất xứng đáng rồi”. “Giải thưởng nếu có sẽ được truy tặng, nhưng tiếc là nhạc sĩ không còn sống nữa”, ông Kha bùi ngùi nói.

 

Nhạc sĩ Văn Ký (tên thật là Vũ Văn Ký) sinh ngày 1.8. 1928, tại H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong gia đình có truyền thống nho học. Ông lớn lên trong gia đình người chú ở H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi và viết ca khúc đầu tay Trăng xưa khi mới 18 tuổi. Sau khi được cử tham gia học lớp âm nhạc tại Liên khu 4 ở Nghệ An, ông về hoạt động văn nghệ tại Bình Trị Thiên. Ông làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu 4 từ năm 1950 - 1954 và tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1955 - 1957. Năm 1957, ông là hội viên sáng lập và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên thường vụ của hội từ năm 1963.

 

Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Ký: Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Bài ca hy vọng , Trời Hà Nội xanh… Cùng với mảng ca khúc, nhạc sĩ Văn Ký sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc quy mô như nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô, ca kịch Nhật ký sông Thương, tổ khúc thiếu nhi cho piano, tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí. Ông còn viết nhạc cho các bộ phim truyện như Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu…

 

Nhạc sĩ Văn Ký được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 2001 với 5 bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng , Tây nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về; Huân chương Độc lập hạng ba (năm 1961), Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

 

Nhạc sĩ Văn Ký qua đời vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 26.10 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), hưởng thọ 92 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ Văn Ký được tổ chức từ 11 giờ 30 - 12 giờ 45 ngày 30.10 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

 

 

Ngọc An - TN0
Tin tức khác