Chương trình biểu diễn Song tếu hợp bích cuối tháng 10 qua tại Hà Nội của Saigon Tếu cùng nhóm hài kịch Haha Hanoi (chuyên về hài ứng tác, tiểu phẩm và gần đây là hài độc thoại) như một sự giao thoa cả về hình thức thể hiện và văn hóa hai miền Bắc - Nam, mang lại không ít thú vị như nhận xét của nhiều khán giả.
Đa dạng sắc màu
Theo Uy Lê - trưởng nhóm hài độc thoại Saigon Tếu, vì đã diễn hài độc thoại 5 năm ở cộng đồng tiếng Anh, nên khi bắt đầu hoạt động tiếng Việt, nhóm tập trung vào việc xây dựng cộng đồng và giúp định hướng, chia sẻ cho mọi người hiểu những giá trị của hài độc thoại (Stand-up comedy: loại hình phổ biến trên thế giới với một diễn viên diễn trực tiếp trước khán giả, nói về những vấn đề của cuộc sống, xã hội hay về chính bản thân họ nhằm truyền tải thông điệp hay thể hiện sự châm biếm thâm thúy một cách hài hước - PV). Bên cạnh đó, internet và mạng xã hội cũng giúp những video hài độc thoại của Saigon Tếu được lan tỏa mạnh.
Điều quan trọng cũng là thách thức không nhỏ với người diễn hài độc thoại là khả năng sử dụng lẫn độ nhạy bén về ngôn ngữ - ở ta là khả năng làm chủ tiếng Việt. Cùng với đó là phải có kiến thức, cập nhật thời sự và bắt trend...
TS Đào Lê Na
Uy Lê chia sẻ: “Dịch Covid-19 xảy ra là thời gian mà hơn lúc nào hết mọi người cần tiếng cười, nhu cầu giải trí qua mạng cũng tăng cao nên kênh YouTube của nhóm tăng trưởng... chóng mặt (hiện nhóm có hơn 220.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, hơn 19 triệu lượt xem trên YouTube và Facebook)”. Từ lúc có lượng xem - yêu thích - chia sẻ ổn định trên mạng xã hội, Saigon Tếu bắt đầu nhận được nhiều cơ hội hơn về hợp tác, quảng cáo.
Uy Lê cho biết thêm: “Có thể trước đây nhiều người xem một vài video hài độc thoại nước ngoài và cảm giác nó gắn với sự “tục”. Nên chúng tôi muốn dẫn chứng cho khán giả là hài độc thoại có rất nhiều sắc màu khác nhau”. Cùng với những buổi diễn hằng tuần (tại quán Monkey in Black ở Q.10, TP.HCM), những ai theo dõi kênh YouTube Saigon Tếu đều thấy sự đa dạng của nội dung. Không chỉ vậy, phong cách từng thành viên trong nhóm cũng mang dấu ấn riêng. Chẳng hạn, Phương Nam có thể nói về đề tài gia đình, hoặc một chút về chủ đề tình dục với giới trẻ (nên rất được khán giả trẻ ưa chuộng). Tùng BT thường thể hiện những quan điểm lạ, thú vị trong hành trình khởi nghiệp và hoạt động trong mảng giáo dục giới tính. Uy Lê cũng nói về những điều mình quan tâm, mối quan hệ gia đình hoặc quan điểm xã hội; trong đó có không ít lần đả động đến một vài đề tài khó như nạn bắt nạt học đường, sự kỳ thị với cộng đồng LGBT hoặc sự tranh cãi quanh việc kiểm soát sinh sản, nạn phá thai… Đây là những đề tài “khó nhằn” trong việc tạo ra tiếng cười cũng như rất gây tranh cãi, nên người thể hiện đã phải rất cẩn trọng trong quá trình thử nghiệm. Và chuyện bị “ném đá” đôi khi cũng không tránh khỏi. “Nhưng nhóm khá hài lòng với việc qua hình thức hài độc thoại có thể đưa lên những tiếng nói, những thông điệp thường bị bỏ quên đó”, trưởng nhóm Uy Lê bày tỏ.
Cần thời gian để “phủ sóng” rộng
Tuy là thể loại chưa phổ biến tại Việt Nam, song hài độc thoại đã từng lên sóng truyền hình và tạo ít nhiều ấn tượng trong các chương trình tìm kiếm tài năng hay show thực tế về hài (Vietnam‘s Got Talent, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm...). Năm 2019, Yume Art Project cũng từng tổ chức khóa học ngắn hài độc thoại với nghệ sĩ Ben Betterby (Mỹ) nhằm truyền kinh nghiệm về khả năng diễn xuất, thủ pháp hài hước hóa câu chuyện và nghệ thuật nói trước công chúng cho các bạn trẻ... và gần đây là sự “trỗi dậy” của nhóm Saigon Tếu.
Theo TS Đào Lê Na - Trưởng bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM), người sáng lập và điều hành Yume Art Project thì những gì mới, lạ, vui luôn dễ gây hào hứng và sự lan tỏa khá nhanh của Saigon Tếu cũng dễ lý giải. “Điều quan trọng cũng là thách thức không nhỏ với người diễn hài độc thoại là khả năng sử dụng lẫn độ nhạy bén về ngôn ngữ - ở ta là khả năng làm chủ tiếng Việt. Cùng với đó là phải có kiến thức, cập nhật thời sự và bắt trend (xu hướng)...”. Cô cho rằng đây là thể loại dễ thu hút với giới trẻ, bởi dám “nói”, châm biếm những điều người ta không dám hay ngại lên tiếng mà người nghe cảm thấy thoải mái, tự nhiên bật ra tiếng cười.
Ở góc độ sản xuất chương trình truyền hình, bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Vietcom Film, cho rằng hài luôn là “món ăn” tinh thần cần thiết cho khán giả. Nhưng theo bà: “Hiện nay chúng ta đang tận dụng tối đa khả năng diễn xuất, ứng biến của các nghệ sĩ, diễn viên hài - họ đang bị vắt kiệt khả năng của mình khi luôn phải nỗ lực cứu các chương trình để mang lại tiếng cười cho khán giả”. Do đó để tiếng cười thật sự thoải mái, tự nhiên hơn thì việc tìm kiếm, đầu tư cho nội dung, hình thức chương trình là điều các nhà sản xuất luôn trăn trở.
Hài độc thoại dù đang tạo sự quan tâm nhất định với công chúng, nhưng theo một số nhà sản xuất, đây là thể loại không dễ “phủ sóng” đến rộng rãi khán giả - nhất là qua truyền hình, bởi những đặc tính của thể loại này. Uy Lê nhìn nhận: “Hài độc thoại hiện chưa phải là hình thức nghệ thuật - giải trí quá quen thuộc với người Việt, nên có thể sẽ cần một thời gian nữa để nhiều người biết đến hơn”. Đại diện Saigon Tếu cũng cho biết nhóm đang triển khai nhiều kế hoạch như: sản xuất những chương trình, tổ chức các workshop mới, cũng như sẽ lưu diễn thêm ở nhiều tỉnh, thành và làm những chương trình lớn hơn...