Đâu chỉ “trái tim lông”
Đầu tháng 12.2020, một trái tim được đan kết bằng mây tre với viền ngoài tua tủa xuất hiện tại không gian hồ Gươm, kéo theo nhiều tranh cãi về tính thẩm mỹ trước khi bị tháo dỡ. Đa phần ý kiến đều cho rằng “quá xấu” hoặc không phù hợp với hồ Gươm và trái tim này ngay lập tức được gọi một cách đầy bỡn cợt là “trái tim lông”. Một kiến trúc sư đánh giá bản thân trái tim không xấu, nhưng hoàn toàn xa lạ với không gian hồ Gươm. “Không thể đặt một vật mới vào không gian văn hóa như hồ Gươm mà không tính hết các hiệu ứng của nó về hình dáng, chất liệu, câu chuyện”, vị kiến trúc sư nhận định.
Đối với tôi, những tác phẩm này là xấu. Ban ngày trông cũng xấu mà ban đêm cũng xấu. Xấu đều
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh
Điều đáng nói hơn là theo ông Trần Lương, một giám tuyển nổi tiếng, “trái tim lông” chưa phải “điều tệ hại nhất” với các không gian công cộng ở Hà Nội. “Có những cái đã được bày nhiều năm nay quanh hồ Gươm” hay “tràn ngã tư, ngã năm của thành phố”, ông Lương chia sẻ trên Facebook cá nhân. Kèm theo đó, ông gắn những bức ảnh chụp một đóa sen hồng lớn gây “nhức mắt” đặt ngay quảng trường trước Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô hoặc những sắp đặt mô hình chậu hoa lớn nhỏ, cao thấp lố nhố và vàng chóe tại quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước.
Về những mô hình này, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh (có công trình đoạt giải tại Giải thưởng Kiến trúc châu Á 2A năm 2015) đánh giá: “Đối với tôi, những tác phẩm này là xấu. Ban ngày trông cũng xấu mà ban đêm cũng xấu. Xấu đều. Nếu so với tác phẩm của các nước lại càng thấy rõ”.
Những tủ điện được sơn vẽ quanh hồ Gươm cũng ở trong tình trạng xấu khó tả. Trên đó, những hoa, những cây, những trái đất được vẽ ngô nghê, lạnh lẽo. Chưa kể, Hà Nội còn từng có những tranh tường “không đâu ra đâu” với diện tích lớn trên phố Phan Đình Phùng. “Chịu, không thể hiểu nổi”, bà Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, lắc đầu.
“Các cơ quan chức năng văn hóa ở đâu mà để lắm nghệ thuật công cộng to, xấu và lòe loẹt ở toàn nơi “điểm” của thành phố thế? Hay đó chính là gu thẩm mỹ của họ?”, ông Trần Lương đặt câu hỏi.
Cần thay đổi tư duy duyệt
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết mọi công trình nghệ thuật tại nơi công cộng đều có hội đồng nghệ thuật duyệt, bao gồm cả hoa sen trước cửa Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô và một số công trình trả quyền lợi xã hội hóa cho doanh nghiệp bị đánh giá là xấu. Về điều này, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Chúng ta đã mang tác phẩm ra ngoài trời thì nó phải đẹp cả ngày cả đêm. Chúng ta làm tác phẩm ở nơi công cộng để đẹp, thì kể cả trả quyền lợi cho doanh nghiệp cũng không thể để ảnh hưởng cảnh quan chung”.
Trong khi đó, theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: “Một dự án nghệ thuật công cộng khi được thực hiện thành công sẽ tạo nên các hiệu quả cộng hưởng, nó không chỉ nâng cao thẩm mỹ chung cho cộng đồng, mà còn nâng cao ý thức tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật, giúp ích cho giáo dục nghệ thuật”. Bản thân ông Sơn có những tác phẩm, tổ chức những tác phẩm nơi công cộng được nhiều người yêu mến và tương tác, chẳng hạn như ở phố đi bộ Phùng Hưng. Điều này cho thấy việc sáng tạo thẩm mỹ cho không gian công cộng hoàn toàn không quá tầm tay của thành phố.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Lương Xuân Đoàn, người từng tham gia duyệt nhiều mẫu tác phẩm để thi công trên đường phố Hà Nội, cho biết từ mẫu phác thảo cho đến khi dựng ra luôn luôn có sự xê dịch do những thách thức từ cấu trúc không gian đặt để, chất liệu, ánh sáng ban ngày và ban đêm khác nhau. “Vào ban đêm, khi hiện hữu trong ánh sáng của đèn, hỗ trợ công nghệ nó cũng khác, nên luôn phải khắc phục điều đó. Chúng ta cũng tổ chức nhiều cuộc thi để lựa chọn mẫu tốt nhất nhưng nó sẽ phải chịu đựng việc đối diện với kiến trúc mới, cũ, cây xanh... đầy áp lực. Nên nhiều khi phải thử, thử ra rồi còn phải tiếp tục điều chỉnh”, ông Đoàn nói.
Một thách thức nữa khiến nhiều khi tác phẩm công cộng Hà Nội xấu vì có sự ràng buộc của các biểu tượng. “Có sự ràng buộc của biểu tượng, chẳng hạn hoa sen, chim bồ câu. Không dễ gì mà có những cái khác thay thế ngay được. Việc tìm kiếm, xét duyệt cũng qua nhiều khâu, từ phù hợp thị hiếu của người quản lý, rồi còn nhà tài trợ nữa. Từ việc chung sống với nhiều thị hiếu khác nhau đến một tiếng nói chuẩn về mỹ cảm thì không thể ngày một ngày hai được”, theo ông Đoàn.
Vì thế, có lẽ đã đến lúc thay đổi tư duy lựa chọn tác phẩm công cộng, đặc biệt là khi Hà Nội đã trở thành một thành phố sáng tạo.