Như trong bài trước đã phản ánh, vì tình hình dịch bệnh ở Nam kỳ thập niên 1890 hết sức căng thẳng, nên nhà chức trách phải tổ chức liên tục những điểm chích vắc-xin "lưu động" ở nhiều nơi để phòng ngừa và hạn chế lây lan. Tại hạt Gò Công, số người đến tiêm vắc-xin mỗi buổi khoảng 5.000 (dân số 68.000 người), bác sĩ Baurac viết về chuyện này rất rõ trong cuốn sách Nam kỳ và cư dân miền Đông: “ngày nay, người bản xứ có niềm tin lớn lao vào vắc-xin, họ đã chăm lo hơn đến sức khỏe của con cái, cũng như cho chính họ”.
Hạt Chợ Lớn có dân số 292.100 người, theo ước tính của tác giả Baurac thì số lượng trẻ em trung bình hiện diện tại mỗi buổi tiêm chủng khoảng 4.000. Số người có mặt ở mỗi kỳ tiêm chủng ở hạt Mỹ Tho đạt trung bình khoảng 7.000-8.000 (dân số 232.628 người). Theo bác sĩ Baurac nhận định, người dân sẽ đến các địa điểm tiêm chủng còn cao hơn nữa nếu lệnh của các ngài Chánh tham biện được thực thi tốt hơn.
Baurac đánh giá cao việc người dân ở hạt Tân An đi tiêm chủng rất đầy đủ, khoảng 4.000 người mỗi lần (dân số 69.800 người). Trong quá trình tiêm chủng, ông quan sát thấy rằng những đứa trẻ ở khu vực lân cận quanh Đồng Tháp Mười thuộc tổng Mộc Hóa trông không cứng cáp và kém khỏe mạnh như những đứa trẻ thuộc các khu vực khác của hạt. Nguyên nhân có lẽ do điều kiện vệ sinh công cộng không đảm bảo, môi trường ẩm thấp do nhiều kênh rạch và đầm lầy, ông viết trong sách đã dẫn: “cơ thể bọn trẻ đầy vết loét, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 10-12, chúng tôi cho rằng vết loét là do muỗi đốt, những vùng này muỗi nhiều vô kể.”
Hạt Biên Hòa, số người trung bình hiện diện tại mỗi buổi tiêm khoảng 2.500-3.000. Tiều phu ở Tây Ninh rất đông, họ sống chủ yếu trong rừng, “xây nhà tạm ở với đàn trâu trong những điều kiện vệ sinh tồi tệ”, Baurac nhận xét. Tiều phu chỉ đến lỵ sở khi thấy người bị sốt và chi chít vết thương. “Khi đó họ mới nhận ra lợi ích của thuốc men Pháp và nhất là thuốc sát trùng”. Tại Tây Ninh, các kỳ tiêm chủng được tổ chức 6 tháng một lần xong những trận dịch đậu mùa nhỏ thỉnh thoảng bùng phát ở một số nơi trong hạt. Theo Baurac, “những tổng Cao Miên thường bị nhiễm đầu tiên, các làng nằm gần biên giới luôn phải hứng chịu căn bệnh quái ác này".
Hạt Thủ Dầu Một có dân số là 57.500 người, vì dân cư thưa thớt và các làng cách xa nhau nên người dân đến trong mỗi buổi tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các hạt khác. Số trẻ tiêm chủng bình quân mỗi đợt không quá 2.500 trẻ.
Theo ghi chép của bác sĩ Baurac, lúc bấy giờ vịnh Gành Rái (Vũng Tàu) từng được chọn làm trại cách ly tập trung trong trường hợp có dịch bệnh. Trại cách ly Gành Rái gồm nhiều dãy nhà nằm dưới chân quả đồi, khuất gió. Nơi đây, chính quyền thuộc địa thực hiện cách ly những hành khách bị lây nhiễm trên những tàu bè đi vào vùng sông nước Nam kỳ.
Baurac cho biết vào năm 1891, chiến hạm Shamrock, trở về từ Bắc kỳ, chở theo nhiều nhân vật quan trọng của thuộc địa về lại Sài Gòn và các tù nhân Bắc kỳ bị kết án lưu đày đến Côn Lôn. Trên tàu bùng phát dịch tả, Sở y tế Sài Gòn liền đưa ra lệnh yêu cầu cách ly hành khách trên tàu. Tàu đổ bộ vào Gành Rái, nhóm của Baurac được chỉ định làm bác sĩ tại trại cách ly. Đợt cách ly diễn ra trong những điều kiện tốt nhất, và may mắn là không có ca tử vong nào.
Baurac viết những dòng cảm xúc: “Quãng thời gian ở Gành Rái luôn đọng lại trong tâm trí chúng tôi và thấy vui vẻ mỗi khi nhớ lại. Lúc đầu, chúng tôi đã rất lo lắng, nhưng với sự đón tiếp nồng nhiệt, không khí trong lành, thức ăn bổ dưỡng, chăm sóc vệ sinh tốt nhất cùng với một số trò tiêu khiển, chẳng mấy chốc bệnh dịch tả bị đẩy lùi. Vòng vây y tế chúng tôi thiết lập quanh trại cách ly […] cũng được lệnh gỡ bỏ […]. Đợt cách ly kết thúc trong sự vui mừng của tất cả mọi người”.
Những lo ngại của người dân về chương trình tiêm chủng
Vì thực hiện các đợt tiêm chủng khắp xứ, Baurac nhận thấy rằng dân số Nam kỳ đông hơn rất nhiều so với số liệu thống kê của chính quyền bản xứ, theo ông là cao gấp ba lần những gì thống kê cho thấy. Việc thống kê không đúng phần nào đó ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị.
Bác sĩ Baurac chỉ ra nguyên nhân của một số thất bại trong quá trình tiêm chủng, một trong số đó là do độc lực vắc-xin thấp. Ông viết: “Giả sử rằng vắc-xin có sự chênh lệch đột ngột về nhiệt độ kể từ khi lấy ra từ phòng thí nghiệm cho đến khi tới tay chúng tôi trong nội địa, và do đó chất lượng của nó có thể bị giảm, chúng tôi đã chuẩn bị để xếp đặt, trên tàu Vaïco, một tủ đông nằm phía trước sà-lúp. Ngoài ra, với lưỡi chích và thậm chí là kim tiêm vắc-xin thông thường, không phải lúc nào cũng có thể tiêm đủ số lượng vắc-xin cần thiết, đặc biệt là khi kim tiêm quá cùn”.
Chiến dịch tiêm chủng ở Nam Kỳ không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi sự nghi ngại của người dân, họ sợ hãi khi giao con cho bác sĩ để tiêm vắc-xin, quên đưa trẻ em đi tiêm chủng vào các lượt định kỳ, hoặc sự bất hợp tác của người Mọi ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa…
Trong chương trình tiêm chủng ở Nam kỳ không thể không nhắc đến vai trò của Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TP. HCM). Bác sĩ Calmette là người được giao nhiệm vụ thành lập và điều hành Viện năm 1891. Baurac cho rằng, những người như ông nợ bác sĩ Treille, Tổng thanh tra cơ quan y tế thuộc địa, về sự gợi ý thành lập ở Sài Gòn viện sản xuất vắc-xin này. Cũng theo Baurac, bác sĩ Vantalon, Corre, Chédan, Helgouach, Alavoine… là những người tiên phong thực hành tiêm chủng ở Nam kỳ.