“Đặc sệt” nét phóng khoáng và tính cách hào sảng của người Sài Gòn, nhà văn - nhà nghiên cứu Lê Văn Nghĩa chính là dân gốc của vùng đất phương Nam này. Nhà báo Vương Quang Vĩnh (Báo Công an TP.HCM) thân thương đã mạn phép gọi anh là “một người con tài hoa, khiêm nhường”.
Nhắc về kỷ niệm với tác giả cuốn sách “người bán nụ cười" Lê Văn Nghĩa, ông Vĩnh kể: “Khi bước chân vào TPHCM, tôi đã nghe tiếng tăm của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa với nhiều bài viết trào phúng, châm biếm sâu sắc trên Tuổi trẻ Cười, nhưng mãi đến năm 2003 mới quen biết anh. Từ đó, anh em thường xuyên liên lạc với nhau. Cơ may đến năm 2009, tôi cùng với anh đi Mỹ cùng với mấy anh em nữa. Rồi năm 2010, chúng tôi lại xách va ly lên đường chu du khắp châu Âu. Cũng ngay sau chuyến đi đó về nước chừng một tháng, anh phải vào bệnh viện Bình Dân điều trị căn bệnh K. Ngày vào thăm anh ở bệnh viện, anh rất lạc quan về sức khỏe của mình. Chính điều này cộng với nghị lực đã giúp anh chống chọi, vượt qua bệnh tật, tiếp tục sống và sáng tác nhiều tác phẩm hay, có ý nghĩa sau này cho đến những ngày cuối cùng...”.
Nhà thơ Phùng Hiệu cho biết thêm: “Hơn 10 năm trước, nhà văn Lê Văn Nghĩa phát hiện bị ung thư trực tràng và nhập viện chạy chữa. Mấy năm gần đây, sức khỏe anh có phần tốt lên. Bạn bè lại thấy anh cặm cùi viết sách về Sài Gòn và ra mắt sách đều đặn, thường xuyên gởi bài cộng tác với trang Văn Chương Phương Nam (Hội Nhà văn TP.HCM), để thông qua những bài viết, truyện trào phúng mang ý nghĩa đả kích những thói hư tật xấu, anh muốn góp phần xây dựng xã hội văn minh và trong sạch”.
Tuy nhiên, theo nhà báo Vương Quang Vĩnh lần gặp gần nhất giữa anh với nhà văn Lê Văn Nghĩa cách đây cũng chừng ba tháng. “Sáng hôm đó, tôi và anh Phạm Thanh Long có hẹn anh uống cà phê ở Sài Gòn Phố. Anh nói nằm bệnh viện mới ra. Trông sắc mặt của anh không được tốt như những lần gặp trước đó. Anh có nói với tôi:” Dạo này sức khỏe tao kém quá mày ơi, chắc mình không còn gặp nhau nhiều nữa”. Tôi nói:” Anh không sao, rồi sẽ khỏe mà”. Hôm đó, đại gia-nhà thơ Phạm Thanh Long có gởi cho anh ít thực phẩm ăn vặt cho những người bị bệnh tiểu đường và có hẹn tuần sau gặp nhau sẽ gởi thêm. Nhưng tuần sau, tôi có điện thoại anh bảo không thể đến được… Và không ngờ, đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau”, nhà báo Vương Quang Vĩnh bùi ngùi.
Nữ nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cũng có nhiều gắn bó thân thiết với anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa. Giai đoạn hay tin bác sĩ chuyên khoa nói gan anh Nghĩa không thể phẫu thuật, chỉ có thể hóa trị nhưng thận lại suy nặng, nên không còn cách nào khống chế tế bào K, nhà văn Bích Ngân đã viết bài thơ rất cảm động gởi qua inbox cho ông: “Rồi ai cũng về chốn ấy/nơi không còn phập phồng âu lo/Rồi ai cũng về chốn ấy/nơi đớn đau không còn dày vò/Rồi ai cũng về chốn ấy/nơi máu đỏ thành đất nâu sồng/Rồi ai cũng về chốn ấy/nơi lẻ loi được ôm lấy một mình”.
Trên trang cá nhân, nhà báo Lê Thị Bạch Mai – chị Chích Chòe một thời vang bóng trên báo Tuổi Trẻ Cười viết như trách cứ, giận dỗi nhà văn Lê Văn Nghĩa: “23 giờ 30 phút, trên trang nhà tôi toàn tin buồn về ông đó, Lê Văn Nghĩa. Vì tôi với ông có rất nhiều bạn chung. Buồn không nói nổi. Trong tôi, ông còn hơn một người bạn. Tụi mình gắn bó với nhau từ thời học trò làm báo đấu tranh như tờ Bất khuất của Pétrus Ký - trường của ông, tờ báo Áo Trắng của Lê Văn Duyệt - trường của tôi. Tụi mình lâu rồi không gặp nhau. Giờ thì ông đi mất luôn. Tôi biết hờn giận ai đây? Muốn tiễn đưa cũng không thể. Thôi thì bạn cứ đi, để nước mắt lại cho tôi...”.
Mấy hôm nay, nghe nhà văn Lê Văn Nghĩa trở bệnh nặng, Tổng Biên tập – Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM đã cố gắng, cho chạy hết tốc lực tại các khâu để kịp ra đời hai đứa con tinh thần Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ và 36 mẩu chuyện trong tập Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng của ông với hình thức hoàn toàn khác lạ nhưng đã không kịp nữa. Và ông cũng không thể thấy tác phẩm cuối cùng Sài Gòn - những mảnh ghép rời ký ức, đang "nên vóc nên hình" tại NXB Trẻ sắp ra mắt…
Vĩnh biệt anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa, kể từ 22 giờ 25 phút đêm qua (25.7), bạn báo chí và văn chương sẽ không còn nghe giọng rặt Nam Bộ dễ thương của anh hổn hển trên điện thoại nữa rồi: “Alo. Đang ở đâu vậy mầy, làm vài ve hôn ?”.