Chúc phúc vua, cầu an cho đất nước
Cố Giáo sư (GS) Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học) cho biết vua Minh Mệnh (Minh Mạng) chính là người cho đúc những đồng tiền thưởng có ảnh hưởng tới việc đúc tiền của các vua Nguyễn sau đó. Theo GS Ninh, vua Minh Mệnh chú ý tới việc xây dựng đất nước và đạt được nhiều thành tựu hơn cả so với những đời vua Nguyễn khác.
“Chính sách đời Minh Mệnh làm tiền tệ đời này đạt tới đỉnh cao trong lịch sử phát triển tiền tệ thời Nguyễn. Có thể nói, nhiều loại tiền mới chỉ có ở thời Nguyễn được bắt đầu ban hành rồi định hình từ đời này. Những đồng tiền lớn mang mỹ hiệu 4 chữ hoặc 8 chữ dùng làm tiền thưởng xuất hiện. Những đời vua sau có đúc thay mỹ hiệu khác thì quy cách, kích thước cũng dựa trên những nét căn bản của triều Minh Mạng”, GS Ninh viết trong cuốn Tiền cổ Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 2019).
Theo khảo tả của GS Đỗ Văn Ninh, tiền đồng lớn thời Minh Mệnh có đường kính 50 mm, đúc ra với mục đích biểu dương công đức nhà vua, tán dương triều đại. Tiền này được lưu trữ ở tất các kho tiền các tỉnh và đặc biệt được trữ tại kho Kinh. Tiền này cũng được lưu thông và tất nhiên giá trị của chúng cao hơn những đồng tiền nhỏ. Ký hiệu tiền tệ, niên đại chế tạo, địa phương đúc đều được đúc rõ ràng trên tiền.
GS Ninh cho biết thêm, những đồng tiền thưởng ngoài tên đồng tiền trên mặt, còn có chữ đúc nổi ở lưng tiền. Những chữ đúc ở lưng này hoặc 8 hoặc 4, gọi là mỹ hiệu. Những đồng tiền mang mỹ hiệu 4 chữ không khác gì những đồng mang mỹ hiệu 8 chữ cả về kích thước, chất liệu, kỹ thuật đúc.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến (nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia), thông điệp trên những đồng tiền này thường mang ý nghĩa tốt lành, chúc phúc cho nhà vua, cầu bình an cho đất nước, cầu được mùa, giáo dục tam cương ngũ thường. Chẳng hạn, thời Minh Mệnh có những mỹ hiệu 8 chữ như: “Hiền hiền, thân thân, lạc lạc, lợi lợi” - nghĩa là hiền với người hiền, thân với người thân, vui cái vui, lợi cái lợi; “Nguyên lưu thuận quỹ, niên cốc phong đăng” - nghĩa là nguồn nước thuận dòng, hằng năm được mùa; “Đắc vị, đắc danh, đắc lộc, đắc thọ” - nghĩa là được địa vị, được công danh, được lộc, được sống lâu… Ông Chiến đánh giá: “Như vậy, nội dung của nhiều đồng tiền thưởng không chỉ giáo dục nhân cách con người theo quy phạm đạo đức, mà còn thiên về khía cạnh giáo dục chính trị đạo đức”.
Số loại và số lượng tiền thưởng ở mỗi đời vua cũng không giống nhau. Chẳng hạn, thời vua Thiệu Trị có 40 loại tiền lớn in mỹ hiệu, nhiều hơn thời Minh Mệnh 10 loại. Đến thời Tự Đức, tiền thưởng lớn đúc bằng đồng có số loại và số lượng ít hơn 2 thời Minh Mệnh và Thiệu Trị. Theo GS Ninh, sử sách không thấy ghi chép rõ ràng, song căn cứ vào hiện vật thì thấy chỉ có 12 loại mang mỹ hiệu.
Tiền khắc thơ, tiền ra trận
PGS-TS Nguyễn Đình Chiến cho biết thời vua Thành Thái có 1 đồng tiền thưởng khắc thơ. Đồng tiền bạc mạ vàng Thành Thái thông bảo này là loại tiền hình tròn dẹt, không lỗ, đường kính 6,5 cm, nặng gần 4 g. Mặt tiền có gờ viền mép, chính giữa là hình rồng mây, phía trên là hình mặt trăng và hình mặt trời, phía dưới là hình sóng biển. Lưng tiền khắc bài thơ xung quanh hình mặt trời nhiều tia ở giữa. Bài thơ được dịch nghĩa: “Ngọc ngàn năm đổi sắc, Vàng muôn thuở truyền đời, Đền ơn người có đức, Quý giá nhất hiền tài”. Đồng tiền khắc thơ này là một hiện vật trong bộ sưu tập tiền thưởng thời Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tác giả Tạ Chí Đại Trường trong cuốn Chuyện phiếm sử học cho biết đầu thế kỷ 20 có một nhóm người Việt đánh Tây, miệng ngậm đồng Minh Mạng, tin rằng nhờ đó sẽ không bị dao đâm thủng, súng bắn chết. Ông cũng kể chuyện: “Người ta đã dùng các đồng Minh Mạng lớn - các loại đúc làm tiền thưởng, đường kính khoảng 35 mm - làm tiền cho trẻ con đeo trừ bệnh tật, tà ma…”.
PGS-TS Nguyễn Đình Chiến đánh giá hoa văn trang trí trên tiền thưởng triều Nguyễn rất đa dạng, linh động và biến ảo. Chẳng hạn, có những đồng trang trí hoa dây, cây cỏ, mặt trời..., lại có những đồng trang trí, khắc họa hình ảnh các con vật thiêng, như: rồng, hổ phù, long mã. Ông cũng lưu ý việc nhiều mẫu hình rồng xuất hiện trên tiền thưởng mang hình chữ S cùng với niên hiệu của vua. Ông Chiến cho rằng đó dường như là dấu ấn sâu đậm về hình hài đất nước Việt Nam dưới thời Nguyễn.
Hiện tại theo ông Chiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi có bộ sưu tập tiền thưởng thời Nguyễn lớn nhất. Sưu tập tiền thưởng này nằm trong bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn có minh văn, gồm nhiều chất liệu quý hiếm khác nhau. Trước đó, sưu tập bảo vật triều Nguyễn do Bộ Tài chính bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hồi 1959, có nguồn gốc từ kho tàng của Cung đình Huế bàn giao cho chính quyền Cách Mạng Tháng 8. Sau đó, vì lý do an ninh, an toàn, sưu tập này được bảo tàng đóng thùng, niêm phong gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bảo tàng được nhận lại vào năm 2007. Cũng theo ông Chiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng cho Huế mượn lại bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn này để trưng bày.