Bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đang được lưu giữ tại chùa Trà Phương thuộc xã Thụy Hương (H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg, ngày 31.12.2020.
Tư liệu ghi chép trên tấm bia “Tu tạo Bà Đanh tự” khắc năm 1562 đời vua Mạc Mậu Hợp cho biết bà Vũ Thị Ngọc Toàn đã cùng 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc đóng góp công của xây dựng lại chùa Trà Phương tại vị trí hiện nay. Để ghi nhớ công lao của bà, dân làng đã thuê thợ về tạc phù điêu thờ ở chùa và tồn tại cho đến tận ngày nay.
Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu có chất liệu đá, cao 75 cm, rộng 55 cm, dày 17 cm, niên đại 1552.
Bức phù điêu thể hiện bà với thế ngồi thiền trong một ô khám hình lá đề biến thể, ô khám này lại nằm trong một tấm đá có hình rất giống với bia ký và ở diềm xung quanh được trang trí hoa dây, ở dưới là một bệ hoa sen. Phía trên sát với đầu ô khám có hình mặt trời, hai bên thấp xuống một chút là hai hình hoa và rồng. Trang phục của bà được diễn tả thật đơn giản, bên ngoài khoác một chiếc áo dài, rộng, phía trong là yếm, cổ đeo một chiếc vòng có mặt tòn ten trông như những cánh hoa.
Nghệ thuật cung đình xuyên suốt
Trong nghệ thuật tạo hình thì phần tư tưởng luôn được ẩn đi trong khi đây lại là linh hồn của tác phẩm. Chính vì vậy, vấn đề được quan tâm ở bức phù điêu là tư tưởng trong đó, để từ đây hiểu rõ hơn về bối cảnh văn hóa xã hội cũng như trong vương triều Mạc thời bấy giờ.
Hình mặt trời được thể hiện ở phía trên ô khám, cho thấy phía trong là một hình hoa có 16 cánh, rất giống cánh hoa cúc ở cúc áo trên tượng vua Mạc Đăng Dung hiện cũng được lưu giữ tại chùa, và đây có lẽ cũng là hoa cúc. Tiếp đến phía ngoài là các tia lửa ngắn dài xen kẽ đối xứng hai bên. Điều thú vị là khi đối chiếu mặt trời ở lăng vua Khải Định thuộc triều Nguyễn với mặt trời ở đây cho thấy chúng rất giống nhau, bởi với lối thể hiện vừa mặt trời nhưng cũng vừa là hoa cúc. Với bằng chứng này thì rất có thể tư tưởng trong nghệ thuật cung đình Việt Nam đã được định hình từ trước triều Mạc và xuyên suốt đến triều Nguyễn.
Hai hình hoa nằm ở vị trí hai bên ô khám và dưới mặt trời một chút, trong đó mỗi hoa có một chữ Hán và một hình rồng chúc xuống rồi ngẩng đầu lên chầu vào hoa. Với cách bố cục này, ở đây còn cho thấy cả rồng và hoa đều chầu mặt trời. Về hoa, chúng cũng có 16 cánh cùng số lượng và kiểu thức với hoa ở mặt trời và hoa cúc trên áo vua, nhưng đều rõ ràng là không có các tia lửa xung quanh và đây là dấu hiệu phân biệt cho biết chúng chỉ là hoa cúc. Điều lạ nữa là mỗi hoa có một chữ Hán ở trung tâm, và theo Th.S Nguyễn Thanh Thuận (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp) thì chữ trong hoa bên phải là chữ 王 (vương), hoa bên trái là chữ 月 (nguyệt).
Như vậy, với toàn cảnh thể hiện ở bức phù điêu, trong đó nhân vật chính là Thái hoàng Thái hậu, nên hai chữ 王 và 月 rất có thể là mang hàm ý về bà. Như chữ 王 có thể hiểu bà là người chỉ dưới vua. Còn chữ 月 tức là mặt trăng (thuộc tính âm, tượng trưng cho nữ giới) cũng có thể hiểu mặt trăng chính là bà. Nếu vậy thì qua cách bố cục mặt trời ở trên ô khám nhưng ở ngay vị trí trên đầu Thái hoàng Thái hậu thì rõ ràng là một hình thức tôn thờ, và ở đây đã chỉ ra hàm ý mặt trời chính là hoàng đế Mạc Đăng Dung. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi ở triều Nguyễn mặt trời tượng trưng cho hoàng đế là rất rõ, và rất có thể tư tưởng này đã có trước vương triều Mạc rồi được xuyên suốt đến hết triều Nguyễn.
Ngoài ra con số 16 cánh của hoa cúc ở đây, cũng cần được lưu ý bởi có sự trùng lặp rất thú vị, đó là hoa cúc làm hiệu đề ở đồ pháp lam của triều Nguyễn, và huân chương hoa cúc của Nhật cũng là 16 cánh.
Cuối cùng vẫn còn một vấn đề nữa là tại sao lại sử dụng hình ảnh hoa cúc để thể hiện cùng hai chữ 王 và 月? Phải chăng ở đây còn ẩn dụ về sự khát vọng của vương triều Mạc, đó là viên mãn, trường tồn và sáng mãi như mặt trời.