Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.818 tác phẩm
2.758 tác giả
532
122.798.084

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Ngày 2.9.1945 ở Sài Gòn: Những đổi thay tiến bộ nơi đất Sài Gòn
Lực lượng dân quân cách mạng diễu hành tại Đại lộ Cộng Hòa ẢNH: T.L Buổi lễ Độc lập tại Sài Gòn cũng là nơi ta tỉnh táo ứng phó trước sự chống phá của kẻ thù. Và nền độc lập mới giành được đã thể hiện được ngay lập tức tính ưu việt.

 

Tỉnh táo trước sự chống phá của kẻ thù

 

Nhớ về ngày 2.9.1945 ở Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định và Gia Định Ninh (1945-1952) Phạm Văn Chiêu ghi lại trong hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945-1954) về sự chống phá của kẻ thù khi ở Sài Gòn “đã có những tiếng súng của bọn phản động trong nhà bắn vào đám biểu tình. Đã có những cuộc truy lùng, tìm bắt bọn phản động ra mặt”. Sự việc cụ thể ấy, theo Nguyễn Hiến Lê thì chính kiều dân Pháp đã gây hấn trước, dùng súng bắn vào đoàn biểu tình. Lực lượng Thanh niên Tiền phong đã lục xét những nhà tình nghi.

 

Trong phần tin “Ngót ba mươi người Pháp bị bắt vì đã bắn vào dân chúng trong cuộc mít tinh Saigon”, báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5.9.1945 cho biết khi dân chúng đang vui ngày Độc lập, từ Câu lạc bộ đường Norodom (Đại lộ Cộng hòa) một loạt súng bắn ra. Đội xung phong của Chính phủ ngay lập tức bao vây và bắt 30 Pháp kiều cùng một số Việt gian là thủ phạm xả súng.

Tố cáo âm mưu và tội ác của kẻ thù trong ngày nhân dân ta đón lễ Độc lập, báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27.9.1945 trong bài “Giặc Pháp nấp sau phái bộ Anh để phá rối ở Nam Bộ” thông tin chi tiết. “Trưa hôm 2.9.45, kiều dân Pháp và tù binh Anh khiêu khích vào trên 500 ngàn dân chúng Việt Nam đang say sưa và hăng hái dự lễ “Ngày Độc lập”. Trước ứng xử thù địch của kẻ thù, vẫn lời Cờ giải phóng số 20 ghi: “Đoàn tự vệ Việt Nam có trách nhiệm bảo toàn tính mệnh cho trên nửa triệu con người tay không, có cả đàn bà, trẻ con và những người già yếu, đã bắt buộc phải đối phó lại. Kết cục phía dân chúng: 47 người chết và bị thương, phía khiêu khích: 7 người và trên hai chục tên Pháp kiều giết người bị bắt tại trận và tống giam”.

 

Sau này, nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng trong bài viết “Đời tôi với những ngày Nam Bộ kháng chiến” nhớ về sự chống phá của kẻ thù, cho biết ta đã rất bình tĩnh để ứng phó với tình huống bất ngờ này khi nhận định “đây là hành động khiêu khích thâm độc và tàn ác nhằm chọc tức quần chúng để có sự phản ứng gây đổ máu và tàn phá, tạo cớ hợp pháp cho lực lượng Đồng minh can thiệp lật đổ chính quyền cách mạng”. Vì thế phía ta không trả đũa bằng súng đạn, không đốt phá tài sản của Pháp mà chỉ bao vây, bắt giữ. Đó được xem là sự trưởng thành về mặt chính trị để làm thất bại âm mưu gây hấn, tạo cớ của kẻ thù.

 

Những đổi thay của nền độc lập

 

Nền độc lập vừa mới giành được, một nước Việt Nam mới thành hình. Những đổi thay cũng theo đó mà diễn ra theo hướng của độc lập, tự do ngay trên đất Sài Gòn dạo ấy. Xem một số tài liệu thời bấy giờ, có thể cảm nhận được rõ những đổi thay dù là nhỏ nhất.

Nhiều con đường mang những cái tên rặt Tây của thực dân Pháp trước đó trên đất Sài Gòn, nay được chính quyền cách mạng đổi tên đậm tinh thần tự chủ và đậm hồn Việt hoặc ít nhất là trung tính. Trên báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày 3.9.1945 có phần tin “Một ít con đường ỡ [ở] Saigon đã được đỗi [đổi] tên” cho biết: đường Norodom được đổi thành Đại lộ Cộng hòa, chính là nơi tổ chức ngày lễ Độc lập ngày 2.9; đường Charner đổi thành đường Thủ Khoa Huân, vị anh hùng cứu nước của Nam Bộ; đường Pellierin thành đường Pasteur...

Trong bộ máy chính quyền, giám đốc mới ở các công sở Sài Gòncũng được giới thiệu với danh sách đăng trên báo Sài Gòn số 17.024, ngày 5.9.1945 qua tin “Những vị giám đốc mới của các công sở ở Nam Bộ” đều là người Việt. Trong đó, nếu tinh ý có thể nhận ra những cái tên sau này có mặt trong lịch sử nước Việt hiện đại như Kỹ sư Kha Vạng Cân - địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn; Phan Khắc Sửu - Sở Kinh tế...

Để ngăn ngừa bọn giả danh cách mạng, chính quyền cũng quyết định những cơ quan, tổ chức cách mạng như Ủy ban Hành chánh Trung ương, Ủy ban Hành chánh các tỉnh, Sở Cảnh sát Trung ương Sài Gòn - Chợ Lớn, Quốc gia Tự vệ Cuộc “mới có quyền gắn lá cờ đỏ ngôi sao vàng trên chiếc xe mình đi” như một cách nhận diện, báo Sài Gòn số 17.022 thông tin.

Vẫn số báo này cho biết, giờ làm việc ở các công sở cũng được đổi lại. Theo đó kể từ ngày 1.9.1945 trở đi, giờ làm việc ở các công sở sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng, làm luôn đến 4 giờ chiều. Buổi trưa nghỉ từ 12 giờ đến 13 giờ.

Như trên chỉ là một vài thay đổi cụ thể, tiến bộ ở Sài Gòn buổi đầu sau ngày Độc lập, thể hiện tính ưu việt, công bằng và tiến bộ của một chế độ xã hội mới. 

 

 

Trần Đình Ba - TN0
Tin tức khác