Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
637
123.238.520

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Vì sao cây mít được khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn?
Cây mít (ba-la-mật) khắc trên Cao đỉnh thuộc Cửu đỉnh của triều Nguyễn ẢNH: NAM HOA Mít là loại cây ăn quả gần gũi với người dân Việt Nam, được trồng gần như ở khắp mọi miền đất nước. Nó còn được chạm khắc trên Cửu đỉnh của triều Nguyễn.

 

Mặc dù vô cùng quen thuộc và đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu, nhưng mít lại không phải loại cây có gốc gác tại Việt Nam, mà nó có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tuy nhiên cây mít rất dễ sống và có thể sống khỏe cả ở những nơi đất khá cằn cỗi, chăm sóc cây lại rất đơn giản, có lẽ vì thế mà mít phổ biến ở nước ta cũng như khu vực Đông Nam Á.

Cây mít là một loại cây ăn quả, được biết đến từ hàng nghìn năm nay với quả thơm ngon. Hơn nữa, đây lại là loại cây lâu năm, cho quả ngọt trong suốt mấy chục năm trời. Mít là loại cây có quả được mọc ra từ chính thân cây - một hình ảnh tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở.

Ngoài việc cung cấp quả để làm món ăn, cây mít còn cung cấp cho chúng ta thân gỗ của nó. Gỗ mít từ xưa đến nay là một loại gỗ cũng rất quen thuộc trong đời sống của người Việt.

 

Đồ thờ cúng thường bằng gỗ mít

 

Người Việt từ xưa đến nay rất coi trọng việc thờ cúng và thường lựa chọn đồ thờ cúng một cách rất cẩn thận. Việc chọn vật liệu làm bàn thờ gia tiên càng được xem xét lựa chọn cẩn trọng. Trong quan niệm của người Việt, bàn thờ gia tiên tránh dùng bằng những vật kim khí, vì chúng mang tính lạnh, không đem lại trường khí tốt, có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tài vận của gia chủ. Do đó người ta thường chọn dùng gỗ tự nhiên làm bàn thờ gia tiên, và gỗ mít là loại thường được dùng nhất, bởi nhiều lý do.

Về mặt tượng trưng, cây mít vốn sống khỏe và thích nghi cả ở những nơi đất cằn cỗi, giống như tính cách kiên cường của người Việt Nam, hơn nữa cây mít cho quả mọc từ chính thân cây (như đã nói ở trên), tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Vì vậy các tủ thờ, bàn thờ trong các chùa chiền, nhà thờ họ cũng như các ban thờ gia tiên tại tư gia thường được ưu tiên chọn làm từ gỗ mít, vừa thể hiện sự sum vầy con cháu lại nói lên sự giàu sang, sự đủ đầy của một gia đình, một dòng tộc.

Về mặt chất liệu, gỗ mít không có mối mọt, lại có mùi thơm nhẹ đặc trưng. Các loại gỗ có mùi thơm thì nhiều, nhưng chịu được mối mọt, không cong vênh, co giãn rất ít như gỗ mít, thì không dễ gì tìm được. Thêm nữa, bề mặt gỗ mít rất mịn, có màu vàng sang trọng, biểu tượng cho sự hưng thịnh của nhà Phật, càng để lâu năm, sắc gỗ càng chuyển sang màu sẫm đỏ tự nhiên vừa đẹp, lại càng phù hợp để làm bàn thờ.

 

Từ pho tượng nổi tiếng bằng gỗ mít đến hình cây mít trên Cửu đỉnh

 

Với đặc tính cơ lý mềm dẻo, tương đối nhẹ, rất ít cong vênh, bề mặt khít nhẵn và đặc biệt không bị mối mọt, bền vững với thời gian có khi lên tới hàng trăm năm, nên xưa nay gỗ mít được dùng làm các pho tượng thờ rất rộng rãi ở các chùa chiền, đền thờ khắp cả nước.

Bởi tính chất khá mềm dẻo, nên việc chế tác, điêu khắc các chi tiết phức tạp của những pho tượng sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều trên khối gỗ mít, giúp bàn tay nghệ nhân thoải mái phát huy sự tài hoa, khéo léo, cũng như giúp cho họ dễ dàng thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình vào khối gỗ, để tạo ra những tác phẩm tuyệt vời.

Từ xa xưa, những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc như chùa Tây Phương, chùa Đậu, chùa Dâu, chùa Sùng Ân đã sử dụng gỗ mít để tạc những pho tượng thờ. Một trong những pho tượng Phật nổi tiếng ở miền Nam là bức tượng Phật ngồi trên tòa sen bằng gỗ mít thếp vàng, cao 2,5 m được chế tác bởi các nghệ nhân Huế do vua Gia Long cúng dâng chùa Khải Tường ở Sài Gòn để cảm tạ ngôi chùa ngày trước đã che chở gia đình mình.

Vì những lẽ đó, năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho đúc Cửu đỉnh bằng đồng để đặt trước sân Thế Miếu, trong đó cây mít (ba-la-mật) được trang trọng chạm khắc trên Cao đỉnh - chiếc đỉnh đồng đặt ở giữa, tượng trưng cho vị thế của vua Gia Long, vị vua sáng lập triều Nguyễn. 

 

Nam Hoa - TN0
Tin tức khác