Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.818 tác phẩm
2.758 tác giả
469
122.794.836

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc để làm gì?
Vở diễn 'Điều còn lại' sẽ được Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VIỆT NAM Có nhiều ý kiến về thời điểm và cách thức tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, dự kiến diễn ra tháng 10, 11 tại Hải Phòng.

 

 

Nơi dửng dưng, nơi tăng tốc

 

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) vừa phát ra thông báo thứ 4 về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Văn bản cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị đã đăng ký tham gia liên hoan, các đơn vị tại địa phương đang thực hiện giãn cách căn cứ tình hình thực tiễn có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo mọi điều kiện phòng chống dịch.

Cũng theo văn bản của Cục, liên hoan sẽ lùi thời gian tổ chức. Với thi trực tuyến, sẽ diễn ra từ ngày 28.10 - 4.11; với thi trực tiếp, sẽ từ ngày 6 - 18.11. Đơn vị dự thi chịu trách nhiệm về kinh phí, địa điểm biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật ghi hình, truyền dẫn… Ban tổ chức cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về hình thức thi trực tuyến cho các đơn vị. Các đơn vị dự thi trực tuyến gửi đăng ký về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 15.10.

 

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết trước đó có 17 đơn vị ở miền Bắc đăng ký tham gia liên hoan, TP.HCM có 3 đơn vị là Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM, Công ty TNHH giải trí HM Media và Công ty TNHH giải trí Hero Film. Các đơn vị này cũng chưa có ý kiến gì về Cục sau khi có văn bản.

Trong khi đó, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, cho biết năm nay sân khấu này không có kinh phí để đi thi. Kỳ liên hoan 2018 tổ chức tại TP.HCM, sân khấu của bà chỉ bỏ tiền ra dàn dựng vở, rồi biểu diễn tại chỗ cho ban giám khảo và khán giả xem, như vậy còn ráng “gồng”. “Năm nay tổ chức tại Hải Phòng, tiền đâu mà đi. Đơn vị xã hội hóa ngồi bán từng cái vé, hai năm nay dịch Covid-19 tơi bời, đóng cửa suốt, tôi còn bỏ tiền túi ra bù lương cho gần 20 anh chị em công nhân hậu đài, âm thanh, ánh sáng, soát vé, bảo vệ, đang rất khó khăn đây, không thể mơ tới chuyện liên hoan”, bà Uyên chia sẻ.

Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý Sân khấu Thế Giới Trẻ, cho rằng: “Nếu thi online tôi nghĩ nghệ sĩ không hào hứng. Diễn có khán giả thì mới hưng phấn, chứ chỉ nhìn ban giám khảo qua màn hình thì nguội lắm. Chưa kể, chấm thi qua online chắc là không chính xác, sẽ mất giá trị của chiếc huy chương, gây thắc mắc trong lòng nghệ sĩ”. Theo ông, nếu có thể thì nên lùi liên hoan lại sang năm.

 

Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN cho biết đang có kế hoạch khẩn trương tập vở khi hết giãn cách. Mỗi nhà hát này cũng đều đã có một vở diễn dự liên hoan, họ đang chuẩn bị thêm vở thứ hai. “Thực ra có một tâm lý ngần ngại do dịch Covid-19 hơi phức tạp, nhất là đối với sân khấu phía nam, nhưng phía bắc khung cảnh lại khác. Nhà hát chúng tôi từ đầu năm diễn được có mấy buổi, nên giờ anh em muốn làm việc trở lại ngay, vì dịch bệnh có vẻ được kiểm soát hiệu quả”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nói.

 

Để không ai bị bỏ lại

 

Làm việc với nhiều sân khấu khắp cả nước, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng một liên hoan kịch toàn quốc không nên để thiếu khuôn mặt kịch TP.HCM. “Đấy là nơi sân khấu xã hội hóa sôi động, nghệ sĩ luôn cố gắng và gần với công chúng”, ông Chu Thơm nói. Vì thế, theo ông, liên hoan sân khấu kịch toàn quốc cần đặt mục tiêu làm sao để sân khấu TP.HCM tham dự nhiều nhất có thể. Ông cũng lưu ý, khi các đường truyền để học online của các gia đình còn trục trặc như hiện nay thì việc thi kịch online là điều rất hên xui. Theo ông, lý tưởng nhất là lùi thời gian tổ chức lại để các sân khấu chuẩn bị tốt hơn. Đồng thời, khi đó, khán giả cũng được xem vở trực tiếp.

 

Ông Trần Hướng Dương cho biết kinh phí tổ chức đã được sắp xếp cho năm nay, nếu không tổ chức thì hoặc trả lại nhà nước, hoặc báo cáo Bộ VH-TT-DL chuyển đổi cho hoạt động phù hợp. Tuy nhiên, ông Dương cho biết: “Nhưng đẩy đến sang năm thì lại tùy thuộc vào kế hoạch sang năm, vì sang năm có hoạt động khác. Kế hoạch nhà nước phê duyệt 5 năm từ 2021 - 2025, năm đầu mà ùn tắc sẽ ảnh hưởng năm sau. Duy trì tổ chức được là tốt nhất, nếu không cũng phải báo cáo để điều chỉnh. Mong muốn của Cục là các nhà hát hoạt động, có chương trình phục vụ nhân dân vì thường chương trình dự thi là hay”.

 

Ông Dương cũng cho biết, các đơn vị khó khăn có thể đề nghị lên ban tổ chức để xin hỗ trợ. Việc hỗ trợ này chỉ bị giới hạn ở chỗ không thể cấp kinh phí ăn ở đi lại cho nghệ sĩ đi thi vì ngân sách nhà nước không cho phép. “Các sân khấu cứ trao đổi, Cục sẽ tính toán sao phù hợp. Nếu các bạn bảo thi trực tuyến khó khăn quá, thì chúng tôi có thể kết hợp với Sở, với HTV để đảm bảo chất lượng cho thi trực tuyến. Hoặc phương án khác là báo cáo lãnh đạo Bộ để xin thi khu vực. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, tôi cũng muốn các anh chị trao đổi trực tiếp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn”, ông Dương nói.

 

Về việc tổ chức liên hoan này, trước mắt Cục Nghệ thuật biểu diễn nên chủ động tìm hiểu tâm tư của các đơn vị sân khấu kịch. Tổ chức liên hoan sân khấu kịch để làm gì trong thời điểm này là một câu hỏi lớn. Làm sao để văn hóa thúc đẩy đời sống người dân, chứ không chỉ là câu chuyện làm sao tổ chức cho được một liên hoan kịch nói.

 

 

 

Hoàng Kim và Trinh Nguyễn - TN0
Tin tức khác