Abdulrazak Gurnah được Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận xét khi quyết định trao giải: “Vì sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy nhân ái của ông với những tác động của Chủ nghĩa Thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.
Sinh năm 1948, Abdulrazak Gurnah mang trải nghiệm của mình với tư cách là một cư dân của cả châu Phi và châu Âu vào tác phẩm. Tác giả sinh ra ở miền đông châu Phi, nhận nền giáo dục của lục địa đen và cả ở Anh, nơi ông sống từ năm 1968. Ông từng là giáo sư Anh ngữ và văn học hậu thuộc địa tại Đại học Kent (Anh).
Những vấn đề của dân nhập cư
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Abdulrazak Gurnah: Memory of Departure viết năm 1987, giới thiệu các chủ đề gần như tái hiện trong nhiều cuốn sách sau này của ông. Encyclopedia of World Literature (Bách khoa toàn thư văn học thế giới) từng mô tả sợi dây xuyên suốt trong các tác phẩm của Abdulrazak Gurnah là “cuộc đụng độ của hai thế giới mà nhân vật chính bị xa lánh trong cuộc sống và họ cần tìm thấy sự thỏa mãn về cảm xúc”. Trong Memory of Departure, nhân vật chính Hassan Omar có cơ hội rời quê hương tồi tàn của mình và sống với một người chú giàu có ở Kenya. Trong khi chàng trai trẻ nhận ra rằng quê hương mới của mình cũng có nhiều vấn đề như nơi sinh của mình, anh bắt đầu lao vào một cuộc tình ngắn ngủi.
Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, 117 cá nhân được trao giải Nobel Văn học từ năm 1901 - 2020. Chỉ có 5 nhà văn đến từ châu Phi từng nhận giải: Wole Soyinka (Nigeria), Naguib Mahfouz (Ai Cập), Nadine Gordimer, J.M.Coetzee (Nam Phi) và Abdulrazak Gurnah (Tanzania). Giải Nobel Văn học 2021 trị giá 10 triệu SEK (hơn 26 tỉ đồng).
Cả Pilgrim's Way (1988) và Dottie (1990) đều đi sâu hơn vào những xung đột xã hội đánh dấu phong cách viết của Abdulrazak Gurnah, khi mà ở đó tác giả giải quyết sâu xa các vấn đề chủng tộc. Pilgrim's Way xoay quanh một người di cư Đông Phi tên Daud bị phân biệt chủng tộc nặng nề ở Anh. Câu chuyện ảm đạm về cuộc đời một di dân nhưng sự lạc quan và khiếu hài hước của Daud giúp bù đắp những khía cạnh đen tối của cuốn tiểu thuyết. Trong Dottie, nhân vật chính nắm giữ một gia đình mà các thành viên đang phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, tội phạm và nghèo đói.
Tiểu thuyết Paradise (1994) của Abdulrazak Gurnah có cốt truyện tương tự cuốn Heart of Darkness của Joseph Conrad. Hai tác phẩm đều có chung một “giọng nói trữ tình và tầm nhìn thần thoại”. Paradise của Gurnah xoay quanh mối quan hệ buôn bán giữa bờ biển thuộc địa của châu Phi và vùng nội địa chưa được khám phá của lục địa đen trước Thế chiến thứ nhất. Nhân vật chính là Yusef, một nô lệ 12 tuổi thuộc sở hữu của một thương gia Ả Rập. Paradise từng vào vòng chung kết của giải thưởng Booker danh giá.
Trong Admiring Silence, người kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết rời Zanzibar vào những năm 1960 để du học ở Anh. Trong khi nhân vật chính gặp phải nạn phân biệt chủng tộc, anh ta vẫn cố gắng gia nhập vào nền văn hóa mới ở phương Tây. Anh phải lòng một phụ nữ trẻ tên Emma, con gái của những người da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu. Trong khi nhân vật chính bịa đặt những câu chuyện về gia đình Emma để miêu tả tích cực về Chủ nghĩa thực dân, anh ta cẩn thận bỏ qua mọi đề cập bất lợi đến Emma hoặc con gái của giới nhà giàu trong những bức thư gửi cho người thân của anh ở châu Phi. Khi được dịp trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, anh chợt nhận ra mình đã không còn thuộc về Zanzibar nữa. Quay về Anh, anh lại thấy mình xa lạ với văn hóa Anh nên bắt đầu lên kế hoạch giúp đỡ những người khác ở châu Phi.
“Viết với sự nhạy cảm đáng kể”
Đánh giá Admiring Silence, một cây bút của tờ Publishers Weekly nhận thấy tác giả “viết với sự nhạy cảm đáng kể”, khi Abdulrazak Gurnah thể hiện “sự nắm bắt sâu sắc về các vấn đề văn hóa”. Cây bút Joanne Wilkinson gọi cuốn tiểu thuyết là một “câu chuyện dài, buồn bã về cuộc di cư của người nhập cư” được kể sống động bằng sự hài hước của người da đen và “một cái kết đáng hy vọng”.
Nhà báo Laura Winters nhận định Admiring Silence trên tạp chí The New York Times Book Review rằng cách tác giả “miêu tả khéo léo nỗi thống khổ của một người đàn ông bị kẹt giữa hai nền văn hóa”.
Trong cuốn tiểu thuyết thứ sáu của mình - By the Sea - Gurnah kể về câu chuyện của hai gia đình. Câu chuyện mở ra khi Saleh Omar xin tị nạn ở Vương quốc Anh và được phỏng vấn với sự giúp đỡ của một người Zanzibar khác là Latif Mahmud nhập cư vào Anh nhiều năm trước đó và là một học giả thành công. Qua tác phẩm By the Sea, độc giả biết được những ngày đen tối sau khi người Anh rời hòn đảo Zanzibar vào năm 1964, kèm theo những cuộc xung đột chính trị, xã hội tiếp diễn sau đó.
Peter Whittaker viết trên tờ New Internationalist, ghi nhận “chiều sâu và sự tinh tế tuyệt vời” của cuốn tiểu thuyết. Một cộng tác viên của Publishers Weekly đã viết rằng cuốn tiểu thuyết “dày đặc, hoàn thiện và được định hình rõ ràng”. Donna Seaman, viết trong Booklist (ấn bản của Hiệp hội Thư viện Mỹ) rằng By the Sea là “cuộc điều tra đầy sắc thái về Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Chủ nghĩa đế quốc, và bản chất tha hóa của quyền lực”.
Francis Henry King ghi nhận trên tờ Spectator: “Gurnah khắc sâu sự quyết liệt trong kinh nghiệm của những người nhập cư bị coi thường, thù địch hoặc thờ ơ bảo trợ khi họ đến Anh”. Laurie Sundborg thì bình luận trong Booklist rằng tác giả “một lần nữa cung cấp cánh cửa dẫn vào nền văn hóa hậu thuộc địa Đông Phi và soi rọi nhiều ánh sáng cho các thông tin văn học của mình”.