Sách được in với bìa cứng, nhiều minh họa sinh động được lấy từ các bản chép tay, tranh vẽ, bản in khắc, đôi khi từ những địa danh không ngờ tới bên ngoài Ấn Độ. Với phần minh họa này, Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ là một cuốn sách đáng đọc, xứng đáng như bữa tiệc thị giác dành cho độc giả.
Được xem là “câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể”, Mahabharata từ lâu đã trở thành tác phẩm kinh điển quan trọng trong văn hóa Ấn Độ giáo. Đọc Mahabharata chính là cách để tìm hiểu và có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa của cộng đồng tôn giáo hơn 1,2 tỉ dân. Thế nhưng, với khoảng cách lịch sử mấy ngàn năm cùng độ dài hơn 90.000 câu thơ đôi viết bằng ngôn ngữ Sanskrit thì để đọc và hiểu được pho sử thi này là một thách thức lớn, ngay cả với người theo Ấn Độ giáo. Vì thế, tác phẩm mới Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về sử thi Mahabharata, về vị trí của Mahabharata trong hệ thống kinh điển Ấn Độ giáo, mà còn cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến triết học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử… Trong đó, chiếm dung lượng lớn nhất là phần kể lại toàn bộ nội dung Mahabharata, gồm 18 parva (quyển) bằng văn xuôi kèm lý giải về sự hình thành xung quanh bộ sử thi cả một không gian kết nối giữa văn hóa dân gian, đại chúng, văn chương kinh điển, tạo ảnh hưởng lên nhiều mặt của văn hóa Ấn Độ xưa và nay.
Với thời gian dài công tác tại Ấn Độ và có niềm say mê nền văn hóa phong phú ở đây, trong đó có sử thi Mahabharata, dịch giả Lê Thị Oanh đã thể hiện rất thành công việc chuyển ngữ cho cuốn sách. Bà cũng là dịch giả được người đọc VN yêu thích với nhiều bộ sách văn học và lịch sử đồ sộ như: Alice ở xứ sở diệu kỳ và Alice ở xứ sở trong gương, Bách khoa lịch sử thế giới, Lịch sử thế giới - Chân dung nhân loại theo dòng sự kiện... Đồng hành với bà ở phần hiệu đính là nhà văn Hồ Anh Thái - cũng là tên tuổi của ngành ngoại giao, tác giả nhiều đầu sách về các nền văn hóa: Namaskar! Xin chào Ấn Độ, Salam! Chào Ba Tư, Apa Kabar! Chào xứ vạn đảo…
Lời giới thiệu sách đầy hấp dẫn do Bibek Debroy - thành viên của Niti Aayog, một ban nghiên cứu chính sách của chính phủ Ấn Độ trực tiếp chấp bút. Trong lời giới thiệu, Bibek Debroy khẳng định: “Những câu chuyện trong Mahabharata cho đến nay vẫn vọng mãi, bởi những thế lưỡng nan và xung đột trong đó mãi tồn tại, cho dù bối cảnh ngày nay đã khác. Đó là lý do khiến chuyện được kể đi kể lại, không chỉ bằng tiếng Sanskrit mà bằng cả ngôn ngữ những vùng đất khác. Có cả một dòng văn học phái sinh từ những chuyện kể đó, có những bản kể lại của đạo Jain, có những bản chuyển thể điện ảnh, truyền hình, kịch, múa, tranh vẽ và điêu khắc. Câu chuyện hấp dẫn đến mức ta có thể kể đi kể lại.Chính nhờ được kể lại và chuyển giao qua nhiều thời đại mà Mahabharata tồn tại được đến nay. Mặc dù đã có nhiều phiên bản, nhưng độc đáo là thiên sử thi lần này được kể kèm theo hình ảnh minh họa”.