Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
709
123.237.171

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tả quân Lê Văn Duyệt và quyền lực Gia Định thành: Lên voi, xuống... ngựa
Ấn đồng Tả quân chi ấn của Đô thống chế tả quân Dinh Thần sách Lê Văn Duyệt LƯƠNG CHÁNH TÒNG Chọn Lê Văn Duyệt làm tổng trấn, vua Minh Mạng ký thác Gia Định thành và biên khổn cho ông. 4 năm đầu làm tổng trấn, Lê Văn Duyệt lập được nhiều công trạng, vua Minh Mạng nhiều lần khen thưởng và vỗ về vị đại quan.

 

Tháng 6 âm lịch (ÂL) năm 1821, Lê Văn Duyệt dâng biểu xin vào chầu. Vua khuyên nên lưu lại Gia Định, dụ rằng: “...Trẫm thấy khanh lâu ngày khó nhọc ở ngoài, cũng muốn gặp. Song vì Gia Định là trọng trấn của nước, […] nước Xiêm lại đương nhòm ngó, nước Chân Lạp cũng chưa thành thực quy phục, được khanh giữ trấn, cũng thư được lòng lo lắng về phương Nam”, “...sang năm, dân yên cướp hết, việc biên cương không lo, thì sẽ vào chầu cũng chưa muộn” (Đại Nam thực lục (ĐNTL), tập 2, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007, tr.140).

Gần 1 năm sau, vua sai trung sứ (chức quan) đem các đồ vàng quý thưởng cho Lê Văn Duyệt để ủy lạo. Vua dụ rằng: “Khanh từ khi nhận mệnh vào trấn đến nay, các đại lễ khánh hạ chưa được về thăm hầu. Nay tiết Vạn thọ, lại vì biên cương chưa yên nên không triệu về, lòng trẫm lấy làm áy náy”.

 

Tháng 2 ÂL năm 1823 lại đào sông Vĩnh Tế, vua sai Lê Văn Duyệt trông coi công việc. Quan tổng trấn tâu xin “lượng phát hơn 35.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy Viễn, cùng hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp ra làm, mỗi tháng cấp tiền gạo đều như lệ năm Gia Long”. Vua y cho. Tháng 4 ÂL, vua sai đình việc sông với lý do thời tiết tới mùa hạ, “công việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng, cho binh dân về”.

 

Ghi nhận công lao của tổng trấn, vua thưởng cho Lê Văn Duyệt đai ngọc và nhiều thứ khác, dụ rằng: “Trẫm nghĩ khanh khi xưa theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên hoàng khảo ta [tức vua Gia Long] dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên nên sai khanh làm tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp [tức loạn Chiêu vương], tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh là hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước đến nay các hoàng tử tước công chưa từng cho đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa” (ĐNTL, sđd, tr.280 - 281).

 

Từ chức Tổng trấn Gia Định thành

 

Tháng 8 ÂL năm 1823, Lê Văn Duyệt dâng biểu xin về kinh. Lần này vua không thể chối từ, “chuẩn cho hơn 1.000 người biền binh bộ hạ đi theo”. Tháng 11 ÂL ông về đến, vào bệ kiến. Vua triệu lên điện, “cho ngồi, yên ủi hỏi han”. Lúc ấy, Tổng trấn Bắc thành là Lê Chất cũng từ Bình Định vào yết kiến. Lần về kinh này, 2 võ quan lão thành Lê Văn Duyệt và Lê Chất thấy mình lạc lõng giữa thế hệ văn quan mới tại triều đình Huế.

 

Đại Nam chính biên liệt truyện có nhắc đến câu chuyện Lê Chất bàn với Lê Văn Duyệt lúc về kinh, rằng “bây giờ triều đình nắm cả quyền cương mở mang trăm việc, tiến dùng văn thần, trách thành chính trị, lũ ta đều là võ biền, xuất thân chỉ biết thẳng lòng làm ngay, hoặc sai lễ pháp; tự điển lúc thái bình khác với lúc mới dựng triều đình, chả gì bằng ta dâng biểu xin thôi 2 việc thành [Bắc thành và Gia Định thành]. Lưu kinh để chầu hầu may ra không có lỗi gì. Duyệt nói rằng thế cũng hợp ý ta” (tập 2, Ngô Hữu Tạo và Đỗ Mộng Khương dịch, NXB Thuận Hóa, 1997, tr.420 - 421). Tháng 2 ÂL năm 1824, 2 vị lão quan dâng biểu xin từ chức tổng trấn.

 

Vua Minh Mạng bảo: “Hai thành là chỗ trọng trấn ở miền Nam miền Bắc, trẫm đương nhờ cậy các khanh, sao lại nói ra lời ấy?” (ĐNTL, sđd, tr.333). Vua hỏi 2, 3 lần lý do, Lê Văn Duyệt chỉ quỳ khóc lạy tạ ra về không nói gì, còn Lê Chất thì nhắc lại vụ án Lê Duy Thanh trước kia như một lý do. Vua không duyệt. Tháng 4 ÂL, Tổng trấn Bắc thành đi kinh lược 2 trấn Nghệ An và Thanh Hóa. Lê Văn Duyệt lưu lại kinh thành một thời gian, cùng các đình thần Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Hưng, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng bàn về vấn đề Chân Lạp dâng đất cho quan bảo hộ. Các lời bàn dâng lên, vua xuống dụ bảo rằng: “Trẫm xem những lời tâu của các khanh, duy có lời bàn của Duyệt, hơi vừa ý trẫm…” (ĐNTL, sđd, tr.349).

 

Cuối tháng 6 ÂL, Lê Văn Duyệt vào bái từ lên đường về lại Gia Định thành. Đang trên đường đi, vua sai trung sứ mang dụ bảo rằng: “Tự sau khi ngươi bệ từ, lòng trẫm thắc mắc không quên. Ngươi nên tự giữ gìn đi đứng có tiết độ, chớ để nắng gió xâm phạm cho ta phải lo” (Đại Nam chính biên liệt truyện, sđd, tr.421). Bấy giờ, vua Minh Mạng đã ở ngôi gần được 4 năm, tuyển dụng nhiều quan văn từ miền Bắc và miền Trung, bước đầu xác lập được quyền lực. Bầu không khí mới ở triều đình Huế có phải là lý do chính khiến Lê Văn Duyệt từ chức, nếu không cảm thấy thoải mái, không thể hòa nhập… thì lưu lại kinh đô để làm gì? Hậu thế không biết được suy nghĩ, toan tính của Lê Văn Duyệt khi ông đưa ra phép thử này.

 

Cho đến lúc đó, mối quan hệ giữa Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng vẫn chưa có dấu hiệu rạn nứt, vua Minh Mạng luôn tỏ ra trọng thị vị trung thần. Về phía vua Minh Mạng, một lần nữa ông đẩy vị võ quan có ảnh hưởng bậc nhất khỏi kinh đô. Nhận xét về tính cách của vị hoàng đế, J.B.Chaigneau từng nói rằng vua Minh Mạng “không bao giờ nói những điều ông ta nghĩ”...

(còn tiếp)

 

 

 

Nguyễn Quang Diệu - TN0
Tin tức khác