Lời của tre và xiếc
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã tập trung suốt một tháng để dàn tập phần biểu diễn của Liên đoàn Xiếc trong chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận. Chương trình này sẽ là điểm nhấn tại Ngày quốc gia Việt Nam tại Expo Dubai 31.12 tới. “Với xiếc, tham gia lần này không phải lần lượt tiết mục truyền thống một như vẫn thường diễn ra ở sân khấu xiếc. Chúng tôi cũng dựng mới hoàn toàn bản diễn này khi có âm nhạc do NSND Quang Vinh viết theo yêu cầu của chương trình”, NSND Tạ Duy Ánh nói tại buổi tổng duyệt chương trình chiều 23.12 tại sân vận động Mỹ Đình.
Ông Ánh cho biết nhóm diễn viên xiếc đều là những nghệ sĩ xuất sắc từng giới thiệu văn hóa Việt Nam qua vở diễn xiếc Sông trăng ở Đức. Họ cũng rất quen với việc tạo hình, biểu diễn với tre nứa và nón. Cá nhân ông cũng tự đưa ra các yêu cầu cao khi làm đạo diễn cho phần biểu diễn xiếc. “Phải lựa chọn động tác đưa vào với tre nứa, làm sao khi kết đạo cụ vào rất nhanh, tháo ra rất nhanh, tận dụng trên thang tre đấy là có kỹ thuật xiếc. Được cái các bạn có kinh nghiệm nên cũng thuận lợi”, ông Ánh chia sẻ.
Cảm xúc đầu tiên của tôi là tự hào.
Tự hào về dân tộc, tự hào Việt Nam mình có thể bước ra thế giới, đồng hành với các chương trình nghệ thuật trên thế giới.
Tổng đạo diễn Huy Nguyễn
Chính vì thế, khi phần biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc bắt đầu, những khối hình được sắp đặt đều rất nhẹ nhàng và giàu chuyển động. “Có những màn diễn tập thể gắn kết cả tre, thang ngắn. Có những nhóm tạo hình trên thang giống như ngôi nhà rông. Có lúc tre dùng làm nền. Có lúc tre lại tạo thành điểm cao để tương tác cao thấp. Chúng tôi cố gắng khai thác mọi kỹ thuật tạo hình ở đó”, NSND Tạ Duy Ánh nói.
Màn trình diễn của các nghệ sĩ xiếc cũng có phần solo của đôi nam nữ. Họ vừa nhào lộn vừa uốn dẻo và tạo hình. Đây cũng chính là phần có tiết tấu âm nhạc rất nhanh, giàu âm hưởng Tây nguyên. “Vở Sông trăng và trích đoạn mang màu sắc Tây nguyên này đều mang nét văn hóa Việt Nam. Nhưng cả hai lại mang những màu sắc khác nhau. Sông trăng mang màu sắc nhẹ nhàng êm ái, hơi trữ tình. Còn trích đoạn này lại mang màu sắc Tây nguyên. Khi diễn, chúng tôi cảm thấy không gian sôi động, cảm giác rừng núi”, nữ nghệ sĩ xiếc Thanh Hòa tâm sự.
Một Việt Nam đa dạng văn hóa
Tổng đạo diễn Huy Nguyễn chia sẻ suốt thời gian làm chương trình, anh bị cuốn đi vì cảm giác tự hào. “Cảm xúc đầu tiên của tôi là tự hào. Tự hào về dân tộc, tự hào Việt Nam mình có thể bước ra thế giới, đồng hành với các chương trình nghệ thuật trên thế giới. Tôi cảm thấy may mắn khi được lựa chọn thành tổng đạo diễn chương trình”, vị tổng đạo diễn nói.
Tổng đạo diễn Huy Nguyễn cũng cho biết dù đã làm nhiều chương trình gắn bó với văn hóa Tây nguyên, nhưng những thể hiện ở chương trình này vẫn làm ông tự hào. “Đây là một chương trình gần như hoàn toàn mới về góc nhìn của bản thân mình về văn hóa tre và Tây nguyên. Tôi muốn thay đổi cách bản thân mình và nhiều người nghĩ tre chỉ gắn với ngôi làng và nhà tranh vách lá. Tôi muốn tre mạnh mẽ hơn. Tre còn thuộc về đồng bào dân tộc của Tây nguyên nữa”, ông nói.
Âm nhạc của chương trình cũng đặc sắc. NSƯT Thanh Hương, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết âm nhạc chương trình mang hồn cốt của Việt Nam. “Âm hưởng truyền thống kết hợp với tiết tấu hiện đại để khi mang văn hóa của mình sang nước bạn thì quảng bá được văn hóa của mình. Người ta nghe, người ta thấy mang hơi thở Việt Nam, nhưng âm nhạc lại sôi động của thế giới. Trong chương trình này các tiết mục nối liền nhau giữa xiếc, múa, thời trang, quan họ và cả các tiết mục độc tấu, tất cả khoảng 30 phút. Cá nhân tôi chơi đàn t’rưng ở phần diễn này”, bà Hương nói.
Suốt chiều dài chương trình, âm hưởng dân ca với những làn điệu Bắc bộ như Hoa thơm bướm lượn, với quan họ, với những màn múa sen, với áo dài trắng… sẽ giới thiệu một Việt Nam đa sắc. Tất cả cùng cộng hưởng với những nét riêng biệt của hoa văn thổ cẩm trên các thiết kế trang phục. Bên cạnh đó, cũng có cả âm thanh cồng chiêng của các nghệ nhân.
“Diễn tấu cồng chiêng là các nghệ nhân xã Nhân Đạo, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã chuẩn bị và tập luyện các bài chiêng khác nhau nhằm tạo sự nhuần nhuyễn, đa dạng trong cách trình diễn lần này”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nói.
Quy tụ lượng nghệ sĩ lớn nhất, tài năng nhất
Triển lãm Expo Dubai là một dịp quan trọng với các nước. Có tới 192 nước tham gia, và nước nào cũng đều cố gắng giới thiệu thành tựu của mình với thế giới. Expo như một cửa sổ thế giới. Trong tính chất triển lãm như vậy, việc chúng ta tham dự triển lãm cũng là một sự kiện lớn.
Việt Nam cũng cố gắng để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của mình ra thế giới trong Ngày quốc gia Việt Nam. Ngoài tuần phim và các hoạt động hội thảo thì chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận là một trong những điểm nhấn của Ngày quốc gia Việt Nam. Trong ngày này, Việt Nam sẽ giới thiệu với bạn bè những hình ảnh để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Ta sẽ kể câu chuyện ngắn về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, một truyền thuyết tốt đẹp đặc sắc. Bộ phim này, theo tôi, khẳng định cội nguồn của dân tộc.
Bên cạnh đó, chương trình Dòng chảy bất tận cũng giới thiệu những giai điệu đẹp, điệu múa dân tộc, hoa văn thổ cẩm. Đặc biệt, phần giới thiệu thổ cẩm đã giới thiệu những hoa văn nguyên gốc của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như những thiết kế ứng dụng thổ cẩm rất hiện đại. Nghĩa là bên cạnh cái gốc, còn có cả thổ cẩm lan tỏa trong đời sống.
Đây cũng là kỳ Việt Nam tham gia Expo với lượng nghệ sĩ lớn nhất. Việc lựa chọn diễn viên
cũng kỹ lưỡng, đấy là những diễn viên tài năng nhất, và ở những nhà hát mạnh nhất của Bộ VH-TT-DL. Bên cạnh đó, cũng có những nghệ nhân từ đoàn quan họ Bắc Ninh, từ không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Đó là những người đại diện cho nghệ thuật đã được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Thứ trưởng VH-TT-DL Tạ Quang Đông